Không phải là cổ tích
“… Tôi thương bà quá bà ơi
Mấy mươi năm đã cùng tôi nhọc nhằn
Vậy mà chưa có một lần
Tặng bà cái áo hay khăn đội đầu…”.
Lúc cha tôi còn sống, thi thoảng lại đọc tặng mẹ vài câu thơ mà cha góp nhặt. Mẹ chỉ tủm tỉm cười, ánh mắt ngập tràn hạnh phúc. Mẹ chỉ cần chồng con vui khỏe, với mẹ đó đã là món quà quý nhất.
Trong thời chiến những năm 1960, cha mẹ đã đến với nhau không chỉ từ tình yêu đôi lứa mà còn bằng cả sự đồng cảm của hai trái tim hừng hực nhiệt huyết cống hiến sức trẻ thanh xuân cho quê hương, đất nước.
Khi ấy, cha mẹ tôi đang là những chàng trai, cô gái tuổi mười tám, đôi mươi. Mẹ là cô gái hoạt bát, xinh xắn tham gia tích cực các hoạt động của hợp tác xã. Cha là bí thư đoàn của một xã khác. Hai người ở cách xa nhau mấy chục cây số lại gặp gỡ và bén duyên trong một lần mẹ đem thóc xuống chỗ cha đổi lấy ít cá khô và nước mắm cho hợp tác xã.
Không hẹn hò, chẳng đính ước, tình yêu của cha mẹ đã lớn dần lên sau những buổi sinh hoạt, những lần chuyển lương thực cho hợp tác xã. Sau đó, cha xung phong vào quân ngũ, rồi cùng đồng đội vượt Trường Sơn vào hỗ trợ chiến trường miền Nam. Và lúc này mẹ cũng tham gia thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước.
Có lẽ lúc này lòng yêu nước đã lớn hơn rất nhiều so với tình cảm lứa đôi, cha mẹ cũng chẳng kịp nói lời từ biệt, không một kỷ vật trao tay. Nhưng trong tim cả hai đều như ước hẹn ngày trở về sẽ tìm gặp lại nhau, lúc ấy tình yêu sẽ nở hoa trên nền trời xanh thẳm yên bình của Tổ quốc. Có lẽ niềm tin mãnh liệt ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho cả hai người trong suốt một thời gian dài.
Cha bị thương nặng trong một đợt bị địch tập kích. Sau đó, cha được điều về đoàn an dưỡng, mẹ cũng rời tiểu đội về học tại trường trung cấp thú y. Không điện tín cũng chẳng thư tay, đến bây giờ tôi cũng không hiểu vì sao tình yêu của cha mẹ vẫn tròn đầy khi trải qua chừng ấy năm xa cách không hề có thông tin liên lạc. Rồi cha mẹ gặp lại nhau như một phần của định mệnh, tình yêu không những không phai nhạt mà càng thêm sâu đậm, bởi những mất mát do chiến tranh gây ra đã khiến con người ta mong mỏi được yêu thương, khao khát dựng xây hạnh phúc hơn bao giờ hết.
Miền Bắc hòa bình, đám cưới của cha mẹ được tổ chức giản đơn giữa tình yêu thương và sự chúc phúc của xóm làng. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cha mẹ dắt díu các con đi vùng kinh tế mới ở tỉnh Sông Bé cũ. Sáu đứa con lần lượt ra đời với biết bao khó khăn về vật chất, ấy vậy mà chưa bao giờ tôi thấy cha mẹ to tiếng với nhau.
Cha yêu mẹ, thương các con, bảo bọc cả gia đình bằng tình thương không thể diễn tả bằng con chữ. Chúng tôi dần lớn lên rồi rời xa vòng tay cha mẹ. Chỉ còn hai ông bà già ở với nhau trong căn nhà nhỏ với mảnh vườn đầy hoa trái. Hằng ngày, cha vẫn đèo mẹ đi chợ trên chiếc xe Honda cũ kỹ, mọi người vẫn hay trêu ông bà tình cảm quá. Thấm thoắt cha mẹ đã ở bên nhau hơn 50 năm, chưa một nhành hoa, chưa một món quà dành tặng nhau. Giữa hai người đã không còn cái gọi là tình yêu đơn thuần mà tình yêu ấy đã chuyển hóa thành ngọn lửa yêu thương ở trong tim cứ êm đềm, âm ỉ cháy.
Gia tài mẹ cha để lại cho con cháu không phải là đất đai, tiền của mà là một câu chuyện tình yêu, tình người sâu sắc. Cha rời cõi tạm để lại trong mẹ một khoảng trống vô tận. Đến bây giờ, ngày ngày mẹ vẫn trò chuyện cùng di ảnh của cha, vẫn rì rầm, thỏ thẻ những câu chuyện hằng ngày như khi cha còn sống. Chúng tôi đều muốn mẹ tới ở cùng, nhưng mẹ bảo mẹ đi rồi cha sẽ buồn vì không có ai trò chuyện.
Chuyện tình yêu của cha mẹ tôi không phải là câu chuyện tình đẹp như cổ tích, tuy nhiên, đó lại là chuyện tình đặc biệt và mãi mãi vẹn nguyên trong trái tim mẹ. Có lẽ khi người ta đã trải qua ranh giới của sự sống và cái chết, cùng nhau trải qua những gian khó của cuộc đời thì tình yêu thương sẽ trở nên bền bỉ và sâu sắc dẫu không được trang hoàng bằng những lời hoa mỹ.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/155230/khong-phai-la-co-tich