Không ngừng rèn luyện tác phong chỉ huy

Người chỉ huy phải có tác phong tốt thì mới có thể chỉ huy, điều hành đơn vị hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ. Nhưng tác phong chỉ huy không phải 'từ trên trời rơi xuống' mà cần trải qua một quá trình tự học, tự rèn, tự rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc, cầu thị. Trang 'Ý kiến chiến sĩ' giới thiệu một số ý kiến của cán bộ, chiến sĩ xung quanh vấn đề này.

*Đại tá HOÀNG PHI TRƯỜNG, Phó chính ủy Sư đoàn 375, Quân chủng Phòng không-Không quân:

Một trong những yếu tố có vai trò quan trọng hàng đầu

Theo tôi, tác phong chỉ huy là nét đặc trưng riêng có của người sĩ quan trong Quân đội nhân dân Việt Nam, phản ánh hoạt động đặc thù trong môi trường quân sự. Tác phong chỉ huy là sự thống nhất giữa lời nói và việc làm; giữa kiến thức, trình độ, năng lực với phẩm chất đạo đức, lối sống; được biểu hiện qua tư thế tác phong, khẩu lệnh, động tác, mang mặc, xưng hô chào hỏi đúng quy định. Đó là sự gương mẫu trong học tập, sinh hoạt, công tác; làm việc có kế hoạch, cụ thể, khoa học, tỉ mỉ, hiệu quả; sự linh hoạt, khéo léo để giải quyết công việc trong mọi điều kiện, hoàn cảnh trên cơ sở các nguyên tắc chung. Tác phong của người chỉ huy còn thể hiện ở sự gần gũi, quan tâm, gắn bó với cán bộ, chiến sĩ, sâu sát, bám nắm đơn vị; thấu hiểu tâm tư, tình cảm, hoàn cảnh của cấp dưới, yêu thương đồng chí, đồng đội. Đây là một trong những yếu tố có vai trò quyết định trong việc bảo đảm tính chính xác khi đưa ra những chủ trương, biện pháp và tổ chức chỉ huy thực hiện nhiệm vụ trên các mặt công tác.

Muốn có tác phong chỉ huy tốt, người cán bộ phải tự học, tự rèn, tự đào tạo, thông qua công tác, sinh hoạt hằng ngày để rèn luyện thành kỹ năng với ý thức kỷ luật, tự giác. Người chỉ huy phải rèn luyện tác phong gương mẫu, trau dồi kiến thức toàn diện, nắm vững chỉ thị, quy định, kế hoạch, hướng dẫn của cấp trên; quán triệt, triển khai thực hiện nhiệm vụ chặt chẽ, nghiêm túc, kiểm tra, nhận xét, đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm chính xác, kịp thời. Đồng thời, cần thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, phân công cá nhân phụ trách; phát huy tốt trí tuệ tập thể, sức mạnh của các tổ chức, cá nhân trong đơn vị... Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 375 rèn luyện tác phong chỉ huy cho đội ngũ cán bộ trẻ thông qua quá trình học tập, công tác; tổ chức các lớp tập huấn, diễn tập, hội thao, hội thi; kiểm tra đánh giá kết quả; cấp trên bồi dưỡng cấp dưới; thông qua tham gia hoạt động phong trào của các tổ chức quần chúng; nâng cao chất lượng huấn luyện điều lệnh; rèn luyện, phát triển kỹ năng sống, kỹ năng trong sinh hoạt...

Kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 179, Trung đoàn 282, Sư đoàn 375 (Quân chủng Phòng không-Không quân) làm công tác chuẩn bị chiến đấu. Ảnh: THÀNH NAM

Kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 179, Trung đoàn 282, Sư đoàn 375 (Quân chủng Phòng không-Không quân) làm công tác chuẩn bị chiến đấu. Ảnh: THÀNH NAM

*Thượng tá NGUYỄN CÔNG LƯƠNG, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3, Sư đoàn 324, Quân khu 4:

Phải “mắt thấy, tai nghe, tay sờ, miệng nói”

Một người chỉ huy có tác phong tốt thường thể hiện sự tự tin, quyết đoán, tôn trọng và thấu hiểu cấp dưới, đồng thời có khả năng lắng nghe, cầu thị. Người chỉ huy cần có tác phong tốt để tạo ra môi trường làm việc tích cực, khuyến khích sự gắn kết và tinh thần đồng đội; giúp nâng cao uy tín, tạo sự tin tưởng từ cấp dưới và dễ dàng hơn trong chỉ huy, điều hành đơn vị. Để rèn luyện, nâng cao tác phong chỉ huy, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, trước hết người chỉ huy phải đặt lợi ích tập thể lên trên hết, phát huy dân chủ, tôn trọng tập thể, nêu cao tự phê bình và phê bình. Luôn quán triệt quan điểm lý luận gắn liền với thực tiễn, nói đi đôi với làm, làm việc có kế hoạch, khoa học, cụ thể, tỉ mỉ, chu đáo, cẩn trọng, sâu sát thực tiễn. Đặc biệt, người chỉ huy ở đơn vị cơ sở cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với bộ đội phải luôn cụ thể, tỉ mỉ “mắt thấy, tai nghe, tay sờ, miệng nói”, hiểu rõ những khó khăn, vướng mắc để đưa ra biện pháp khắc phục, giúp đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bên cạnh đó, phải xây dựng và thực hiện nếp sống, làm việc chính quy, có văn hóa, giản dị, khiêm tốn, gắn bó với đồng đội, tôn trọng cấp dưới và yêu quý nhân dân. Trong mọi điều kiện, hoàn cảnh phải hết sức linh hoạt, khéo léo trên cơ sở nguyên tắc công tác và tôn trọng bộ đội, tuyệt đối tránh quân phiệt, độc đoán, chuyên quyền. Để nâng cao tác phong chỉ huy cho đội ngũ cán bộ trẻ, chỉ huy cấp trên cần chia sẻ, truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm; tin tưởng giao nhiệm vụ để cán bộ trẻ rèn luyện, trải nghiệm thực tiễn; khuyến khích và tạo điều kiện cho cán bộ trẻ tự học, tự rèn, đồng thời thường xuyên đánh giá, nhận xét, rút kinh nghiệm cho mỗi người.

