Không nhất thiết thi sắc đẹp là phải có Hoa hậu, Hoa khôi
Đã đến lúc cả nhà tổ chức lần khán giả nên quen với việc không phải cuộc thi sắc đẹp nào cũng cần phải tìm ra người để trao vương miện.
Lần đầu tiên trong lịch sử các cuộc thi sắc đẹp quy mô được tổ chức trong nước không có thí sinh nào đăng quang ngôi vị cao nhất tại đêm chung kết. Điều hy hữu này đã xảy ra tại cuộc thi “Miss Tourism Vietnam – Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2020” vừa khép lại vào tối 28-11 vừa qua. Theo đó, cuối đêm thi này, Top 3 chung cuộc lần lượt được công bố gồm Á hậu 1 Bùi Minh Anh, Á hậu 2 Ngô Thị Mỹ Hải và không có người đẹp nào được xướng tên ở vị trí Hoa khôi.
Kết quả này khiến nhiều người không khỏi sửng sốt , ngỡ ngàng và bàn luận sôi nổi khắp các diễn đàn, mạng xã hội. Tuy nhiên thay vì “mổ xẻ” nhan sắc, học vấn của người đẹp đăng quang - điều vẫn thường thấy sau mỗi cuộc thi sắc đẹp, thì người ta bàn tán về lý do tại sao lại không chọn ra gương mặt nào để trao giải cao nhất. Không ít người cho rằng kết quả này là một sự phi lý, vô lý, thậm chí rất có thể đơn vị tổ chức sẽ bị “tuýt còi” vì phạm luật bởi trong đề án xin cấp phép tổ chức cuộc thi chắc chắn có ghi rõ việc thi là để tìm ra Hoa khôi và các Á khôi. Nhất là sau đêm chung kết, có thông tin đơn vị tổ chức phải gửi báo cáo đến Cục Nghệ thuật Biểu diễn để giải trình xung quanh kết quả được cho là “bất thường” trên.
Khách quan mà nói, cuộc thi “Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2020” đã khép lại với một kết quả đúng là bất thường. Bất thường ở chỗ, trong Top 5 cô gái lọt vào phần thi ứng xử cuối cùng, nếu “so bó đũa chọn cột cờ” thì kiểu gì chẳng chọn ra được một cô để trao vương miện. Song Ban tổ chức đã nhất trí với việc Ban giám khảo không chấm điểm cao nhất cho ai cả, tức là bỏ ngỏ danh hiệu Hoa khôi. Đương nhiên những người trong cuộc có lý do để đưa ra kết luận đó.
Như chia sẻ của vị Trưởng Ban tổ chức sân chơi sắc đẹp này thì đây là một quyết định đúng đắn vì họ không so giữa các cô gái với nhau, mà so tất cả cô gái với tiêu chí cuộc thi đặt ra từ đầu và thấy không có ai đáp ứng được những tiêu chí để đăng quang. Nói cách khác, đơn vị tổ chức mong muốn tìm ra nhan sắc có thể đảm nhận vai trò, sứ mệnh quảng bá du lịch Việt Nam trong suốt 3 năm tới chứ không phải đơn thuần trong khuôn khổ cuộc thi nên đã cân nhắc rất kỹ càng để lựa chọn ra người xứng đáng. Cũng theo đại diện đơn vị tổ chức thì việc không trao giải cao nhất là yếu tố khách quan, nếu không tìm thấy người nào đáp ứng đủ, xứng đáng thì bỏ ngỏ danh hiệu là điều dễ hiểu. Điều này không có nghĩa là cuộc thi thất bại, có vấn đề về mặt tổ chức hay quảng bá về du lịch Việt Nam.
Về việc giải thích với Cục Nghệ thuật Biểu diễn chuyện không có Hoa khôi sau cuộc thi, bà Thùy Dung chia sẻ: "Tôi nghĩ Cục sẽ không thắc mắc nhiều về vấn đề này, kết quả cuộc thi là toàn quyền do BTC và giám khảo quyết định. Mục đích của chúng tôi là tìm ra cô gái sẽ đảm nhận vai trò và sứ mệnh quảng bá du lịch Việt Nam trong 3 năm tiếp theo, chứ không phải chỉ đơn thuần trong khuôn khổ cuộc thi. Chính vì điều này chúng tôi phải cân nhắc, lựa chọn người xứng đáng".
