Không phải Mãn Châu, đây mới là trận chiến cuối cùng trong Thế chiến 2
Ngày 14/8/1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng quân Đồng minh, tuy nhiên lực lượng quân Nhật trên đảo Kuril dưới sự chỉ huy của Tsutsumi Fusaki vẫn chiến đấu.
Tsutsumi Fusaki (03/03/1890-21/07/1959), sinh ra tại Kofu, Yamanashi. Ông tốt nghiệp Học viện Lục quân Đế quốc Nhật Bản năm 1922. Năm 1931, Tsutsumi Fusaki tham gia tấn công Trung Quốc trong biên chế Sư đoàn Bộ binh 10.
Tsutsumi Fusaki tiếp tục tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Cẩm Châu, Liêu Ninh vào năm 1932. Năm 1934, ông và sư đoàn trở về Nhật. Tại Nhật Bản, Tsutsumi Fusaki chủ yếu tham gia huấn luyện tân binh, các đơn vị dự bị tại nội địa Nhật để bảo vệ khu vực trung tâm của Đế quốc.
Ngày 01/03/1938, Tsutsumi Fusaki là Tham mưu trưởng Sư đoàn Bộ binh 10. Tới ngày 01/08/1939, Tsutsumi Fusaki được thăng quân hàm Thiếu tướng và bổ nhiệm làm tư lệnh Lữ đoàn Bộ binh 16. Chỉ 2 tháng sau, vào tháng 10/1939, ông ta được bổ nhiệm làm Sư trưởng Sư đoàn Bộ binh 24.
Tới ngày 01/03/1941, Tsutsumi Fusaki làm Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Hỗn hợp 18. Và từ 01/07/1942, ông là chỉ huy trưởng Kho hậu cần 67 của Lục quân Đế quốc Nhật Bản tại Hiroshima.
Ngày 01/10/1943, Tsutsumi Fusaki được cử đến đảo Shumshu, quần đảo Kuril làm Tư lệnh đơn vị đồn trú số 1 tại Kuril. Ngày 17/04/1944, đơn vị đồn trú số 1 tại Kuril được nâng lên thành Sư đoàn Bộ binh 91; Tsutsumi Fusaki được thăng quân hàm Trung tướng. Tại đảo Shumshu, Trung tướng Tsutsumi Fusaki đã trở thành chỉ huy của quân đội Nhật trong trận chiến cuối cùng với Liên Xô trong Thế chiến 2.
Trận đánh cuối cùng trong Thế chiến 2
Tháng 8/1945, theo thỏa thuận ở Hội nghị Yalta và Potsdam, Liên Xô tuyên chiến với Nhật Bản. Bên cạnh việc tấn công Mãn Châu, Bắc Triều Tiên, Nam Sakhalin, thì quần đảo Kuril cũng là một mục tiêu mà Liên Xô hướng tới.
Ngày 15/08/1945, Tư lệnh Lực lượng Liên Xô ở Viễn Đông, Nguyên soái Vasilevsky lệnh cho Tư lệnh Phương diện quân Viễn Đông 2, Đại tướng Purkayev và Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc Yumashev lên kế hoạch tấn công quần đảo Kuril.
Cuộc tấn công của Liên Xô dự kiến bắt đầu từ phía nam bán đảo Kamchatka, đánh chiếm 2 hòn đảo cực bắc của quần đảo Kuril là Shumshu và Parashimuro. Đây là nơi đặt phần lớn lực lượng đồn trú của Nhật tại Kuril. Một khi 2 hòn đảo này thất thủ, thì những hòn đảo còn lại sẽ nhanh chóng đầu hàng theo.
Lực lượng phòng thủ trên đảo Shumshu gồm 8.500 lính của Sư đoàn Bộ binh 91 Nhật Bản dưới quyền chỉ huy của Trung tướng Tsutsumi Fusaki. Tại đảo Parashimuro còn có 1 sân bay nhỏ và một căn cứ Hải quân với quân số khoảng 15.000 người. Người Nhật cũng có 77 xe tăng hạng nhẹ các loại.
Lực lượng đổ bộ Liên Xô gồm binh sĩ được huấn luyện tác chiến đường biển của Sư đoàn bộ binh 101 Hồng quân cùng với 1 tiểu đoàn Hải quân Đánh bộ của Hạm đội Thái Bình Dương và 1 đại đội Biên phòng thuộc Khu phòng thủ Kamchatka; tổng quân số 8.800 người với 95 khẩu pháo và 123 súng cối.
