Không ngừng nỗ lực vì 8 mục tiêu chiến lược
IPU tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động ngoại giao nghị viện, trao quyền cho các nghị viện và nghị sĩ để củng cố hòa bình, dân chủ, trao quyền cho phụ nữ, trao quyền cho thanh niên và thúc đẩy phát triển bền vững trên toàn thế giới. Kể từ khi thành lập cách đây 135 năm, IPU không ngừng nỗ lực vì các mục tiêu sau:
1. Xây dựng nghị viện mạnh
Nghị viện mạnhlà nền tảng của mọi thiết chế dân chủ và cần thiết cho sự phát triển. Là một tổ chức bao gồm gần như tất cả các nghị viện quốc gia trên thế giới, IPU giúp các nghị viện mang tính đại diện hơn, bình đẳng hơn, trẻ hơn, minh bạch, dễ tiếp cận, hiện đại hơn và hiệu quả.
Để làm được điều này, IPU thiết lập các tiêu chuẩn và hướng dẫn chung cho các nghị viện để biến những tiêu chuẩn đó thành hiện thực. IPU tin rằng sự đóng góp của các nghị viện đối với nền dân chủ sẽ càng mạnh mẽ hơn nếu bản thân họ tuân thủ các nguyên tắc dân chủ trong hoạt động.
Các lý tưởng dân chủ của IPU đã được ghi nhận trong hai tuyên ngôn quan trọng: Tuyên bố về tiêu chí bầu cử tự do và công bằng năm 1994 và Tuyên bố chung về dân chủ năm 1997.
2. Thúc đẩy bình đẳng giới
IPU là một trong những tổ chức hàng đầu về trao quyền cho phụ nữ, công nhận mối liên hệ giữa các nền dân chủ mạnh với bình đẳng giới trong nghị viện. IPU hướng tới ba mục tiêu chính: tăng số lượng phụ nữ trong các cơ quan dân cử thông qua việc thiết lập hạn ngạch về giới; ủng hộ phụ nữ trong nghị viện; khuyến khích các nghị viện trở thành các tổ chức nhạy cảm về giới, đặc biệt trong hoạch định chính sách.
Để đạt được những mục tiêu này, trong nhiều năm, IPU tiến hành nghiên cứu về tỷ lệ phụ nữ trong các nghị viện, bao gồm các phân tích so sánh giữa các quốc gia và các nghiên cứu hàng năm xem xét các xu hướng lịch sử trong nhiều thập kỷ. IPU cũng công bố các báo cáo mang tính bước ngoặt về phân biệt giới tính và bạo lực trên cơ sở giới trong nghị viện. Bên cạnh đó, IPU còn đưa ra Bộ công cụ tự đánh giá dành cho các nghị viện nhạy cảm về giới và đã được hàng chục nghị viện trên thế giới sử dụng.
Bản thân trong IPU đã có một cơ quan riêng dành cho nữ nghị sĩ là Hội nghị Nữ nghị sĩ. Ngoài ra, Điều lệ của IPU cũng được sửa đổi để thúc đẩy tính đại diện của nữ giới như việc quy định Chủ tịch Ủy ban Nữ nghị sĩ sẽ là thành viên đương nhiên của Ban Chấp hành IPU.
3. Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người
Một trong những chức năng chính của IPU là bảo vệ và thúc đẩy quyền công dân cũng như đại diện của họ trong các nghị viện. Với việc thành lập Ủy ban Nhân quyền của các nghị sĩ, IPU có một cơ chế để bảo vệ quyền của các nghị sĩ trên khắp thế giới trong bối cảnh ngày càng nhiều nghị sĩ là nạn nhân của bạo lực, hoặc thậm chí bị đe dọa đến tính mạng vì công việc. IPU cũng tích cực thúc đẩy các chương trình nhân đạo quốc tế nhằm bảo vệ thường dân bị ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột hoặc thiên tai, chẳng hạn như những người tị nạn.
4. Thúc đẩy đối thoại và hợp tác liên nghị viện
IPU được thành lập năm 1889 với mục tiêu đầu tiên là thúc đẩy đối thoại liên nghị viện. Hàng năm, IPU tổ chức hai hội nghị quốc tế, quy tụ hơn 1.500 nghị sĩ và các đại biểu để giải quyết các vấn đề trong chương trình nghị sự quốc tế. Do ít bị hạn chế bởi các nghi thức hơn các cuộc họp giữa các bộ trưởng và nguyên thủ quốc gia; các cuộc họp này là nơi lý tưởng để xây dựng cầu nối giữa các quốc gia ở cấp nghị viện.
