Không phải các cửa hàng điện tử, đối thủ đáng gờm của Thế giới Di động tại Indonesia là ai?

Các chuỗi cửa hàng vật lý trong trung tâm thương mại như Electronic City hay Hartono không phải đối thủ lớn nhất của MWG tại Indonesia...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa có báo cáo nhận định về chuỗi siêu thị điện máy tại Indonesia của Thế Giới Di động - Erablue. Trong báo cáo này, VDSC nhấn mạnh mặc cho tiềm năng lớn của thị trường chung, chuỗi Erablue còn nhiều việc cần làm trong bối cảnh cạnh tranh cao

Trước đó, MWG đã từng không thành công trong việc mở chuỗi ở thị trường nước ngoài do lựa chọn sai “mảnh đất khởi nghiệp” - Campuchia với chuỗi điện máy Bluetronics tiền thân là chuỗi Công nghệ thông tin -Truyền thông Big Phone, đã phải đóng cửa toàn bộ trong Q1/2023 sau 5 năm thành lập với khoản lỗ lớn. Điều này chủ yếu đến từ thị trường điện máy ở đây có đặc tính nhỏ dân số ít hơn Việt Nam, tín hiệu “bùng nổ”, vào pha tăng trưởng chưa xuất hiện. Điều này ngược lại với những gì thị trường điện máy Indonesia đang sở hữu.

Thị trường Indonesia cho thấy tỷ lệ thâm nhập ở mức thấp dưới 50% ở hầu hết các phân khúc chính như tủ lạnh, máy lạnh, máy giặt, Tivi. Quy mô thị trường Indonesia lớn hơn Việt Nam xét trên khía cạnh dân số. Dân số Indonesia gấp 2,7 lần so với Việt Nam tính đến 2023. Điều này được thể hiện rõ hơn qua thị trường công nghệ thông tin - truyền thông, khi Indonesia khai phá hết tiềm năng thị trường này với tỷ lệ thâm nhập đạt mức giới hạn (>80%) thì doanh thu CNTT-TT gấp 2,6 lần Việt Nam tính đến năm 2023.

Điện máy thường vào pha tăng trưởng sau khi thị trường Công nghệ thông tin -Truyền thông đi vào pha bão hòa được xem như “nấc thang mới” trong tiện ích cuộc sống của người dân (điện thoại, máy tính và điện máy), với ví dụ điển hình về tăng trưởng hai thị trường này tại Việt Nam. Bước đi của hai ông lớn TGDĐ (tại Việt Nam), Erajaya (tại Indonesia) về khẩu vị thị trường là tương đồng khi đánh chiếm thị trường CNTT-TT trước, tạo bàn đạp cho mở rộng sang thị trường điện máy sau đó.

Theo VDSC, điều kiện “cần” cho Erablue thành công đã có là yếu tố thị trường, tuy nhiên, Erablue cần thêm điều kiện “đủ” đến từ sức cạnh tranh đối với các cửa hàng nhỏ lẻ truyền thống, các nhà bán lẻ khác và các nền tảng trực tuyến ở Indonesia, để trở thành “Điện máy xanh thứ hai” theo mục tiêu lớn của ban lãnh đạo MWG đề ra.

Do đó, công thức thành công của chuỗi Điện máy xanh đã được MWG & Erajaya sử dụng lại cho chuỗi điện máy Erablue, cụ thể: Dạng siêu thị mini dưới 1.000 m2 để len lỏi trong dân dễ dàng cho việc phục vụ khách hàng và tạo “sức ảnh hưởng thương hiệu”; Cung cấp dịch vụ giao hàng, bảo hành nhanh chóng và chuẩn xác; khởi tạo website cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm: đặc tính, tên, giá cả nhằm thu hút khách hàng đến chuỗi cửa hàng vật lý.

Tuy nhiên, các chuỗi cửa hàng vật lý trong trung tâm thương mại như Electronic City hay Hartono không phải đối thủ lớn nhất của MWG tại Indonesia. Thay vào đó, sự lớn mạnh nhanh của các nền tảng mua hàng trực tuyến tại quốc gia này như Shopee, Lazada, Tik Tok Shop, là điểm cản nguy hiểm nhất cho việc nhân rộng mô hình Erablue.

Thị phần của các trang thương mại điện tử trong bán lẻ điện máy ở Indonesia đang mở rộng nhanh chóng với 2018-23 CAGR cho doanh thu đạt 96,9%/năm, trong khi đó, tỷ lệ này cho kênh trung tâm thương mại/siêu thị & cửa hàng nhỏ lẻ/chuỗi bán lẻ đạt khiêm tốn -33,9%/năm, 4,1%/năm.

Erablue có tiềm năng để giật về miếng bánh điện máy ~70% từ các cửa hàng nhỏ lẻ/chuỗi bán lẻ khác nhờ vào công thức thành công từ Điện máy xanh và kinh nghiệm vận hành từ “chuỗi bán lẻ CNTT-TT đứng đầu” tại Indonesia – Erayaja. Tuy nhiên, tăng trưởng của chuỗi phụ thuộc nhiều vào tốc độ chuyển đổi mua hàng sang các trang thương mại điện tử, vốn có lợi thế về giá và đang tăng trưởng “thần tốc” về mặt hàng điện máy, tương tự như thị trường Việt Nam.

Erablue hiện đang ghi nhận mức lỗ ròng ước tính trong Q1, Q2-2024 lần lượt -53, -71 tỷ đồng, tương ứng với số lượng cửa hàng tăng từ 38 ở T12-2023, lên 55 ở T3-2024 và 75 ở T9-2024, dự kiến cán mốc 85 vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Đoàn Văn Hiểu Em – CEO của Thế giới Di động, các số liệu kinh doanh các tháng gần đây là tích cực. Do đó, VDSC khuyến nghị nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ về tốc độ mở cửa hàng và báo cáo kết quả kinh doanh cụ thể của chuỗi qua từng quý để đánh giá chính xác tiềm năng của chuỗi Erablue và mức độ ảnh hưởng lên định giá chung của MWG vốn chiếm 45% cổ phần của chuỗi này.

Thu Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/khong-phai-cac-cua-hang-dien-tu-doi-thu-dang-gom-cua-the-gioi-di-dong-tai-indonesia-la-ai.htm