Hải quân Liên Xô chỉ huy động 64 tàu và không có chiến hạm lớn. Việc đổ bộ phụ thuộc vào đội tàu đổ bộ cỡ lớn LCI(L) do Mỹ chuyển giao. Lực lượng đổ bộ cũng không có xe tăng vì họ tin tưởng vào hỏa lực pháo và súng cối áp đảo đối phương. Ngoài ra, còn có Sư đoàn Không quân 128 Liên Xô tham gia hỗ trợ lực lượng đổ bộ.
Diễn biến trận chiến
Vào lúc 2h38 sáng ngày 18/08/1945, pháo binh Hải quân Liên Xô ở mũi Lopatka khai hỏa vào các vị trí quân Nhật ở Shumshu. Tới 4h22 sáng, nhóm đổ bộ đầu tiên với hơn 1.300 quân dưới sự chỉ huy của Thiếu tá Shutov tiến hành đổ bộ lên đảo.
Tuy vậy, do thiếu kinh nghiệm tác chiến đổ bộ đường biển nên các tàu đổ bộ đã thả quân ở vị trí hơi xa và có dòng hải lưu mạnh, khiến cho nhiều trang thiết bị bị cuốn trôi và nhiều binh sĩ bị chết đuối khi bị sóng biển và dòng nước đưa ra xa bờ.
Tuy vậy, do yếu tố bất ngờ khi trời khá nhiều sương mù nên quân Nhật không phát hiện ra lính Liên Xô đổ bộ. Lực lượng của Shutov di chuyển 2km mà không bị phát hiện. Phải tới 1 tiếng sau, quân Nhật mới phát hiện ra lính Liên Xô và bắt đầu khai hỏa. Hỏa lực quân Nhật tại Kokutan-saki và Kotomari-saki bắn cấp tập về phía quân đổ bộ và các tàu ngoài khơi.
Tới 9h00 ngày 18/08/1945, Trung đoàn 138 Hồng quân đổ bộ thành công và tiến hành chốt giữ các cao điểm ở bắc Shumshu. Theo dự kiến, 3 trung đội pháo binh sẽ đổ bộ lên đảo nhưng do điều kiện thời tiết nên chỉ có 4 khẩu pháo chống tăng 45mm được đưa lên đảo thành công.
Tới 11h00, Trung tướng Tsutsumi Fusaki ra lệnh cho quân Nhật bắt đầu phản công mạnh với sự yểm trợ của xe tăng. Các cao điểm bị quân Nhật chiếm lại nhưng sau đó Hồng quân lại tái chiếm.
Tới chiều, quân Nhật tấn công lần nữa với 60 xe tăng yểm trợ. Tuy vậy, với súng trường chống tăng PTRD, PTRS và lựu đạn chống tăng, Hồng quân đã tiêu diệt được những chiếc xe tăng hạng nhẹ giáp mỏng manh của Nhật. Trung đoàn trưởng Trung đoàn tăng của Nhật tử trận.
Pháo binh Nhật bắn vào đội hình tàu đổ bộ của Liên Xô rất chính xác và gây nhiều thiệt hại cho lực lượng tấn công. Pháo binh Nhật bắn chìm 7 tàu đổ bộ cỡ lớn LCI(L) và bắn hỏng nặng 8 chiếc khác; 1 tàu biên phòng, 2 tàu hộ tống và 1 tàu vận tải khác cũng bị thiệt hại.
Lúc này, quân Nhật đã chuyển thêm lính từ đảo Paramushiro sang Shumshu để tăng viện. Không quân Nhật cũng tấn công lực lượng tàu đổ bộ Liên Xô; 2 chiếc bị phòng không Hải quân Liên Xô bắn hạ. Không quân Liên Xô cũng tham chiến nhưng do gặp sương mù nên việc tham gia cũng hạn chế.
Tới 18h00 ngày 18/08, Liên Xô mở cuộc tấn công lớn vào Cao điểm 171, một vị trí quan trọng trong thế trận phòng thủ trên đảo Shumshu. Một thế trận giằng co quyết liệt giữa Hồng quân và quân Nhật kéo dài suốt hơn 2 tiếng đồng hồ với nhiều thương vong cho cả 2 bên. Tới 20h00, cuối cùng Hồng quân cũng đẩy lui được quân Nhật tại đây và tiến hành đào chiến hào phòng thủ.
Trong đêm hôm đó, lợi dụng đêm tối, Trung đoàn 373 Hồng quân đã đổ bộ thành công, 11 khẩu pháo đã được đưa lên đảo. Công binh Xung kích Liên Xô cũng đổ bộ thành công và với kinh nghiệm dày dạn của mặt trận châu Âu, Công binh Liên Xô đã thổi bay nhiều lô cốt, hầm hào, căn cứ hỏa lực pháo binh Nhật ngay trong đêm đó.
