Không ngừng so sánh bản thân với người khác trên mạng xã hội

Nhiều người không ngừng so sánh bản thân với những người mà họ quen biết trên mạng xã hội. Sau đó, cảm giác thua kém khiến họ cảm thấy chán nản và phiền muộn.

 Đắm chìm vào mạng xã hội, khiến nhiều người không ngừng so sánh bản thân với người khác. Ảnh: V.T.

Đắm chìm vào mạng xã hội, khiến nhiều người không ngừng so sánh bản thân với người khác. Ảnh: V.T.

Chúng ta liên tục cảm thấy “kích hoạt”. Chúng ta cảm thấy áp lực phải trả lời tin nhắn ngay lập tức, hoặc băn khoăn không biết bạn bè, người thân, khách hàng có bực mình nếu ta không làm thế không. Cuối tuần và những buổi tối không còn là khoảng thời gian chết nữa. Những ngày nghỉ và những buổi nghỉ phép thường niên cũng không còn như thế nữa. Và nghịch lý là chúng ta càng hồi đáp nhanh chóng thì người gửi càng mong đợi hồi đáp nhanh chóng hơn nữa vào lần tới.

Thói so sánh bất tận của mạng xã hội rất hao tổn tâm sức và có hại. Chúng ta nếu không so sánh bản thân với người khác và cảm thấy thua kém họ, những kỳ nghỉ của chúng ta không tuyệt vời bằng họ, bàn làm việc của chúng ta không gọn gàng như của họ, trình độ yoga của chúng ta không ấn tượng bằng họ, con cái của chúng ta ăn mặc không đẹp bằng con cái họ, giá sách của chúng ta không phối màu đẹp như của họ.

Chúng ta so sánh bản thân với những người khác và cảm thấy mình đẳng cấp hơn... kỳ nghỉ của chúng ta sang chảnh hơn, bàn làm việc của ta phong cách hơn, trình độ yoga của ta mềm dẻo hơn, con cái chúng ta dễ thương hơn, tủ sách của chúng ta xứng với một tấm hình trên Instagram hơn. Dù trong trường hợp nào thì đây cũng là cuộc đua mà chúng ta không bao giờ chiến thắng, và chừng nào còn chơi, chừng đó chúng ta còn không thấy hài lòng.

Chúng ta dùng Internet để sao lãng bản thân trong khi đáng ra phải làm việc, học tập, trả hóa đơn, lau dọn, nói chuyện với người khác hoặc chơi với con cái. Chúng ta dùng nó để tránh nỗi khó chịu, tránh làm việc, tránh mặt người khác, tránh trách nhiệm hoặc tránh thời hạn. Chúng ta dùng nó để thuyết phục bản thân rằng mình đang bận rộn. Chúng ta sử dụng công nghệ như một thứ làm sao lãng bản thân chứ không phải một công cụ hữu ích như đáng lẽ ra phải thế.

Sống chậm là một lời kêu gọi ngắt kết nối. Hãy tắt điện thoại của bạn và đi ra ngoài. Hãy nói chuyện với người khác trong quán cà phê. Hãy làm một điều tử tế với người lạ. Hãy dành thời gian làm việc thiện nguyện. Hãy kể những câu chuyện ý nghĩa và sâu sắc với ai đó không nhìn thế giới bằng con mắt giống như chúng ta. Hãy sống sâu sắc với cuộc đời.

Hãy cảm nhận ánh nắng Mặt trời mơn man trên khuôn mặt. Hãy thưởng ngoạn bầu trời đêm. Hãy ngồi quanh lửa trại. Hãy lắng nghe một album nhạc. Hãy tắt GPS và xem bạn có thể khám phá ra điều gì. Hãy sử dụng một cuốn từ điển các câu nói thông dụng ở một đất nước khác.

Hãy mỉm cười rạng rỡ với ai đó, chứ đừng dùng bàn phím. Hãy dành thời gian và tiền bạc cho những dự án cần đến nó. Hãy đứng lên và bảo vệ cho cái gì đó. Hãy lên tiếng. Hãy phản đối hoặc ủng hộ. Hãy chú ý đến người ngồi ngay cạnh bạn. Hãy chú ý đến đứa con thường chỉ thấy đôi mắt bạn nhìn đi chỗ khác.

Dù sao thì bạn đã làm việc đó như thế nào? Khi kết nối đã quá ăn sâu bén rễ, chúng ta cần học cách ngắt kết nối như thế nào?

Hãy bắt đầu từ những thứ rất nhỏ, chậm, một cách có nhận thức.

Sẽ có nhiều thời điểm bạn cần phải được kết nối. Có thể là khi bạn đang gọi điện thoại, hay khi bạn làm việc trong bộ phận chăm sóc khách hàng, công việc của bạn là trả lời những tin nhắn đúng lúc. Có thể một người thân già yếu của bạn sẽ có việc gọi khẩn cấp hoặc bạn để con ở nhà với người trông trẻ. Những chuyện đó thì được.

Nhưng giống như việc bao biện rằng người khác cũng bừa bộn, tiếp tục bao biện sẽ không thể giúp bạn giải quyết được đống bừa bộn của mình, đừng lôi chuyện này ra biện minh cho việc liên tục kết nối.

John Perry/ Bách Việt Books và NXB Phụ nữ Việt Nam

Nguồn Znews: https://znews.vn/khong-ngung-so-sanh-ban-than-voi-nguoi-khac-tren-mang-xa-hoi-post1477764.html