* Đại úy PHÍ HỒNG KIÊN, Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 148, Sư đoàn 316, Quân khu 2:

Tự giác học tập, rèn luyện

Theo tôi, tác phong của người chỉ huy là yếu tố vô cùng quan trọng, quyết định đến sự thành công của đơn vị. Mỗi cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là cán bộ trẻ cần không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao tác phong công tác của mình, góp phần xây dựng đơn vị ngày càng vững mạnh. Đội ngũ cán bộ trẻ có thể tự rèn luyện nâng cao tác phong chỉ huy thông qua học tập, nghiên cứu tài liệu, học hỏi kinh nghiệm của các đồng chí đi trước, đặc biệt là những người chỉ huy giỏi; tự rèn luyện các phẩm chất, kỹ năng cần thiết của người chỉ huy như sự tự tin, quyết đoán, khả năng giao tiếp, khả năng giải quyết vấn đề. Là một cán bộ trẻ, tôi đã học được rất nhiều điều từ các đồng chí đi trước. Đó là cách làm việc khoa học, cách xây dựng mối quan hệ với đồng chí, đồng đội, cách giải quyết các tình huống phát sinh. Tuy nhiên, tôi vẫn còn nhiều thiếu sót, nhất là thiếu kinh nghiệm. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục học hỏi, rèn luyện để nâng cao năng lực, trong đó tập trung vào việc nâng cao trình độ chuyên môn; rèn luyện kỹ năng giao tiếp; rèn luyện tính kiên trì, quyết đoán và khả năng tổ chức công việc một cách khoa học, hiệu quả.

*Trung úy VŨ THÀNH KIÊN, Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 1, Tiểu đoàn Đặc công, Bộ Tham mưu Quân khu 3:

Rất cần thiết với sĩ quan trẻ

Là cán bộ mới ra trường, tôi thấy việc rèn luyện tác phong công tác, tác phong chỉ huy rất cần thiết vì tuổi đời còn trẻ, còn nhiều điều phải học hỏi. Nếu không có tác phong làm việc, chỉ huy khoa học, nghiêm túc, sẽ mất đi sự tôn trọng của cấp dưới và đồng chí, đồng đội, có thể gây ra mâu thuẫn, mất đoàn kết trong nội bộ đơn vị. Từ suy nghĩ đó, khi được phân công về đơn vị công tác, tôi luôn có ý thức học tập, rèn luyện chỉn chu, nghiêm túc nhằm tạo dựng sự quý mến, tin tưởng từ cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Tôi cũng thường xuyên được chỉ huy các cấp, trực tiếp là chỉ huy đại đội và tiểu đoàn tận tình chỉ bảo từ nền nếp sinh hoạt, lề lối làm việc đến giao tiếp, ứng xử sao cho chuẩn mực, đúng với tác phong của một người chỉ huy cần có. Tự đánh giá lại bản thân, tôi thấy mình cần tiếp tục rèn kỹ năng ứng xử, nhất là đối với các đồng chí chiến đấu viên trong trung đội để vừa giữ được sự nghiêm túc, chuẩn mực của người chỉ huy nhưng vẫn tạo được sự gần gũi, quý mến của đồng đội, bởi các chiến đấu viên đều có tuổi đời và thời gian công tác nhiều hơn tôi.

*Trung sĩ MAI BẢO QUÁ, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 6, Trung đội 2, Đại đội 1, Tiểu đoàn 860, Lữ đoàn 950, Quân khu 9:

Chỉ huy ở cấp nào cũng phải có tác phong tốt

Tôi cho rằng, người chỉ huy ở cấp nào cũng cần có tác phong làm việc khoa học, nghiêm túc. Như ở cấp tiểu đội, nếu tiểu đội trưởng không có tác phong chỉ huy tốt thì không được các chiến sĩ tôn trọng, dẫn đến không đem lại hiệu quả trong công việc, duy trì, điều hành bộ đội không theo đúng quỹ đạo đã được cấp trên đề ra; không thể làm tốt chức trách, nhiệm vụ của người tiểu đội trưởng. Để rèn luyện nâng cao tác phong chỉ huy, ngoài năng lực chuyên môn, tôi tập trung rèn sự nhẫn nại, bình tĩnh trong giải quyết công việc... Nhờ vậy, tiểu đội tôi luôn duy trì nghiêm nền nếp, chế độ, có nhiều sáng tạo trong công việc, chất lượng thực hiện nhiệm vụ được nâng cao.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/khong-ngung-ren-luyen-tac-phong-chi-huy-798587