Không ở đâu mua thuốc kháng sinh dễ như Việt Nam
Đó là nhận định của PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) tại Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ IX của Tổng hội Y học Việt Nam được tổ chức ngày 26/11/2020 tại Hà Nội với chủ đề: Phòng chống kháng kháng sinh.
Kháng kháng sinh là một trong 10 mối đe dọa sức khỏe cộng đồng
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, PGS TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam nhấn mạnh: Hiện nay Việt Nam đang là một quốc gia có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới. Thói quen tự ý mua và sử dụng thuốc của nhiều người dân và nhiều nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh ngày càng trầm trọng. Nhiều bệnh viện đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng của các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. Gánh nặng do kháng thuốc ngày càng tăng, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, cộng đồng và sự phát triển chung của xã hội.
Chia sẻ tại hội thảo PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, kháng kháng sinh (AMR) được ghi nhận là một trong những mối đe dọa về sức khỏe và phát triển toàn cầu. WHO đã tuyên bố AMR là một trong 10 mối đe dạo sức khỏe cộng đồng toàn cầu mà nhân loại phải đối mặt.
Việc sử dụng dưới liều và lạm dụng thuốc kháng sinh là nguyên nhân chính dẫn đến sự phát triển của các mầm bệnh kháng thuốc. Thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh cũng như phòng ngừa kiểm soát nhiễm trùng không đầy đủ thúc đẩy sự lây lan của vi khuẩn, một số vi khuẩn có thể kháng lại điều trị bằng kháng sinh.
Chi phí của AMR đối với nền kinh tế là đáng kể: Ngoài tử vong và tàn tật, bệnh kéo dài thì thời gian nằn viên lâu hơn, nhu cầu về thuốc đắt hơn và thách thức tài chính cho người bị ảnh hưởng.
WHO ước tính và cảnh báo đến năm 2050, tình trạng kháng thuốc có thể là nguyên nhân gây tử vong cho 10 triệu người mỗi năm trên toàn cầu. Cũng theo báo cáo toàn cầu về kháng thuốc năm 2014 của Tổ chức Y tế thế giới được tổng hợp từ 114 quốc gia trên khắp các khu vực cho thấy: Người bệnh phải nằm viện lâu hơn và tỷ lệ tử vong tăng lên ở tất cả các nhóm tuổi. Tại Châu Âu: số ngày nằm viện tăng 2,5 triệu ngày, tỷ lệ tử vong 25.000 người/năm, Thái Lan, tăng hơn 3,2 triệu ngày nằm viện và tử vong 38.000 người/năm, ở Mỹ khoảng 2 triệu người mắc bệnh nhiễm khuẩn và tử vong 23.000 người/năm.
Ở nước ta, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao. Trong đó có việc kê đơn và cấp phát thuốc kháng sinh không hợp lý. Không ở đâu mua kháng sinh dễ như Việt Nam, đây là một thách thức lớn của cộng đồng. PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.
Ngoài ra, việc các bệnh nhân sử dụng kháng sinh không theo kê đơn hoặc không đủ liệu trình; sử dụng kháng sinh quá mức cần thiết hoặc sử dụng không đúng cách trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; kiểm soát nhiễm khuẩn chưa tốt ở trong các cơ sở y tế và nông trại; thiếu các nhà vệ sinh, xử lý chất thải chưa thích hợp; thiếu các kháng sinh mới được sáng chế cũng là các nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng thuốc kháng sinh cao ở nước ta.
Triển khai nhiều hoạt động phòng, chống kháng thuốc
Từ năm 2013 đến nay, sau khi Bộ Y tế ban hành quyết định số 2174/QĐ-BYT ngày 21/6/2013 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020, Bộ Y tế, WHO và các cơ quan liên quan đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động thiết thực để thực hiện kế hoạch này. Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao về những nỗ lực và đóng góp cho công cuộc phòng, chống kháng thuốc chung trên toàn thế giới.
Hiện ở nước ta đã thiết lập ban chỉ đạo, điều hành, đơn vị điều phối về kháng thuốc kháng sinh; hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc kháng sinh, giám sát về nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế; tăng cường năng lực giám sát của các bệnh viện; dữ liệu về kháng thuốc kháng sinh, nhiễm khuẩn khuẩn bệnh viện được thu thập định kỳ, tương đối đầy đủ. Chương trình quản lý sử dụng kháng sinh đã được một số bệnh viện triển khai hiệu quả…
Không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang đối mặt với vấn đề kháng thuốc kháng sinh. Tháng 5/2015, Đại Hội đồng Y tế Thế giới đã thông qua Kế hoạch hành động toàn cầu về kháng thuốc kháng sinh. Đến tháng 9/2016, 193 quốc gia trên thế giới đã cùng ký Tuyên bố của Liên hợp quốc hành động về kháng thuốc kháng sinh; tái khẳng định cam kết xây dựng các kế hoạch hành động quốc gia về AMR, dựa trên kế hoạch hành động toàn cầu.
Với chủ đề “Phòng chống kháng kháng sinh” Hội nghị khoa học thường niên tổ chức năm nay có 12 báo cáo khoa học của các báo cáo viên là các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế trình bày. Các thảo luận tại hội nghị đã tập trung vào phân tích các nguy cơ từ việc lạm dụng sử dụng kháng sinh và đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm quản lý thuốc kháng sinh tại Việt Nam, sử dụng kháng sinh đúng và hiệu quả trong điều trị…
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/khong-o-dau-mua-thuoc-khang-sinh-de-nhu-viet-nam-n183388.html