Không nhiều người từ 45-60 tuổi học xóa mù chữ vì ít được tuyển dụng lao động
Người ở độ tuổi từ 45 – 60 tuổi tham gia học xóa mù chữ nhưng ít được tuyển dụng lao động, dẫn đến địa phương chưa thu hút được nhiều đối tượng này đi học.
Phổ cập giáo dục, xóa mù chữ là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước để hướng tới mục tiêu: Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước. Việc thực hiện phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cũng là điều kiện để nhân dân nâng cao nhận thức, vươn lên xóa đói, giảm nghèo.
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2014/NĐ-CP ngày 24/3/2014 về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ để lấy góp ý đến hết ngày 18/3/2023.
Một số trưởng phòng giáo dục và đào tạo đã có những chia sẻ về kết quả thực hiện phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại địa phương, thể hiện quan điểm nhất trí với các nội dung dự thảo sửa đổi, bổ sung.
Chưa thu hút được nhiều đối tượng từ 45 – 60 tuổi đi học xóa mù chữ
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Trường Chinh - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) cho biết, theo thống kê tính đến ngày 1/2/2023, thị xã Sa Pa có tỷ lệ người biết chữ ở các độ tuổi cụ thể như sau:
Độ tuổi 15-25: Tỷ lệ người hoàn thành chương trình xóa mù chữ giai đoạn 1 là 99,3%; Tỷ lệ người hoàn thành chương trình xóa mù chữ giai đoạn 2 là 98,8%.
Độ tuổi 15-35: Tỷ lệ người hoàn thành chương trình xóa mù chữ giai đoạn 1 là 98,9%; Tỷ lệ người hoàn thành chương trình xóa mù chữ giai đoạn 2 là 96,8%.
Độ tuổi 15-60: Tỷ lệ người hoàn thành chương trình xóa mù chữ giai đoạn 1 là 97,2%; Tỷ lệ người hoàn thành chương trình xóa mù chữ giai đoạn 2 là 92,1%.
Trong những năm gần đây, nhu cầu tuyển lao động lớn, ở nhiều lĩnh vực khác nhau như du lịch, dịch vụ, hay bán sản phẩm nông nghiệp... và đòi hỏi người lao động phải biết chữ.
“Biết chữ để lao động, để hòa nhập phát triển nên số người tham gia học xóa mù chữ tăng lên.
Xã hội càng phát triển, hầu hết nhà dân đều có ít nhất 1 thiết bị công nghệ như điện thoại thông minh, ti vi. Các thôn xã đều có điện lưới quốc gia và có mạng internet, hộ dân có trẻ đi học cho nên việc tiếp cận với tiếng Việt rất thuận lợi.
Vừa học chữ, vừa được tương tác với thiết bị và được tiếp cận với người biết chữ nên người học tiếp thu nhanh hơn, nhớ lâu hơn. Học xong, người lao động ứng dụng luôn trong công việc, sinh hoạt nên việc biết chữ bền vững hơn, ít bị tái mù trở lại”, thầy Chinh chia sẻ.
Theo chia sẻ của thầy Chinh, việc thực hiện phổ cập giáo dục, xóa mù chữ ở thị xã Sa Pa còn ghi nhận khó khăn nhất định như:
Một là, một bộ phận người mù chữ độ tuổi cao, mắt kém, sức khỏe không đảm bảo để tham gia học tập.
Hai là, người mù chữ cư trú rải rác ở các khu dân cư xa trung tâm các xã, dẫn đến việc mở lớp gặp nhiều khó khăn.
Ba là, người ở độ tuổi từ 45 – 60 tuổi tham gia học xóa mù chữ nhưng ít được tuyển dụng lao động, dẫn đến chưa thu hút được nhiều đối tượng này đi học.
Ngoài ra, nhiều người trong độ tuổi sinh đẻ hoặc vừa học tập vừa lao động, việc học tập không thường xuyên dẫn đến hiệu quả xóa mù chữ chưa cao, một số học viên chưa đạt sau kỳ học.
Còn theo thầy Phan Ngọc Nam – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) cho biết, hiện nay, đối tượng thực hiện xóa mù chữ đang từ 15 đến 60 tuổi. Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung, thì độ tuổi tối đa của đối tượng xóa mù chữ là 62 tuổi.
"Hiện trên địa bàn huyện cho thấy, đối tượng người học 61, 62 tuổi có số lượng không nhiều, tuy nhiên việc mở các lớp xóa mù cũng là vấn đề khó khăn, nhất là đối với các khu vực miền núi", thầy Nam chia sẻ.
Lựa chọn giáo viên có kinh nghiệm để dạy cho người lớn chưa biết chữ
Theo thầy Chinh, trong những năm gần đây, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa đã kiên trì chỉ đạo mở các lớp xóa mù chữ. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân đi học. Đặc biệt quan tâm đến lựa chọn giáo viên dạy lớp học xóa mù chữ phải có kinh nghiệm, phương pháp dạy học cho người lớn.
Bàn về năng lực giáo viên đứng lớp dạy xóa mù chữ, thầy Chinh nhấn mạnh: "Giáo viên phải hiểu văn hóa dân tộc, biết tiếng dân tộc để rút ngắn rào cản ngôn ngữ, tiếp cận gần gũi với học viên.
