Không phải điểm số, đây mới là yếu tố giúp chàng trai Lâm Đồng lấy học bổng TS

Luôn chớp lấy cơ hội, tích lũy kinh nghiệm từ khi học đại học,... Hoàng Nguyễn Đình Long đã giành được học bổng du học toàn phần bậc Tiến sĩ.

Dù mới tốt nghiệp thạc sĩ với chương trình bằng đôi (Double Degree Programme) liên kết giữa Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Erasmus Rotterdam Hà Lan vào tháng 3 vừa qua, nhưng chỉ sau 1 tháng, Hoàng Nguyễn Đình Long (sinh năm 1998, Lâm Đồng) đã xuất sắc nhận được học bổng toàn phần bậc cho Chương trình Tiến sĩ Kinh tế từ Viện CERGE-EI (Center for Economic Research and Graduate Education - Economics Institute) của Đại học Charles University (Cộng hòa Séc).

Trước đó, Long cũng từng tốt nghiệp hệ cử nhân tại Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Được biết, Charles University là ngôi trường được xếp hạng tốp trường đại học toàn cầu tốt nhất tại Cộng hòa Séc, và Viện CERGE-EI cũng xếp trong top 5% và top 10% Viện kinh tế hàng đầu bởi RePEC và SSRN.

Hoàng Nguyễn Đình Long khi tham gia học thạc sĩ tại Hà Lan theo chương trình bằng đôi (Double Degree Programme) liên kết giữa Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Erasmus Rotterdam Hà Lan (Ảnh: NVCC).

Hoàng Nguyễn Đình Long khi tham gia học thạc sĩ tại Hà Lan theo chương trình bằng đôi (Double Degree Programme) liên kết giữa Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Erasmus Rotterdam Hà Lan (Ảnh: NVCC).

Long chia sẻ, học bổng mà anh nhận được bao gồm được chi trả toàn bộ cho học phí trong vòng 4-6 năm của mình, cộng thêm một khoản hỗ trợ hàng tháng là 1000$ (khoảng hơn 23 triệu đồng). Trong thời gian học tập này, anh cũng sẽ phải hỗ trợ giảng dạy và nghiên cứu cho trường.

Ban đầu, hồ sơ mà Long nộp để xin học bổng Tiến sĩ này vốn không được mọi người đánh giá quá cao. Tuy nhiên, khi nhận được học bổng với chế độ tốt mà ít người có thể giành được như vậy, anh nhận ra rằng, để xin được học bổng ở bậc học này, kinh nghiệm nghiên cứu rất quan trọng. Bởi, các viện nghiên cứu, trường đại học đều mong muốn hỗ trợ cho những người học có thể giúp họ xử lý được dữ liệu hay viết được bài báo khoa học,...

Long không phải có thành tích học tập quá xuất sắc (tốt nghiệp cử nhân đại học bằng khá), tuy nhiên, anh có rất nhiều kinh nghiệm làm hỗ trợ nghiên cứu tại trường đại học của mình. Vừa qua, luận văn tốt nghiệp thạc sĩ của anh cũng nhận được giải thưởng tại 1 hội nghị quốc tế được tổ chức ở Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Long chia sẻ, các bạn sinh viên, đặc biệt với những bạn lựa chọn những ngành nghề nghiên cứu phải luôn nắm bắt lấy cơ hội của mình và không nên quá đặt nặng về thu nhập trong thời gian đầu. Bởi, quãng thời gian học đại học là lúc người học có thể tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm, bài học quý báu cho bản thân.

Do vậy, anh mong rằng, các bạn sinh viên nên biết trân quý những kiến thức mà mình nhận được ở bậc đại học. Đặc biệt là với những bạn làm nghiên cứu, sự cống hiến là quan trọng hơn cả.

“Ban đầu, tôi chỉ nắm lấy cơ hội từ việc thấy thông tin từ trường là tuyển người đi lấy số liệu, nhưng có thể từ chính sự nhiệt tình, ham học hỏi và luôn nói “có” trong mọi trường hợp này của mình, dần dần, tôi đã nhận được những lời mời tham gia nghiên cứu các dự án. Và sau là trở thành trợ lý nghiên cứu cho trường.

Mỗi chúng ta đều nên lập ra những dự định mang tính dài hạn cho bản thân, để khi những cơ hội đem lại lợi ích tích cực cho mục tiêu của mình xuất hiện, có thể lựa chọn hy sinh cho nó”, Long nói.

Bên cạnh đó, với khả năng tiếng Anh tốt được thể hiện trên hồ sơ cũng là một điểm cộng lớn giúp Long có thể xin được học bổng Tiến sĩ toàn phần của mình. Để học tốt ngoại ngữ, ngoài việc bản thân rất yêu rất thích ra, anh cho rằng, yếu tố quan trọng chính yếu là đừng bao giờ bỏ cuộc dù nó khó đến đâu mà thay vào đó là trau dồi liên tục, không ngừng nghỉ. Đến thời điểm hiện tại, Long vẫn đang đi dạy học ngoại ngữ để tiếp tục học để trau dồi thêm kiến thức cho bản thân.