5. Phát triển bền vững
IPU đặt ra mục tiêu hỗ trợ các nghị viện trên thế giới thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Thông qua các cuộc hội thảo, IPU giúp các nghị sĩ trao đổi, thu thập thông tin và hành động để thúc đẩy chương trình nghị sự về phát triển bền vững ở trong nước và quốc tế. Trên cơ sở hợp tác với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), IPU đã cho ra mắt Bộ công cụ tự đánh giá về việc thực hiện SDGs, giúp các nghị sĩ xác định những kinh nghiệm tốt, cơ hội và bài học kinh nghiệm về cách thể chế hóa và lồng ghép các SDGs vào quy trình lập pháp.
6. Củng cố hòa bình, ngăn ngừa xung đột
IPU là tổ chức đa phương chính trị đầu tiên trên thế giới khuyến khích các quốc gia gặp gỡ và giải quyết những khác biệt bằng biện pháp hòa bình. Trong suốt lịch sử của mình, IPU trở thành một “kênh” ngoại giao nghị viện và đối thoại giữa các quốc gia.
Bên cạnh đó, một trong những chủ đề luôn được quan tâm trong chương trình nghị sự của IPU là đưa ra những khuyến nghị và chia sẻ kinh nghiệm về chính sách để nghị viện đối phó với các mối đe dọa như khủng bố, cực đoan, tội phạm có tổ chức, chiến tranh mạng và vũ khí hủy diệt hàng loạt. IPU đóng một vai trò đặc biệt đối với các quốc gia sau xung đột hoặc đang chuyển đổi sang nền dân chủ, giúp tổ chức các cuộc bầu cử, phát triển quốc hội của họ như những thể chế dân chủ để từ đó hàn gắn tình trạng chia rẽ quốc gia.
7. Thúc đẩy trao quyền cho thanh niên
Thanh niên là tương lai của bất kỳ nền dân chủ nào. Tuy nhiên, chỉ với khoảng 2% số nghị sĩ trên thế giới dưới 30 tuổi, những người trẻ thiếu tiếng nói quan trọng trong các cơ quan đại diện.
Trong thập kỷ qua, IPU đã trao quyền cho các chính trị gia trẻ tuổi để củng cố và trẻ hóa các nền dân chủ; giúp các nền dân chủ trở nên mang tính đại diện hơn cho mọi thế hệ. Năm 2010, IPU đã thông qua nghị quyết Sự tham gia của thanh niên vào tiến trình dân chủ và sau đó thành lập Diễn đàn Nghị sĩ trẻ nhằm mang lại những gương mặt tươi mới hơn cho tiến trình chính trị, bảo đảm rằng tiếng nói của các nghị sĩ trẻ trên khắp thế giới được lắng nghe trong quá trình ra quyết định toàn cầu.
Năm 2018, IPU trở thành tổ chức quốc tế đầu tiên đưa ra các biện pháp khuyến khích nhiều nghị sĩ trẻ hơn tham dự các cuộc họp của mình.
8. Thúc đẩy quản trị toàn cầu
IPU cam kết nâng cao vai trò của các nghị viện trong các vấn đề toàn cầu và bảo đảm rằng các cam kết quốc tế được hiện thực hóa ở cấp quốc gia thông qua quá trình hài hòa pháp luật.
Quan hệ đối tác chiến lược của IPU với Liên Hợp Quốc bảo đảm tiếng nói của nghị viện được lắng nghe trong các quá trình ra quyết định toàn cầu. IPU cũng giúp lồng ghép các cam kết toàn cầu vào công việc hàng ngày của các nghị viện quốc gia và hỗ trợ các nghị viện trong vai trò quan trọng của họ là giám sát các Chính phủ trong quá trình thực hiện các thỏa thuận đa phương.
IPU cũng làm việc với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thông qua cơ chế mà IPU và Nghị viện châu Âu đã khởi xướng từ năm 2003 mang tên “Hội nghị liên nghị viện về WTO”.