Không phải lần đầu tiên Giải VĐQG 'trục trặc'

Năm 1980, bóng đá Việt Nam mới có giải đấu thống nhất đất nước đầu tiên, khi ấy mang tên Giải A1 toàn quốc với sự tham gia của 17 đội của 3 miền, chia 3 bảng, đội đầu bảng vào vòng chung kết (Tổng cục Đường sắt vô địch; Tiền Giang, An Giang, Đồng Tháp xuống hạng A2).

Sau 2 mùa giải 1986-1987 không có đội xuống hạng, Giải A1 toàn quốc năm 1988 đã không được tổ chức theo yêu cầu của các đội để củng cố lực lượng (chỉ tổ chức các giải khu vực và giao hữu).

Từ năm 1990, giải đấu cao nhất chuyển sang phiên bản mới với tên gọi Giải bóng đá các đội mạnh toàn quốc với 18 đội, cũng chia 3 bảng đá vòng loại (Thể Công vô địch). Rồi đến năm 1997 là Giải hạng Nhất quốc gia. Ngay ở Giải hạng Nhất quốc gia lần II-1998 đã xảy ra tiêu cực. Ban tổ chức đã kỷ luật (cảnh cáo hoặc trừ điểm) các đội bóng có biểu hiện dàn xếp tỷ số ở 5 trận đấu liên quan đến Bình Dương, Nam Định, Công an Hà Nội, Công an Hải Phòng, Khánh Hòa, CLB Quân đội và Hải Quan. Trước việc bất lực trong phòng, chống các đội thi đấu tiêu cực, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam buộc hủy bỏ Giải vô địch quốc gia năm 1999, thay vào đó là giải tập huấn mùa xuân. Phải đến mùa giải 1999-2000, cuộc chơi mới thực sự là Giải VĐQG với thể thức thi đấu vòng tròn 2 lượt sân nhà sân khách (SLNA vô địch) và 1 năm sau đó bóng đá Việt Nam chính thức có Giải VĐQG chuyên nghiệp.

Và bây giờ, với V.League 2020 (mùa giải chuyên nghiệp thứ 19 và có tên V.League thứ 16) là lần thứ 3 giải đấu cao nhất bị “trục trặc”. Đã 3 lần giải phải hoãn, lùi thời gian và nay là chờ… vô thời hạn.

Trường Xuyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/thethao/202004/khong-phai-lan-dau-tien-giai-vdqg-truc-trac-2996410/