Giáo dục bắt đầu từ việc tổ chức các hoạt động làm quen, tập nói và giao tiếp bằng tiếng Việt gắn với đời sống lao động và tập quán tại địa phương.
Đối với học viên ở các xã làm du lịch, tổ chức dạy học gắn với thực hành trên máy tính. Giáo viên dạy học viên nắm chắc âm, vần. Khi biết ghép tiếng, giáo viên cho học viên đánh trên máy tính. Học viên rất hứng thú, không bị tự ti là chữ xấu", thầy Chinh nhận định.
Thực tế cho thấy, ở thị xã Sa Pa, nhờ có cách làm hay và phù hợp với đối tượng người học, số người mù chữ của những năm gần đây giảm nhiều. Đơn cử, các xã Mường Hoa, Ngũ Chỉ Sơn, Liên Minh... nhiều học viên trưởng thành và tham gia lao động có chất lượng hơn.
Còn tại địa bàn huyện Bắc Trà My, chia sẻ về công tác thực hiện phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, thầy Nam cho biết: trên địa bàn công tác thực hiện xóa mù chữ nâng lên mức độ 2 và đã duy trì trong vòng 2 năm gần đây. Trong năm 2023, ngành cũng tiếp tục có kế hoạch mở các lớp xóa mù chữ để tăng thêm tỷ lệ người dân biết chữ.
“Nếu dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 20 được thông qua, chúng tôi sẽ có chỉ đạo về các xã, các đơn vị trường học tiểu học và các trung tâm học tập cộng đồng tiến hành tuyên truyền về việc mở các lớp xóa mù chữ cho các đối tượng nhân dân trên địa bàn theo độ tuổi được quy định mới.
Đồng thời, tiến hành rà soát thực tiễn nhu cầu mong muốn đi học của người dân. Bởi vì, nếu người lớn tuổi, chưa biết chữ và không có nhu cầu xóa mù chữ mà vẫn yêu cầu họ đi học thì cũng rất khó", thầy Nam nói.
"Tổ chức dạy xóa mù chữ, Ủy ban nhân dân các xã sẽ có kế hoạch mở lớp đặt tại đa số các điểm trường tiểu học vì việc xóa mù liên quan đến kiến thức bậc tiểu học, cần có đội ngũ giáo viên, đầy đủ cơ sở vật chất. Giáo viên được huy động tham gia dạy các lớp xóa mù chữ sẽ dạy ngoài giờ lên lớp - vào thứ 7 và chủ nhật”, thầy Nam cho biết.
Cũng theo thầy Nam, trong quá trình triển khai phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, công tác điều tra, rà soát đối tượng còn nhiều bất cập do địa bàn vùng núi, dân cư thưa thớt. Hơn nữa, việc huy động người dân, trong đó chủ yếu là học sinh ra lớp ở địa bàn vùng khó còn nhiều vất vả.
“Điểm đáng chú ý nhất của Dự thảo là thay đổi về độ tuổi tối đa của những người học xóa mù chữ. Khi tăng độ tuổi lên thì đối tượng cần xóa mù chữ tăng lên, dẫn đến tỷ lệ xóa mù chữ của huyện cũng phải rà soát lại.
Đối tượng tăng lên, công tác rà soát mở rộng ra và việc mở lớp cũng gặp nhiều khó khăn. Do vậy, mở lớp xóa mù nhất là cho nhóm những người lớn tuổi cần ưu tiên căn cứ vào nhu cầu và khả năng người học có đảm bảo tham gia học tập được hay không, đồng thời tăng cường vận động, khuyến khích nhóm đối tượng này ra lớp.
Hay nói cách khác, mở lớp dạy xóa mù chữ cần căn cứ vào các yếu tố: nhân lực giáo viên, cơ sở vật chất, nhu cầu người học, khả năng người học và đặc thù địa phương”, thầy Nam chia sẻ thêm.
Theo kết quả thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Trà My, tính đến tháng 2/2023:
Tỷ lệ % dân số từ 15-35 tuổi mù chữ mức độ 1 (chưa hoàn thành lớp 3) là 1,80%; mức độ 2 (chưa hoàn thành lớp 5) là 2,93%.
Tỷ lệ % dân số từ 15-60 tuổi mù chữ mức độ 1 là 1,23%; mức độ 2 là 3,04%.
Sửa đổi độ tuổi xóa mù là phù hợp
Đóng góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2014/NĐ-CP ngày 24/3/2014 về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, cả thầy Nam và thầy Chinh cùng bày tỏ quan điểm nhất trí với các nội dung sửa đổi, bổ sung.
“Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 20 là tất yếu, phù hợp với thực tế hiện nay”, thầy Nguyễn Trường Chinh - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) nói.
Theo thầy Chinh, dự thảo quy định số người trong diện xóa mù chữ từ 15 đến 62 tuổi (quy định hiện hành: 15 đến 60 tuổi) là phù hợp. Vì, độ tuổi nghỉ hưu của người lao động tăng lên nên việc xóa mù chữ cho người đến 62 tuổi là hợp lý để người lao động lớn tuổi có cơ hội được học tập, lao động.
Thêm nữa, quy định công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 đối với xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là phù hợp. Vì, theo quy định hiện hành, chỉ áp dụng đối với xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Những vùng có đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhưng không thuộc vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn dẫn tới khó thực hiện.