Không ngừng nâng cao ý thức, trách nhiệm trước cử tri
Nhân kỷ niệm 77 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946-6/1/2023), Báo Phú Yên phỏng vấn Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Văn Thìn nhằm cung cấp thêm những thông tin quan trọng, có ý nghĩa lịch sử của Quốc hội, đặc biệt là những kết quả nổi bật của Đoàn ĐBQH Phú Yên trong thời gian qua.
* Ông có thể cho biết kết quả và ý nghĩa của ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam?
- Ngày 6/1/1946 đã ghi vào lịch sử Việt Nam một mốc son chói lọi. Với tinh thần dân tộc dâng cao chưa từng thấy sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, bằng ý chí sắt đá, quyết tâm bảo vệ nền độc lập tự do vừa giành được, toàn thể Nhân dân Việt Nam từ miền xuôi tới miền ngược, từ miền Bắc đến miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt trai gái, giàu nghèo, tôn giáo, dân tộc, giai cấp, đảng phái từ 18 tuổi trở lên đều tham gia cuộc Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội khóa I - Cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đã diễn ra trong cả nước, được tiến hành theo nguyên tắc dân chủ tiến bộ nhất, đó là phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín, với tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 89%. Cuộc Tổng tuyển cử đã bầu được 333 đại biểu. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%).
Tại Phú Yên, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên có 98% cử tri đi bầu, 4 đại biểu Huỳnh Lưu, Phạm Ngọc Quế, Trần Quỳnh, Phan Lưu Thanh đã trúng cử ĐBQH.
Thắng lợi rực rỡ của cuộc Tổng tuyển cử đã khẳng định về mặt pháp lý quyền làm chủ của Nhân dân ta, từ vị trí nô lệ, đứng lên giành độc lập, tự tổ chức ra Nhà nước của mình. Có thể nói thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên này và với sự ra đời của bản Hiến pháp tiến bộ 1946 đã mở ra triển vọng của thời kỳ mới, thời kỳ đất nước có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một hệ thống chính quyền đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho Nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại.
Quốc hội khóa I (nhiệm kỳ 1946-1960) có 403 ĐBQH. Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I họp vào ngày 2/3/1946, tại Nhà hát lớn TP Hà Nội, với sự tham dự của 300 đại biểu. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã công nhận danh sách Chính phủ Liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu; công nhận danh sách Kháng chiến Ủy viên Hội, Chủ tịch là đồng chí Võ Nguyên Giáp; công nhận danh sách Quốc gia Cố vấn đoàn, ông Cố vấn Tối cao Vĩnh Thụy (tức cựu hoàng Bảo Ðại) làm Ðoàn trưởng; bầu Ban Thường trực Quốc hội do ông Nguyễn Văn Tố làm Trưởng ban; bầu Ban Dự thảo Hiến pháp gồm 11 người.
* Đoàn ĐBQH Phú Yên đã góp phần vào sự hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam như thế nào, thưa ông?
- Trong thời gian qua, các ĐBQH tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh luôn nâng cao ý thức, trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ theo đúng tiến độ và đạt chất lượng, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ chung của Quốc hội.
Từ sau Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV đến nay, hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác tiếp xúc cử tri luôn được đổi mới, tổ chức gặp gỡ tiếp xúc với nhiều thành phần cử tri. Công tác giám sát đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả cao, tổ chức nhiều đợt giám sát, khảo sát trên nhiều lĩnh vực, có nhiều đóng góp trong công tác xã hội trên địa bàn tỉnh. Qua các đợt giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân…, các ĐBQH tỉnh đã chọn lọc nhiều vấn đề, nội dung thiết thực để tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến đối với các vấn đề quan trọng của đất nước. Các ĐBQH tỉnh đã tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục những tồn tại, hạn chế và phát huy những thuận lợi để nỗ lực thực hiện nhiệm vụ của mình một cách tốt nhất và tham gia ý kiến phát biểu thảo luận, tranh luận ở nghị trường Quốc hội.
Ngoài việc tham gia các hoạt động chung của Đoàn ĐBQH tỉnh, các ĐBQH tích cực tham gia vào các hoạt động đối nội, đối ngoại của các ủy ban của Quốc hội mà ĐBQH là thành viên; tham gia các hoạt động do Hội Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam với các nước tổ chức. Đoàn cũng đã trích kinh phí hoạt động và cá nhân các ĐBQH tỉnh vận động đi thăm, tặng quà các nguyên ĐBQH nghỉ hưu, đang sinh sống trên địa bàn tỉnh; thăm, tặng quà các gia đình, địa phương bị thiệt hại do mưa lũ; thăm, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh nghèo vượt khó học giỏi, các đơn vị làm nhiệm vụ trực chiến…, với tổng số tiền trên 1 tỉ đồng.
* Thưa ông, dự kiến chương trình hoạt động từ sau kỳ họp thứ tư đến hết năm 2023 như thế nào?
- Căn cứ vào chương trình công tác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội năm 2023 và căn cứ tình hình thực tế của địa phương, Đoàn ĐBQH tỉnh dự kiến chương trình công tác từ nay đến hết năm 2023 tập trung vào những nội dung chủ yếu. Đó là, tổ chức lấy ý kiến góp ý xây dựng các dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Kỳ họp thứ năm, Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV theo kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, trọng tâm công tác xây dựng pháp luật năm 2023, Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp với UBND tỉnh và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện Nghị quyết 671/NQ-UBTVQH15 ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); tổ chức các cuộc giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trên địa bàn tỉnh theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kế hoạch của Đoàn ĐBQH tỉnh; tham gia đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội về giám sát, khảo sát, làm việc tại Phú Yên (nếu có).
Đồng thời tổ chức các đoàn giám sát, khảo sát các nội dung liên quan đến chương trình kỳ họp Quốc hội tại một số cơ quan, đơn vị; việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo tại một số cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (khi xét thấy cần thiết). Kiểm tra, rà soát đánh giá việc thực hiện các kiến nghị, kết luận của các cuộc giám sát mà Đoàn ĐBQH tỉnh đã giám sát tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh. Chủ trì, phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và chính quyền các cấp tổ chức tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau Kỳ họp thứ năm, Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV. Xây dựng kế hoạch phân công ĐBQH tiếp công dân định kỳ vào ngày 28 hàng tháng tại trụ sở Tiếp công dân của tỉnh; tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân kịp thời, đúng quy định. ĐBQH chuyên trách tham dự các cuộc họp ĐBQH chuyên trách, ĐBQH tham dự phiên họp toàn thể của các ủy ban của Quốc hội mà đại biểu là thành viên. ĐBQH tỉnh tham dự các kỳ họp của HĐND tỉnh khóa VIII; tham dự hội nghị trực tuyến, các cuộc hội thảo, hội nghị, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu do Quốc hội tổ chức; thăm, tặng quà một số cơ quan, đơn vị làm nhiệm vụ trực chiến, các trung tâm xã hội, các nguyên ĐBQH, các đối tượng chính sách, hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh… nhân dịp lễ, tết.
* Xin cảm ơn ông!
THÙY THẢO (thực hiện)