Trước băn khoăn của một số người về việc liệu đơn vị tổ chức “Hoa khôi Du lịch Việt Namn 2020” có phạm luật không khi để trống danh hiệu cao nhất, cơ quan quản lý văn hóa cũng đã chính thức lên tiếng. Cụ thể, ông Trần Hướng Dương – Phó Cụch trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ VHTT&DL cho biết, ngay sau đêm chung kết cuộc thi này, Cục đã yêu cầu Ban tổ chức phải có báo cáo về kết quả chung cuộc. Tuy nhiên đại diện Cục Nghệ thuật Biểu diễn khẳng định, báo cáo này không phải để thẩm định hay xử phạt gì, mà bất cứ cuộc thi sắc đẹp nào được Cục cấp phép tổ chức thì sau khi kết thúc xong xuôi, dù thành công hay không cũng đều phải báo cáo lại kết quả như vậy.
Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn thì trong đề án xin cấp phép tổ chức “Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2020”, đơn vị xin cấp phép cũng nêu rõ nội dung “đêm chung kết sẽ tìm ra người đẹp để trao giải Hoa khôi, Á khôi 1 và Á khôi 2”. Song điều này không có nghĩa là họ bắt buộc phải trao tất cả các danh hiệu trên. Thay vào đó, Ban giám khảo và Ban tổ chức cuộc thi có quyền linh hoạt trong việc thay đổi nội dung sao cho phù hợp với tình hình thực tế, có nghĩa là trao hoặc không trao một danh hiệu nào đó so với đề án đặt ra và báo cáo rõ ràng về việc này với Cục. Ông Trần Hướng Dương nói thêm, việc trao giải thưởng như thế nào thuộc thẩm quyền quyết định của Ban tổ chức dựa trên kết quả chấm chọn của Ban giám khảo. Vì vậy việc đơn vị này không tìm ra thí sinh nào để trao danh hiệu Hoa khôi cũng là chuyện hết sức bình thường và hoàn toàn không vi phạm pháp luật. Điều này cũng có nghĩa Cục Nghệ thuật Biểu diễn không có ý kiến gì về kết quả chung cuộc. Thông thường, phía cơ quản quản lý văn hóa cũng sẽ chỉ có ý kiến và xử lý đơn vị tổ chức trong trường hợp đơn vị này phát hiện có thí sinh vi phạm quy chế mà vẫn để cho thi.
Như vậy đã rõ, việc cuộc thi “Hoa khôi Du lịch Việt Nam” để trống danh hiệu cao nhất là việc hoàn toàn bình thường, không vi phạm các quy định pháp luật hiện hành. Với kết quả đó, cuộc thi này cũng chính thức mở ra tiền lệ cho lịch sử sân chơi sắc đẹp Việt Nam về việc không nhất thiết cứ thi thố là phải chọn ra người đăng quang. Thực tế đã có không ít cuộc thi quy mô được tổ chức mà kết quả sau cùng vẫn gây tranh cãi kéo dài từ nhiệm kỳ này qua tới nhiệm kỳ sau. Sự tranh cãi bắt nguồn từ việc người đẹp được chọn để đội trên đầu chiếc vương miên Hoa hậu, Hoa khôi bị cho là chưa xứng đáng về nhan sắc hoặc học vấn, hoặc có lùm xùm về đời tư. Thế nên càng về sau, các đơn vị tổ chức càng cẩn trọng hơn trong việc chọn ra nhan sắc đăng quang là người “sạch scandal”, có nền tảng học thức tốt….Tuy nhiên điều này lại dẫn tới việc người được chọn trao vương miện ở một số cuộc thi đôi khi nhan sắc lại không thuyết phục được dư luận. Có lẽ đã đến lúc Ban tổ chức các cuộc thi sắc đẹp cần mạnh dạn làm được như “Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2020” - nếu không tìm được ai thật sự xứng đáng để trao danh hiệu cao nhất thì không “cố đấm ăn xôi”, không “so bó đũa chọn cột cờ”. Có làm được như vậy thì mới đảm bảo được việc chọn ra một người đẹp tài sắc thực sự đảm đương được sứ mệnh của một Hoa hậu, Hoa khôi.