Không phải NDT, đây mới là đồng tiền đang đe dọa vị thế đồng USD, trở thành 'nhân vật chính' của các thị trường

Trang mạng money.it vừa đăng bài đánh giá của chuyên gia chính trị quốc tế Violetta Silvestri về sự trỗi dậy của đồng Euro.

Tỷ trọng của đồng Euro trong dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương ngày càng tăng. Điều này làm dấy lên câu hỏi: điều gì đang thay đổi và tại sao đồng tiền chung châu Âu ngày càng trở nên quan trọng hơn khi so sánh với đồng USD?

Để trả lời cho câu hỏi này, Diễn đàn các Tổ chức Tài chính và tiền tệ chính thức (OMFIF) đã thực hiện một cuộc khảo sát trên diện rộng về các vấn đề liên quan.

Đồng Euro một lần nữa đang trở thành “nhân vật chính” của các thị trường. (Nguồn: Getty)

Đồng Euro một lần nữa đang trở thành “nhân vật chính” của các thị trường. (Nguồn: Getty)

Xu hướng trở thành đồng tiền dự trữ được ưa thích

Theo kết quả khảo sát của OMFIF, đồng Euro đang ngày càng trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư và các ngân hàng trung ương lớn đang tăng cường dự trữ đồng Euro thay vì đồng USD.

OMFIF đã thực hiện khảo sát 75 ngân hàng trung ương, khoảng 1/5 trong số đó cho biết, dự kiến lượng nắm giữ đồng Euro của họ sẽ tăng lên trong hai năm tới. Chỉ có khoảng 7% số ngân hàng tham gia khảo sát xác nhận đang tìm cách giảm tỷ lệ nắm giữ đồng Euro. Điều này cho thấy nhu cầu ròng vào thời điểm khảo sát (2023) của đồng Euro vẫn cao hơn bất kỳ loại tiền tệ nào khác. Đây là một bước “nhảy vọt” so với các cuộc khảo sát do OMFIF thực hiện vào năm 2021 và 2022.

Mặc dù vậy, đồng USD, chiếm 60% dự trữ toàn cầu cao hơn nhiều so với 20% của đồng Euro, sẽ không mất vị trí “dẫn đầu” trong các rổ tiền tệ dự trữ quốc tế. Nhưng rõ ràng niềm tin lớn hơn vào đồng Euro đã cho thấy có điều gì đó đang thay đổi trên thị trường ngoại hối (forex).

Đồng Euro một lần nữa đang trở thành “nhân vật chính” của các thị trường. Trên thực tế, theo những phản ánh do khảo sát OMFIF cung cấp, sau khi trải qua giai đoạn khó khăn và giảm phát, đồng tiền chung của châu Âu đang được các nhà hoạch định chính sách tiền tệ thế giới ưa chuộng trở lại, nhờ lãi suất dương và yếu tố địa chính trị (yếu tố thử thách sức hấp dẫn của đồng USD).

Kể từ khi ECB loại bỏ lãi suất âm vào năm 2022, lãi suất trái phiếu chính phủ của Eurozone đã được đẩy lên cao hơn, sau gần một thập kỷ ở mức dưới 0% và dự kiến sẽ vẫn ở mức cao ngay cả khi lãi suất sẽ hạ xuống trong thời gian tới.

Nhà kinh tế cấp cao của OMFIF, Taylor Pearce, nhận định: “Bây giờ đồng Euro có lợi suất dương, (các nhà quản lý dự trữ) đang tìm cách tăng phân bổ tiền tệ của họ sang đồng Euro và đặc biệt là tránh xa đồng USD”.

Ông Pearce nêu trường hợp của ngân hàng trung ương Ba Lan, nơi dự trữ chủ yếu là tài sản bằng đồng USD và đồng Euro. Ông nói: “Lợi suất trung hạn kỳ vọng đối với trái phiếu chính phủ của EU đã được cải thiện đáng kể, điều này chắc chắn làm tăng sức hấp dẫn của loại tài sản này”.

Trong khi đó, ngân hàng trung ương Romania đã tuyên bố, họ có ý định duy trì tỷ trọng mục tiêu của đồng Euro trong rổ dự trữ của mình ở mức 40-75 %, tỷ lệ hiện tại là khoảng 59%.

Hơn nữa, mặc dù vẫn đứng sau so với thị trường Kho bạc Mỹ trị giá 26.500 tỷ USD, nhưng các tài sản “an toàn” ở châu Âu đã được củng cố nhờ việc tăng doanh số bán trái phiếu để tài trợ cho chi tiêu và việc phát hành chung trái phiếu Kho bạc Mỹ với EU lên tới 800 tỷ Euro để phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Giám đốc tài chính của Cơ chế Bình ổn châu Âu Kalin Anev Janse, cho biết, năm 2011 ông gặp khó khăn trong việc bán trái phiếu châu Âu và thậm chí trong một số cuộc gặp với nhà đầu tư, ông có thể bị phản đối mạnh mẽ nếu đưa ra cái nhìn lạc quan về tiền tệ châu Âu. Nhưng, ông nói: “Bây giờ, nếu tôi nói rằng tôi đánh giá tích cực về châu Âu, họ sẽ trả lời rằng 'vâng, chúng tôi đồng ý' ”.

Quá trình phi USD đang diễn ra?

Theo tác giả bài viết, sự trỗi dậy của đồng Euro như một nguồn dự trữ ngân hàng cũng có nguồn gốc từ các vấn đề địa chính trị phức tạp nảy sinh trong thời gian gần đây.

Trong khi cú sốc năng lượng và xung đột địa chính trị ở châu Âu đã gây tổn hại cho đồng Euro, thì sự cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc và hậu quả từ cuộc xung đột Nga-Ukraine đã thúc đẩy cuộc thảo luận về việc đa dạng hóa phương tiện thanh toán, nhằm thoát khỏi sự thống trị của đồng USD.

Điều này được minh chứng qua việc các quốc gia, đặc biệt là các nước mới nổi đang xem xét giảm thiểu việc mất khả năng tiếp cận với đồng USD sau khi Mỹ, châu Âu và các nước khác đóng băng khoảng 300 tỷ USD tài sản của Nga.

Một số loại tiền tệ, bao gồm cả đồng Euro, có thể được hưởng lợi từ việc phi USD. Cuộc khảo sát của OMFIF cho thấy, 13% các nhà quản lý tiền tệ trung ương dự kiến sẽ tăng nắm giữ đồng NDT của Trung Quốc nhiều hơn trong hai năm tới, mặc dù trên thực tế, tỷ trọng của đồng tiền này trong các giỏ dự trữ đã giảm hơn 30% vào năm 2022.

Giám đốc điều hành của Eurizon SLJ Capital, ông Stephen Jen cho biết: “Sự thay đổi trong cán cân phân bổ từ đồng USD sang Euro rất có ý nghĩa".

Dữ liệu của IMF cho thấy, tỷ trọng của đồng USD trong tổng dự trữ ngoại hối đã giảm xuống 59% vào năm 2023, từ mức khoảng 72% vào năm 2000. Trong khi, thị phần của đồng NDT tăng lên. Quá trình đang diễn ra này có thể làm thay đổi cán cân quyền lực tiền tệ, trong đó đồng Euro là yếu tố tham gia tích cực nhất.

(theo money.it)

Đỗ Lan

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khong-phai-ndt-day-moi-la-dong-tien-dang-de-doa-vi-the-dong-usd-tro-thanh-nhan-vat-chinh-cua-cac-thi-truong-264031.html