Không phải 'phong sát' mà chỉ là hạn chế hình ảnh nghệ sỹ lệch chuẩn
Đó là thông tin được ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đưa ra tại buổi họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, của ngành TT&TT trong tháng 4 năm 2023 và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong thời gian tới vào sáng 5/5.
Liên quan đến thông tin cơ quan quản lý nhà nước sẽ "cấm sóng" và "phong sát" nghệ sỹ vi phạm, một vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận trong thời gian qua, ông Lê Quang Tự Do cho biết: "Chưa khi nào dùng chữ “phong sát” mà chỉ là hạn chế hình ảnh. Lý do là nếu cấm thì phải đưa vào luật. Ở đây, chỉ sử dụng quy định mềm, vận động các cơ quan báo chí, đơn vị tổ chức sự kiện chung tay cùng nhà nước không mời các nghệ sỹ lệch chuẩn tham gia các chương trình. Việc này được thực hiện trên tinh thần đồng thuận, chứ không phải là quy định quy phạm pháp luật cứng".
Cũng theo ông Lê Quang Tự Do, hiện Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (VHTT&DL) đang hoàn thiện quy chế về quản lý nghệ sĩ, việc soạn thảo và ban hành do Bộ VHTTDL chủ trì. Tuy nhiên, trên môi trường báo chí, môi trường mạng, Bộ TT&TT có tham gia quản lý nên sẽ có sự phối hợp.
Về kế hoạch thanh tra toàn diện Tiktok, ông Lê Quang Tự Do cho biết, Bộ TT&TT đã gửi công văn cho các Bộ, ngành liên quan để cử người, có đề cương kiểm tra. Dự kiến sẽ làm việc từ 15/5 đến hết tháng 5.
Thông tin thêm về việc ngăn chặn hoạt động kinh doanh hóa đơn điện tử trên mạng theo đề nghị của Tổng Cục thuế, ông Lê Quang Tự Do cho biết: Ở đây có 2 vấn đề cần làm rõ. Hiện Bộ TT&TT cũng đã tham mưu cho Thủ tướng ban hành chỉ thị yêu cầu địa phương tăng cường quản lý lĩnh vực của mình trên không gian mạng. Chỉ thị hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành.
“Không gian thực đang chuyển lên không gian mạng. Bộ TT&TT sẽ phối hợp chủ trì, còn các bộ, ngành, địa phương cần phải chủ động quản lý các hoạt động trong quyền hạn, nhiệm vụ của mình. Đối với các trường hợp xác định được nhân thân, các cơ quan quản lý xử lý theo quy định hiện hành. Các trường hợp không xác định được nhân thân, Bộ TT&TT mới phối hợp để yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ. Thực tế cho thấy, biện pháp ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung vi phạm không phải là biện pháp triệt để. Quan trọng vẫn là xử lý nghiêm những đối tượng phát tán mới đủ sức răn đe, ngăn chặn từ gốc”, ông Lê Quang Tự Do cho biết.