Không nương tay với vi phạm phòng chống cháy nổ
Liên tiếp các vụ cháy tại Hà Nội xảy ra gần đây gây thiệt hại hàng tỷ đồng và vụ cháy ngày 1/8 vừa qua, cướp đi sinh mạng của 3 chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC), đã báo động tới các cơ quan chức năng, cộng đồng trước những 'lỗ hổng' PCCC trong dân cư; đồng thời, đặt ra vấn đề cấp thiết phải mạnh tay xử lý nghiêm vi phạm an toàn cháy nổ.
Báo động!
Thống kê của UBND TP Hà Nội, trong hơn 5 năm (từ năm 2016 - 5/2022), trên địa bàn TP xảy ra hơn 3.000 vụ cháy nổ. Có hàng chục vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng, làm 86 người chết, gây thiệt hại khoảng 960 tỷ đồng. Có trên 1.500 chung cư, nhà tập thể cũ; 363 trường học, cơ sở giáo dục; 180 văn phòng, trụ sở làm việc… không đảm bảo các điều kiện PCCC. Chỉ có 212 cơ sở khắc phục được vi phạm PCCC, chiếm tỷ lệ 8,5%... Tính riêng, 6 tháng đầu năm 2022, Hà Nội xảy ra 206 vụ cháy, làm 12 người chết, 10 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính 5,6 tỷ đồng.
Đáng chú ý, ngày 1/8 vừa qua, xảy ra vụ cháy quán karaoke số 231 Quan Hoa (quận Cầu Giấy), sau khi cứu thoát được 8 người ra ngoài an toàn, 3 chiến sĩ Cảnh sát PCCC đã hy sinh. Trước đó, tại Hà Nội cũng đã xảy vụ cháy khiến nhiều người thương vong, điển hình là vụ cháy ngày 21/4/2022 xảy ra tại nhà dân trên phố Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa) làm 5 người chết và 2 người bị thương…
Thực tế trên dấy lên quan ngại trong dư luận, cộng đồng về những vi phạm, bất cập, giải pháp khắc phục trong công tác PCCC tại các khu chung cư, cơ sở giáo dục, nhà hàng... nhất là tình trạng coi thường, thờ ơ, chây ì phòng và chống cháy nổ, đồng nghĩa với việc “bà hỏa” vẫn còn tiềm ẩn ở bất cứ đâu. Những vụ cháy tại các quán karaoke khiến nhiều người tử vong vẫn xảy ra cũng cho thấy sự tắc trách của các cơ quan hữu quan trong quản lý PCCC đối với các hộ kinh doanh.
Qua tìm hiểu, hiện nay chỉ có quy định, quy chuẩn về thoát nạn đối với các nhà chung cư, trung tâm thương mại và công trình khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ từ 5 tầng trở lên, hoặc có khối tích trên 5.000 m3; còn nhà ở đơn lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh vẫn chưa có quy định. Hầu hết công trình nhà ở riêng lẻ chỉ chú trọng tận dụng diện tích công năng sử dụng, chưa tính toán đến vấn đề thoát nạn khi sự cố xảy ra. Trong khi đó, đa số nhà ở riêng lẻ nằm trong các ngõ sâu, nhỏ hẹp, cách xa nguồn nước, khó tiếp cận và thiết bị cứu cháy không bảo đảm.
Còn theo rà soát của Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH TP Hà Nội, TP hiện có khoảng 70% nhà ở là dạng ống và có hàng trăm nghìn nhà ở kết hợp kinh doanh (quán bar, karaoke, khách sạn…) chỉ có duy nhất một lối để thoát nạn là cửa ra vào… Thực tế, tại hiện trường các vụ cháy thời gian qua đều liên quan đến nhà ở dạng ống, nhỏ hẹp và tận dụng không gian nhà ở, sau đó cơi nới phục vụ sản xuất, kinh doanh và kho chứa...
Không nương tay với vi phạm
Trước nhiều vụ cháy để lại hậu quả thương tâm thời gian qua, nhiều ý kiến luật sư cho rằng, khi cơ quan điều tra vào cuộc, nếu có căn cứ xác định chủ cơ sở không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định về PCCC, dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại về người và tài sản, sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 313 Bộ luật Hình sự về Tội vi phạm quy định về PCCC. Căn cứ theo điều luật này, chủ cơ sở có thể bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù lên đến 12 năm.
Trong trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ xác định nguyên nhân xảy ra vụ cháy là do quá trình thi công, sửa chữa, bộ phận thi công sẽ chịu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về PCCC... Bên cạnh đó, Thông tư 147/2020/TT-BCA đã có quy định cụ thể các điều kiện an toàn về PCCC hay Nghị định số 136/2020/NĐ-CP cũng quy định cụ thể các điều kiện an toàn về PCCC đối với cơ sở. Đối với cơ sở kinh doanh, các điều kiện PCCC phải được người đứng đầu cơ sở tổ chức thực hiện trước khi đưa vào hoạt động và được duy trì trong suốt quá trình hoạt động.
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Công văn số 2389/UBND-NC về việc tăng cường công tác PCCC&CNCH đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Các đơn vị, địa phương để xảy ra cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, Công an TP Hà Nội cần phối hợp Văn phòng UBND TP xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan, đề xuất hình thức xử lý trong trường hợp có dấu hiệu buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong quản lý về công tác PCCC&CNCH.
Trường hợp xác định có dấu hiệu của tội phạm thì phải điều tra, xử lý… TP cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, hoàn thành đầy đủ các chỉ tiêu về kiểm tra, tuyên truyền, ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC, nhất là việc vận động để 100% các hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh trên địa bàn chưa có "lối thoát nạn thứ 2" phải mở "lối thoát nạn thứ 2".
Theo Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an TP Hà Nội), bên cạnh việc chủ động đẩy mạnh triển khai biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện các đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC tại các khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh… để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với trường hợp vi phạm.
Thời gian qua, lực lượng cảnh sát PCCC Hà Nội đã tuyên truyền, hướng dẫn, triển khai các mô hình thí điểm để nâng cao ý thức người dân chung tay phòng chống “giặc lửa”. Rõ ràng, TP, các cơ quan chức năng cũng đã có những biện pháp “mạnh tay” nhằm chấn chỉnh đối với cơ sở không đảm bảo PCCC. Tuy nhiên, điều cốt yếu vẫn phải nằm ở ý thức người dân trong việc chấp hành quy định về PCCC. Chỉ khi ý thức tự giác PCCC nâng cao, “giặc lửa” mới bị đẩy lùi.