Không nước nào sẵn sàng khai chiến với Iran

Việc hai cơ sở dầu mỏ của Arab Saudi bị tấn công cuối tuần trước đang trở thành ngòi nổ thổi bùng những căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Nếu như Tổng thống Donald Trump tuyên bố đã sẵn sàng cho phương án trả đũa Iran thay cho đồng minh Arab Saudi thì ngay cả những đồng minh của Mỹ ở vùng Vịnh, tính luôn cả Arab Saudi, không một nước nào sẵn sàng khai chiến với Iran.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến Arab Saudi để “bàn phương án trả đũa Iran” sau vụ hai trung tâm dầu mỏ của Ryadh bị tấn công

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến Arab Saudi để “bàn phương án trả đũa Iran” sau vụ hai trung tâm dầu mỏ của Ryadh bị tấn công

Ngày 17/9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã bay sang Arab Saudi để thảo luận một biện pháp chung trả đũa vụ tấn công các trung tâm lọc dầu khí của Arab Saudi hôm thứ Bảy tuần trước. Trong khi đó từ Washington, Phó tổng thống Mỹ cũng xác nhận mục tiêu này, nhắc lại quan điểm của Tổng thống Donald Trump là “không muốn chiến tranh nhưng Hoa Kỳ đã sẵn sàng”. Trong cuộc hội đàm với Thái tử Mohamed Ben Salman tại thành phố cảng Jeddah, Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố đây là “một vụ tấn công của Iran, với những loại vũ khí của Iran. Houthi ở Yemen không có các loại thiết bị này”.

Cùng lúc từ Los Angeles, Tổng thống Mỹ tiếp tục tung đòn chiến tranh cân não. Sáng 18/9, ông Trump thông báo “sẽ có một loạt biện pháp mới trừng phạt Iran” hàm ý không dùng vũ lực. Thế nhưng, vài giờ sau, ông khẳng định là mọi phương án đang được xem xét. Có nhiều phương án trong đó có phương án cuối cùng. Tổng thống Mỹ tuyên bố như trên khi được báo chí đặt câu hỏi về cách trả đũa Iran.

Từ Tehran, Ngoại trưởng Iran ngày 18/9 bác bỏ các cáo buộc của Mỹ quy trách nhiệm cho Tehran trong loạt tấn công nhắm vào các cơ sở dầu mỏ của Arab Saudi. Đồng thời chính quyền Tehran cảnh báo Washington nên cân nhắc kỹ về giải pháp quân sự nhắm vào Iran. Trên Twitter, Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif tố cáo quyết định của ông Trump gia tăng các biện pháp trừng phạt Iran và gọi đó là hành vi khủng bố kinh tế. Trong một công hàm gửi tới tòa đại sứ Thụy Sĩ tại Tehran, cơ quan đại diện cho các quyền lợi của Mỹ, Iran cũng phủ nhận mọi dính líu với loạt tấn công nhắm vào các cơ sở dầu khí của Arab Saudi. Đồng thời, nhiều giới chức Iran cảnh báo trước mọi hành động quân sự nhắm vào nước Cộng hòa Hồi giáo này. Đô đốc Ali Shamkhani, lãnh đạo Hội Đồng An ninh Quốc gia Tối cao, tuyên bố: “Tehran theo đuổi chiến lược làm giảm căng thẳng trong khu vực. Nhưng trong trường hợp đất nước chúng ta bị tấn công, chúng ta sẽ đáp trả một cách đích đáng nhất”.

Trên thực tế, liệu Mỹ đã có đủ bằng chứng để cáo buộc Iran là thủ phạm vụ tấn công trên? Tối 18/9, đài truyền hình Mỹ CBS News, trích dẫn một quan chức Mỹ giấu tên, khẳng định các vụ tấn công chính là do Iran tiến hành. Nguồn tin nói trên còn cho biết là phía Mỹ có những bằng chứng cụ thể: các bức ảnh chụp lực lượng Vệ binh Cách mạng của Iran đang chuẩn bị cho cuộc tấn công tại một căn cứ không quân ở miền Tây Nam nước này. Về phần Ryadh, ngày 18/9, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng nước này cáo buộc Tehran đã bảo trợ cho các cuộc tấn công vào các cơ sở dầu mỏ của Arab Saudi, rằng các cuộc tấn công này được tiến hành từ phía bắc và họ đang điều ra thêm để xác định địa điểm chính xác. Trong cuộc họp báo công bố kết luận chính thức, Bộ Quốc phòng Arab Saudi đã trưng bày các mảnh vỡ của “máy bay không người lái” và “tên lửa hành trình”. Theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng, tổng cộng có 18 máy bay không người lái và 7 tên lửa hành trình đã được phóng vào hai cơ sở dầu khí của Arab Saudi từ một nơi không phải là Yemen, nằm ở phía nam. Tuy nhiên, phát ngôn viên nói trên không cáo buộc trực tiếp Iran đã tiến hành các vụ tấn công đó.

