'Không phải xã hội phát triển khiến cho số lượng người mắc bệnh tâm thần tăng lên'
PGS.TS. Trần Viết Nghị - nguyên Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai - nhận định số lượng bệnh nhân tâm thần tăng lên do nhận thức của xã hội về các rối loạn tâm thần được nâng cao, không phải do xã hội phát triển.
Chia sẻ với VietTimes bên lề Hội nghị khoa học thường niên do Viện Sức khỏe tâm thần tổ chức tại Hà Nội ngày 18/10, PGS.TS. Trần Viết Nghị cho biết nhận thức của cộng đồng về bệnh tâm thần trong những năm 80 của thế kỷ trước còn hạn chế, nên các số liệu điều tra về bệnh cũng ít ỏi.
“Vào thời điểm đó, cộng đồng quan niệm bệnh tâm thần chỉ gồm tâm thần phân liệt, rối loạn tâm thần trong động kinh, người mắc bệnh bị "điên" nên phải bị nhốt lại. Bệnh nhân đến điều trị tập trung vào các trại điều dưỡng tâm thần, các bệnh viện tâm thần lớn, chịu cảnh sinh hoạt khắc khổ” – PGS.TS. Trần Viết Nghị nói.
Tiền thân của Viện là Khoa Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (gọi tắt là Khoa). Cũng giống với nhiều cơ sở điều trị bệnh tâm thần khác, Khoa phải nhốt rất nhiều bệnh nhân tâm thần sau những cánh cửa sắt. Không đủ giường, người bệnh phải nằm dưới sàn gỗ, sàn xi măng, việc sinh hoạt cá nhân bị hạn chế.
Sau đó, nhờ nỗ lực của các chuyên gia trong ngành tâm thần học, nhận thức của cộng đồng về bệnh tâm thần được đổi mới, quan niệm về bệnh tâm thần được mở rộng. Bệnh tâm thần không còn bị bó hẹp trong những biểu hiện “điên loạn, kích động” mà được mở rộng theo bảng phân loại thống kê quốc tế về bệnh tật và các vấn đề sức khỏe có liên quan - ICD.
Bác sĩ Trần Viết Nghị cho biết, hiện nay nhận thức của cộng đồng đã được nâng cao, kiến thức về bệnh được cập nhật.
“Những bệnh trước đây người ta không coi là bệnh tâm thần, ví dụ mất ngủ, trầm cảm, rối loạn liên quan đến stress, loạn chức năng hoặc nghiện rượu, nghiện thuốc lá, nay được xếp loại là các rối loạn có liên quan tới tâm thần” – PGS.TS. Trần Viết Nghị chia sẻ.
PGS.TS Trần Viết Nghị nhận hoa và chụp ảnh cùng với các bác sĩ của Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai.
Bên cạnh đó, môi trường bệnh viện cũng được thay đổi: Thay vì giam giữ bệnh nhân sau những cánh cửa sắt giống như lồng giam, bệnh viện mở cửa, thuê nhân viên bảo vệ trông giữ bệnh nhân; Xây dựng bệnh viện xanh, sạch, đẹp, có cây xanh, có sân bóng, khu vực giải trí cho bệnh nhân; Chăm sóc cho bệnh nhân tốt hơn, thái độ ứng xử của các bác sĩ cũng mềm mại hơn; Áp dụng điều trị rối loạn tâm thần dựa vào cộng đồng, tuyên truyền về bệnh tới đông đảo người dân…Từ đó trở đi, người dân nhìn vào bệnh viện tâm thần có cảm giác bình dị, giống như đi điều trị một căn bệnh thể chất khác. Còn các bệnh nhân tâm thần không bị mặc cảm căn bệnh của mình.
Do đó, số lượng phát hiện bệnh tăng lên, số lượng người bệnh được chăm sóc nhiều hơn, còn bản chất của bệnh không thay đổi, không phụ thuộc vào việc xã hội phát triển hay không.
“Có thể bây giờ người dân gặp căng thẳng nhiều hơn do các vấn đề về hội nhập quốc tế, áp lực cuộc sống. Nhưng, người dân sinh sống trong thế kỷ trước cũng có áp lực cuộc sống, cũng có sự căng thẳng, có áp lực tâm lý. Vì vậy, tôi cho rằng bệnh không thay đổi, các rối loạn tâm thần vẫn tồn tại trong cộng đồng từ xưa đến nay. Ngày xưa, chúng ta nhận thức hẹp thì kết quả điều tra cơ bản ít, bây giờ nhận thức rộng thì điều tra cơ bản nhiều mà thôi” - PGS.TS. Trần Viết Nghị kết luận.
Đồng quan điểm, PGS. TS. Nguyễn Văn Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần - cho biết, xã hội phát triển không phải là nguyên nhân khiến cho số lượng bệnh nhân tăng lên.
"Ví dụ stress (hay còn gọi là căng thẳng), ta cứ nói là xã hội phát triển nên người dân bị stress nhiều, song, thực tế không phải. Xã hội phát triển, hay kém phát triển thì người dân vẫn sẽ có stress.
Tương tự, bệnh tự kỷ ở trẻ được phát hiện nhiều hơn do trình độ của bác sĩ và nhận thức của cộng đồng được nâng cao, không còn hạn hẹp như trước. Đừng "đổ tội" cho xã hội phát triển, chúng ta nên cảm thấy mừng vì cộng đồng đã quan tâm tới các vấn đề về sức khỏe tâm thần" - PGS.TS. Nguyễn Văn Tuấn nói.