Không nhất thiết phải đổi tên UBND phường khi thí điểm bỏ HĐND cấp phường tại Hà Nội

Không tổ chức HĐND phường: Quyền làm chủ của nhân dân được phát huy tốt hơn! Thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường tại Hà Nội: Thời điểm chín muồi thì phải mạnh dạn cải cách

(HNMO) - Trao đổi với HNMO bên hành lang Quốc hội sáng 19-11, các đại biểu Quốc hội tiếp tục bày tỏ quan điểm đồng tình và có những phân tích sâu về dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội.

Bản chất của thí điểm là tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho biết, triển khai Kết luận số 46-KL/TƯ, Bộ Chính trị giao Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo Quốc hội trong năm 2019 ban hành Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội để thực hiện từ năm 2021 đến 2026, dự thảo Nghị quyết của Chính phủ trình Quốc hội lần này, về bản chất, không chỉ là cho phép thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường ở Hà Nội mà là thí điểm tổ chức chính quyền địa phương hai cấp: Thành phố và quận.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật đã nêu rõ, đa số ý kiến trong Ủy ban tán thành với việc tổ chức 2 cấp chính quyền ở đô thị và 3 cấp chính quyền ở nông thôn như đề xuất của Chính phủ. Tổ chức chính quyền địa phương ở thành phố Hà Nội như dự thảo Nghị quyết là phù hợp với chủ trương của Đảng, phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang phân tích rõ thêm, theo quy định của Hiến pháp năm 2013, chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính, cấp chính quyền địa phương bao gồm HĐND và UBND. Trong trường hợp tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp thì phường không phải là một cấp chính quyền, nên không cần thiết phải tổ chức HĐND.

Ngoài ra, theo Điều 114 Hiến pháp năm 2013, UBND ở cấp chính quyền địa phương do HĐND cùng cấp bầu. Trong trường hợp thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của Hà Nội, thì UBND ở đây không phải là cấp chính quyền nên không phải do HĐND bầu ra là hợp lý.

Tại các phường thực hiện thí điểm, UBND là một cơ quan hành chính của cấp quận đặt ở phường để giải quyết công việc hằng ngày của người dân trên địa bàn phường đó.

"Tôi đồng tình với đề xuất của Chính phủ vẫn giữ tên UBND phường, bởi do đây mới chỉ là thí điểm, không nhất thiết phải đổi tên. Sau khi thí điểm thành công, chúng ta mới tính đến vấn đề này", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang khẳng định.

Về một số tranh luận phường là cấp trung gian hay cấp cơ sở, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, với tính chất, đặc điểm tổ chức cộng đồng, địa lý của Hà Nội thì cấp quận mới là cấp trực tiếp. Hiện nay, nhiều dịch vụ công của thành phố đã được cung cấp trực tiếp, cấp phường chỉ là đơn vị thừa hành.

Không tổ chức HĐND tại các phường giúp bộ máy chính quyền chuyên nghiệp hơn

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng Bùi Thanh Tùng khẳng định, dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội có đầy đủ cơ sở pháp lý, được Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định.

Đại biểu Bùi Thanh Tùng cho biết: "Từ thực tiễn thực hiện Nghị quyết số 26/2008/QH12 về thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường tại Hải Phòng, chúng tôi thấy mô hình quản lý chính quyền đô thị rất khác, trong đó, cấp chính quyền phường chủ yếu là cơ quan hành chính, là cánh tay nối dài của cấp quận để thực hiện dịch vụ hành chính công".

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng Bùi Thanh Tùng. Ảnh: T.Hoa

Vì vậy, theo đại biểu Bùi Thanh Tùng, việc thí điểm vừa là để tinh gọn tổ chức bộ máy, vừa giúp cho bộ máy chính quyền cơ sở cấp phường hoạt động chuyên nghiệp hơn khi là cơ quan thực hiện dịch vụ hành chính công. Nếu tập trung quyền lực vào cấp quận và tạo được môi trường pháp lý, điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ cấp quận thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình một cách hiệu quả thông qua các công cụ công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính... thì lúc đó, cấp quận có thể kiểm soát cấp phường một cách đồng bộ, hiệu quả.

Đại biểu Bùi Thanh Tùng cũng cho rằng, khi cấp phường chỉ còn là cơ quan hành chính thì tất cả quyền giám sát được trao cho HĐND cấp quận và ở cấp cao hơn thì mức độ, vai trò giám sát cũng sẽ tốt hơn. Nhưng đi liền với đó, trách nhiệm của đại biểu HĐND cấp quận sẽ nặng nề hơn, đòi hỏi cần có sự phối hợp tốt giữa HĐND cấp quận và cơ sở.

"Tôi cho rằng, nếu làm tốt những vấn đề này thì quyền lợi của người dân hoàn toàn được bảo đảm", Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng Bùi Thanh Tùng khẳng định.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/950763/khong-nhat-thiet-phai-doi-ten-ubnd-phuong-khi-thi-diem-bo-hdnd-cap-phuong-tai-ha-noi