Câu hỏi đặt ra là ngay cả khi có bằng chứng cáo buộc Tehran trong tay, liệu Mỹ và Arab Saudi có phát động cuộc chiến quân sự nhằm vào Iran? Theo ý kiến chung của các chuyên gia phân tích quốc tế, một giải pháp quân sự, oanh kích ồ ạt Iran, được xem là “ít có xác suất” xảy ra. Về phần Tổng thống Donald Trump, ông từng tuyên bố trên Twitter là Hoa Kỳ “sẵn sàng trả đũa”, nhưng sau đó lại nói: “Tôi không muốn can dự vào các cuộc xung đột mới, nhưng đôi khi cần phải làm thế”. Rõ ràng là chủ nhân Nhà Trắng đã bắn đi những tín hiệu trái ngược nhau về vấn đề Iran, khiến người ta phải đặt nghi vấn về chiến lược của ông trước vấn đề này. Trước đó, ông Trump cũng đã có thái độ tiền hậu bất nhất về khả năng gặp gỡ Tổng thống Iran Hassan Rouhani tại New York vào tuần tới, bên lề Đại hội đồng LHQ. Trong suốt tuần trước, chính Tổng thống Mỹ đã khiến người ta nghĩ là ông sẵn sàng gặp đồng nhiệm Iran, thậm chí còn để cho hiểu là việc bãi bỏ một phần các biện pháp trừng phạt Tehran không còn là điều cấm kỵ nữa.

Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ Richard Haass, được hãng tin AFP trích dẫn, đánh giá: “Chúng ta không chỉ tỏ ra mơ hồ về chiến tranh ở Trung Đông liên quan đến các vụ tấn công vào cơ sở dầu mỏ của Arab Saudi, mà còn mơ hồ về chính sách ngoại giao liên quan đến Hoa Kỳ”. Ông Richard Haass lấy làm tiếc: “Tổng thống cáo buộc Iran mà không đưa ra bằng chứng, phủ nhận tin cho rằng ông sẵn sàng cho các cuộc thảo luận vô điều kiện với Iran và vẫn không có những mục tiêu rõ ràng về Iran”. Câu hỏi được đặt ra bây giờ là: sau nhiều tháng căng thẳng giữa Washington và Tehran, ông Trump có sẽ ra tay hành động hay không, do có nguy cơ là cuộc đấu võ mồm sẽ biến thành leo thang quân sự? Hay là ngược lại: sau khi có những tuyên bố mang tính đe dọa, Tổng thống Trump cuối cùng sẽ chọn con đường ngoại giao, nay nhân vật diều hâu, hiếu chiến như John Bolton không còn trong ê kíp của ông nữa?

Đối với ông Ben Rhodes, nguyên là cố vấn thân cận của cựu Tổng thống Barack Obama, những gì xảy ra trong tuần này cho thấy chiến lược của Tổng thống Trump về Iran đã thất bại. Chiến lược đó là rút khỏi hiệp định hạt nhân 2015, để cho Arab Saudi toàn quyền hành động trong cuộc chiến tại Yemen, tăng cường trừng phạt và liên tiếp đe dọa Tehran. Trên mạng Twitter, ông Ben Rhodes cảnh báo rằng một cuộc can thiệp quân sự của Mỹ sẽ có những hậu quả không lường trước được. Tóm lại, một lần nữa, ông Trump lại rơi vào thế bị dày vò giữa hai tâm trạng trái ngược: muốn cứng rắn với Iran nhưng lại muốn giữ lời hứa tranh cử là không động binh tới Trung Đông.

Ngoài thái độ do dự của Mỹ, Arab Saudi cũng mất điểm tựa ở đồng minh thân cận nhất là Tiểu vương quốc Arab Thống nhất. Từ sau loạt tàu dầu bị tấn công ở vịnh Ba Tư, Abu Dhabi không tích cực ủng hộ chính sách “gây áp lực tối đa” của trục Washington-Riyadh.

Nước Pháp, đồng minh quan trọng khác của Arab Saudi, đang đóng vai trò trung gian hòa giải Mỹ-Iran, cũng chọn thái độ thận trọng. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian ngày 19/9 đánh giá “tương đối không khả tín” thông tin cho rằng vụ tấn công vào các cơ sở dầu hỏa của Arab Saudi là do phiến quân Houthi ở Yemen tiến hành, như lực lượng này đã tuyên bố thứ Bảy tuần trước. Cho dù Tổng thống Pháp Macron gọi điện ủng hộ Arab Saudi, nhưng theo nhà phân tích Yasmine Farouk, viện nghiên cứu Carnegie, thì không một nước nào sẵn sàng khai chiến với Iran. Ryadh vừa lúng túng về chiến lược vừa không được hậu thuẫn chính trị quốc tế. Mặc khác, trả đũa bằng quân sự sẽ đưa cả khu vực vào một cuộc xung đột không lối thoát và thế giới rơi vào một cuộc khủng hoảng năng lượng tương tự như năm 1979 vì cuộc cách mạng Iran và chiến tranh Iran-Iraq.

Có vẻ như không thể gây chiến tranh với Iran, rạng sáng ngày 20/9, Liên quân do Arab Saudi dẫn đầu thực hiện chiến dịch quân sự nhằm vào các mục tiêu quân sự của phiến quân Houthi ở Hodeidah, miền Bắc Yemen, phá hủy 4 địa điểm lắp ráp xuồng tự sát không người lái và thủy lôi, kênh truyền hình Ekhbariya của chính phủ Arab Saudi cho biết.

Tổng thư ký Antonio Guterres ngày 18/9 thông báo là các chuyên gia của LHQ đã lên đường đến Arab Saudi điều tra về các vụ tấn công. Ông Guterres cũng cảnh báo về những hậu quả tàn khốc nếu khủng hoảng tiếp tục leo thang.

H.Phan

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/khong-nuoc-nao-san-sang-khai-chien-voi-iran-549949.html