“Tôi biết một số bạn có khả năng nghiên cứu rất giỏi nhưng ngoại ngữ lại bị hạn chế nên đã vô tình bị mất đi những cơ hội có được học bổng cao để tiếp tục theo đuổi ước mơ làm nghiên cứu của mình.

Do vậy, để có được học bổng du học cao với chương trình Tiến sĩ, ngoài thành tích học tập tốt, thành tích, kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, các bạn cần liên tục trau dồi kiến thức ngoại ngữ của mình để phù hợp với tiêu chí của các trường tại quốc gia mà bản thân dự định nộp vào”, Long chia sẻ.

Mặt khác, sự hậu thuẫn, ủng hộ nhiều từ gia đình đã khiến Long luôn cố gắng không ngừng nghỉ để xứng đáng với hy vọng này. Anh gần như đã tận dụng mọi thời gian để cố gắng học tập, thậm chí trong thời gian rảnh, Long còn nghe podcast để mở rộng thêm kiến thức về kinh tế, ngoại ngữ,...

Nhờ đó, ngay sau khi tốt nghiệp cử nhân, Long đã nhận được học bổng cho bậc học thạc sĩ với chương trình bằng đôi (Double Degree Programme) liên kết giữa Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Erasmus Rotterdam Hà Lan. Việc được học 6 tháng tại Đại học Erasmus Rotterdam Hà Lan đã giúp anh có thêm nhiều kiến thức, hỗ trợ cho việc nghiên cứu của mình. Và mới đây là chỉ sau khi tốt nghiệp thạc sĩ 1 tháng, Long cũng đã nhận được học bổng toàn phần cho bậc Tiến sĩ.

Tuy nhiên, cũng như bao nhà nghiên cứu trẻ khác, để có được những thành quả như hiện tại, Long đã phải trải qua nhiều gian nan, thách thức. Đối với những nhà nghiên cứu trẻ, sức ép cho công việc là tương đối lớn.

Để đảm bảo cho thu nhập của mình, bên cạnh việc vừa làm trợ lý nghiên cứu cho trường, Long còn vừa làm giáo viên dạy tiếng Anh, vừa học tập chương trình thạc sĩ và chuẩn bị hồ sơ cho tiến sĩ, Long đã trải qua một cường độ làm việc rất nặng, khi phải làm việc nhiều giờ từ thứ 2 đến chủ nhật.

Điều này đã ảnh hưởng đến sức khỏe của anh khá nhiều khi phải vào viện mấy lần cũng như khiến anh từng mắc chứng trầm cảm nhẹ. Long nhận định, đây cũng là dấu hiệu của nhiều người nghiên cứu trẻ mắc phải nhưng gia đình, bạn bè xung quanh khó có thể hiểu được.

Khó khăn là vậy, thế nhưng, những nghiên cứu mà bản thân tham gia khiến Long cảm thấy hoàn toàn xứng đáng bởi nó mang lại nhiều lợi ích giá trị cho cộng đồng. Đơn cử như khi Long thực những dự án nghiên cứu nguyên nhân nào khiến trẻ em ở Thành phố Hồ Chí Minh bị béo phì hay nghiên cứu, đo lường mức độ rủi ro của sinh viên khi lựa chọn nghề nghiệp sau khi ra trường, phúc lợi xã hội cho những nhân lực làm các ngành nghề mới nổi gần đây... Những nghiên cứu này ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của con người cũng như tác động lớn đến xã hội.

Cũng theo Long cho biết, đã từng có nhiều người từng bảo rằng anh không phù hợp với việc nghiên cứu này. Thế nhưng, thay vì nhụt chí, anh đã luôn bền bỉ cố gắng, để đến thời điểm hiện tại, anh có thể chứng minh cho những người đã từng chê bai mình rằng mình không những có thể làm được nghiên cứu mà từ nghiên cứu mình còn xin được học bổng để du học chương trình Tiến sĩ rồi.

Chia sẻ về những trăn trở đối với thực trạng của các nhà nghiên cứu trẻ ở Việt Nam hiện nay, Long cho hay, những hỗ trợ thu nhập từ nghiên cứu vốn không nhiều, nhiều nhà nghiên cứu sau khi tham gia học tập, nghiên cứu ở nước ngoài đã lựa chọn không về nước bởi phần lương cũng như đãi ngộ trong nước không thể bằng.

Không những vậy, tại các trường đại học nước ta hiện nay cũng chỉ tập trung giảng dạy là chủ yếu, còn việc nghiên cứu lại chưa được chú trọng, trong khi đây là phần ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của một quốc gia; những bạn sinh viên làm nghiên cứu mới ra trường còn phải lệ thuộc vào nhà trường khá nhiều.

Tuy nhiên, trong tương lai, anh vẫn mong muốn, dự định quay về làm việc ở Việt Nam để vừa thực hiện việc giảng dạy, vừa thực hiện các dự án nghiên cứu.

Tường San

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/khong-phai-diem-so-day-moi-la-yeu-to-giup-chang-trai-lam-dong-lay-hoc-bong-ts-post235000.gd