Không phải vô hạn…

Ai cũng nghĩ nước là vô hạn nhưng bây giờ đứng trước thách thức về biến đổi khí hậu toàn cầu mới thấy nước là tài nguyên hữu hạn...

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Theo Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi các đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, hiệu quả khai thác, sử dụng nguồn nước của nước ta còn thấp, lãng phí, đặc biệt là trong nông nghiệp và ở đô thị.

Báo cáo cho biết, hiệu quả sử dụng nước được đo bằng tỷ lệ giá trị USD tạo ra với khối lượng nước được sử dụng cũng như dựa trên hoạt động kinh tế, nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.

Hiệu suất sử dụng nước trung bình thế giới năm 2015 là 17,3 USD/m3, tăng lên 18,9 USD/m3 năm 2020 và đến nay là 19,42 USD/m3. Tuy nhiên ở nước ta, dù GDP đầu người tăng nhanh, đạt trên 2.500 USD năm 2018, tăng 2,5 lần so với năm 2002 nhưng giá trị sử dụng nước chỉ tạo ra 2,37 USD/m3 nước, chỉ bằng 12% so với mức trung bình toàn cầu.

Lý do giá trị sử dụng nước thấp là bởi nước ta chưa có hệ thống công cụ ra quyết định phục vụ xây dựng kịch bản nguồn nước cũng như việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước thống nhất trên lưu vực sông để điều phối khai thác, sử dụng nước của các ngành, địa phương theo quy hoạch.

Điều này cũng đã dẫn đến tình trạng sử dụng nước lãng phí, hiệu quả không cao, chưa đáp ứng được nhu cầu về an ninh nước sạch, an ninh năng lượng và an ninh lương thực…

Dù được đánh giá là có nguồn tài nguyên nước khá phong phú cả về nguồn nước mặt trong các hệ thống sông, hồ, lượng mưa và nguồn nước dưới lòng đất, song với những gì đã và đang diễn ra, đã đến lúc cần đặt vấn đề hiệu quả khai thác, sử dụng ngang bằng với vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước.

Điều này cũng đã được một số đại biểu nêu ra tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Nhìn nhận ở khía cạnh nông nghiệp, nông thôn, khi tham gia trả lời tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, nước ta là một trong 6 nước bị tổn thương nhất trong “kỷ nguyên khô hạn”.

Ai cũng nghĩ nước là vô hạn nhưng bây giờ đứng trước thách thức về biến đổi khí hậu toàn cầu mới thấy nước là tài nguyên hữu hạn. Và đã là hữu hạn thì phải khai thác với một nền nông nghiệp khan hiếm nước.

Chúng ta luôn gọi là tài nguyên nước, nhưng chưa bao giờ thực sự coi nước là tài nguyên. Từ thực trạng đáng báo động này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị phải có ngay một tuyên ngôn, cụ thể là với người dân Đồng bằng sông Cửu Long, nơi đang chịu hậu quả nặng nề của hạn hán, xâm nhập mặn, sụt lún.

Trong tuyên ngôn phải nhấn mạnh rằng Việt Nam không phải quốc gia dư thừa nước. Ngược lại, nước ngày càng khan hiếm nên người dân phải thay đổi cách sử dụng.

Phân tích rõ hơn về việc tiết kiệm nước, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng phải tiếp cận ở các vấn đề cụ thể là số lượng, chất lượng và cách thức sử dụng nguồn nước. Trong đó, cách thức sử dụng quan trọng nhất, sẽ tác động đến số lượng và chất lượng nước. Nếu dùng hết nước mặt để rồi phải khai thác nước ngầm thì Việt Nam sẽ lại vướng vào vòng luẩn quẩn, để lại nhiều hệ lụy, không có đường thoát.

Biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, tác động trực tiếp đến nguồn nước thể hiện ở các khía cạnh như nguồn tài nguyên này ngày càng khan hiếm, suy giảm cả về số lượng và chất lượng. Tình trạng hạn hán và lũ lụt xảy ra gay gắt ở cả quy mô, mức độ và thời gian.

Vậy nên những bất cập, trong đó có tình trạng hiệu quả khai thác, sử dụng nguồn nước thấp cần được nhìn nhận ở góc độ “nguy cơ gần” - đã, đang và sẽ tác động tiêu cực tới mọi mặt của đời sống xã hội. Để từ đó có giải pháp tổng thể, cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề.

Yên Khánh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khong-phai-vo-han-post686762.html