Ngày 18/08/1945 là ngày ác liệt nhất trong toàn bộ chiến dịch tấn công quần đảo Kuril. Hồng quân có 400 người hi sinh, 123 người mất tích (hầu hết là chết đuối và bị dòng nước cuốn đi khi đổ bộ), 716 người bị thương, mất 6 khẩu pháo, 116 súng cối, 106 súng trường chống tăng, 294 súng máy các loại. Quân Nhật có 139 người thiệt mạng, 141 người bị thương. Quân Nhật cũng bắt giữ 139 tù binh Liên Xô.
Sang tới ngày 19/08/1945, chiến sự tiếp tục. Lúc này, pháo binh Liên Xô đã đổ bộ thành công và áp đảo hỏa lực quân Nhật. Thương vong của lực lượng đổ bộ giảm xuống rõ rệt; bước tiến của Hồng quân cũng nhanh hơn.
Ngoài khơi, không quân Nhật tấn công bằng một phi đội Thần phong; một tàu quét mìn của Liên Xô đã bị đánh đắm. Tới 18h00, chỉ huy trưởng quân Nhật trên đảo Shumshu - Trung tướng Tsutsumi Fusaki đã đánh điện đề nghị đàm phán với Thiếu tướng Dyakov, Sư trưởng Sư đoàn 101 Hồng quân. Chiến sự tạm ngưng.
Ngày 20/08/1945, một đội 6 tàu chiến Liên Xô tới cảng Kataoka ở phía Tây Nam Shumshu để đàm phán với quân Nhật nhưng khi họ tới gần cảng thì pháo binh Nhật lại khai hỏa, khiến cho 3 thủy thủ Liên Xô hi sinh, 12 người khác bị thương. Thiếu tướng Dyakov ra lệnh bộ binh tiếp tục tiến công.
Ngày 21/08/1945, Hồng quân Liên Xô tiếp tục tiến công về phía Nam. Với hỏa lực pháo binh áp đảo, Hồng quân tiến sâu được 6km. Đồng thời, tướng Dyakov cũng gửi cho phía Nhật điện yêu cầu đầu hàng. Ngày 22/08, Hồng quân cử tăng viện 2 trung đoàn bộ binh nữa từ Kamchatka tới Shumshu.
Nhật Bản đầu hàng
Ngày 23/08/1945, Trung tướng Tsutsumi Fusaki đầu hàng Hồng quân. Toàn bộ lực lượng đồn trú ra hàng gồm có 526 sĩ quan, 11.709 hạ sĩ quan và binh sĩ; số trang thiết bị trên đảo còn có 57 khẩu lựu pháo, 9 pháo chống tăng, 214 súng máy hạng nhẹ, 123 súng máy hạng nặng, 20 pháo phòng không, 15 xe tăng, 7 máy bay.
Trận đánh cuối cùng của Liên Xô trong Thế chiến 2 đã kết thúc. Chiều hôm đó, Thiếu tướng Iwao Sugino ở đảo Paramushiro cũng tuyên bố đầu hàng.
Trong trận đánh cuối cùng của Thế chiến II trên đảo Shumshu, Hồng quân Liên Xô đã chịu tổn thất khá lớn với 416 người hi sinh, 123 người mất tích, 1.028 người bị thương. Thương vong phía quân Nhật là 1.018 người, trong số đó có 369 người thiệt mạng.
Ngày 24/08/1945, sau khi đảo Shumshu của Tsutsumi Fusaki đầu hàng, Hồng quân Liên Xô đổ bộ lên đảo Onekotan và tiếp nhận sự đầu hàng của quân Nhật. Từ ngày 25/08/1945 đến ngày 04/09/1945, Hồng quân Liên Xô tiến hành tiếp quản các đảo Sirinki-to, Makanru-to, Matsuwa, Uruppu, Etorfu, Kunasiri, Sikotan, Akiyuri, Yuri, Sibotsu, Takaru, Todo. Quần đảo Kuril sau đó đã trở thành 1 phần của lãnh thổ Liên Xô.
Sau trận đánh trên đảo Shumshu với thương vong khá lớn, Hồng quân nhận thấy sự thiếu kinh nghiệm về tác chiến đổ bộ đường biển của mình, cũng như việc thiếu các loại trang thiết bị, tàu thuyền, vũ khí để có thể tổ chức một cuộc đổ bộ lên nội địa Nhật. Đồng thời, đồng minh phương Tây cũng gây sức ép ngoại giao với Liên Xô. Kế hoạch đổ bộ lên Hokkaido của Hồng quân Liên Xô bị hủy bỏ.
Về phần Trung tướng Tsutsumi Fusaki, sau khi thẩm tra không phạm tội ác chiến tranh nào, ông ta được phóng thích về Nhật vào năm 1946. Ông ta qua đời tại quê nhà Kofu vào năm 1959.