Không phải xung đột Nga-Ukraine hay nhu cầu yếu đáng thất vọng, đây mới là thủ phạm khiến giá dầu và khí đốt 'rẻ bèo'

'Cơn ác mộng' về khủng hoảng năng lượng vào năm ngoái khó có thể lặp lại. Mặc dù vậy, chỉ cần một tin xấu cũng có thể khiến giá dầu và khí đốt tăng chóng mặt.

Giới phân tích nhận định, chỉ cần một tin xấu cũng có thể khiến giá dầu và khí đốt tăng chóng mặt. Trong ảnh: Bồn chứa dầu tại Nhà máy lọc dầu Duna của Hungary, nơi tiếp nhận dầu thô của Nga thông qua đường ống Druzhba. (Nguồn: AFP)

Giới phân tích nhận định, chỉ cần một tin xấu cũng có thể khiến giá dầu và khí đốt tăng chóng mặt. Trong ảnh: Bồn chứa dầu tại Nhà máy lọc dầu Duna của Hungary, nơi tiếp nhận dầu thô của Nga thông qua đường ống Druzhba. (Nguồn: AFP)

Đừng đổ hết lỗi cho nhu cầu yếu

Trong thời gian sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine (tháng 2/2022), bất kỳ tin xấu nào cũng khiến giá năng lượng tăng vọt.

Năm ngoái, khi xuất hiện những thông tin như hỏa hoạn buộc một nhà máy sản xuất khí đốt của Mỹ phải đóng cửa, tình trạng đình công làm tắc nghẽn các kho cảng dầu của Pháp, Nga yêu cầu châu Âu trả tiền nhiên liệu bằng đồng Ruble hay thời tiết có vẻ xấu hơn bình thường… thị trường lập tức trở nên náo nhiệt.

Tuy nhiên, kể từ tháng 1/2023, mọi thứ đã khác. Dầu thô Brent dao động quanh mức 75 USD/thùng, so với 120 USD/thùng một năm trước. Tại châu Âu, giá khí đốt ở mức 35 Euro (khoảng 38 USD) mỗi megawatt giờ (mwh), thấp hơn 88% so với mức đỉnh vào tháng 8/2022.

Biểu đồ giá dầu và giá khí đốt từ 2021-2023, (Nguồn: The Economist)

Biểu đồ giá dầu và giá khí đốt từ 2021-2023, (Nguồn: The Economist)

Trong bối cảnh đó, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (OPEC+) đã tuyên bố cắt giảm sản lượng nhằm nâng giá dầu.

Trong khi đó, ở Mỹ, số lượng giàn khoan dầu khí hoạt động đã giảm trong 7 tuần liên tiếp. Một số cơ sở khí đốt của Na Uy - hiện rất quan trọng đối với châu Âu - đang dừng hoạt động để bảo trì kéo dài. Hà Lan cũng đóng cửa mỏ khí đốt lớn nhất châu Âu.

Tuy nhiên, bất chấp các động thái trên, giá năng lượng vẫn ở mức thấp, chu kỳ tăng giá dù có cũng rất ngắn ngủi. Vậy điều gì đang ghìm giá dầu và khí đốt ở mức thấp như thế?

Nhu cầu tiêu dùng thấp hơn kỳ vọng có thể là một phần của câu trả lời.

Trong những tháng gần đây, kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã bị cắt giảm. Sự sụp đổ của một số ngân hàng vào mùa Xuân vừa qua đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái sắp xảy ra ở Mỹ.

Trong khi đó, lạm phát đang “vùi dập” người tiêu dùng ở châu Âu. Ở cả hai nơi, tác động của việc tăng lãi suất vẫn chưa được cảm nhận đầy đủ.

Tại Trung Quốc, sự phục hồi sau đại dịch đang tỏ ra yếu hơn nhiều so với dự kiến. Sự tăng trưởng kém đang làm giảm nhu cầu nhiên liệu.

Tuy nhiên, nhìn kỹ hơn, ta thấy câu chuyện nhu cầu yếu không hoàn toàn thuyết phục. Bất chấp sự phục hồi đáng thất vọng, Trung Quốc đã tiêu thụ 16 triệu thùng dầu thô mỗi ngày trong tháng 4, một mức kỷ lục. Sự phục hồi trong lĩnh vực vận tải đường bộ, du lịch và lữ hành sau khi dỡ bỏ chính sách Zero Covid đồng nghĩa với việc sử dụng nhiều dầu diesel, xăng và nhiên liệu máy bay hơn.

Ở Mỹ, giá xăng dầu giảm 30% so với một năm trước là dấu hiệu tốt cho mùa Hè, vốn là thời gian đi lại cao điểm. Ở châu Á và châu Âu, nhiệt độ cao dự kiến sẽ kéo dài, làm tăng nhu cầu phát điện chạy bằng khí đốt để làm mát.

Nguồn cung không ngừng tăng

Một lời giải thích thuyết phục hơn có thể được tìm thấy ở phía cung của phương trình. Giá cả tăng cao trong hai năm qua đã khuyến khích tăng sản xuất ở các nước ngoài OPEC.

Dầu đang chảy ra thị trường toàn cầu từ khu vực Đại Tây Dương, thông qua sự kết hợp của các giếng khai thác (ở Brazil và Guyana) và sản xuất đá phiến, cát dầu (ở Mỹ, Argentina và Canada). Na Uy cũng đang bơm nhiều dầu hơn.

Ngân hàng JPMorgan Chase ước tính, sản lượng khai thác của các nước ngoài OPEC sẽ tăng 2,2 triệu thùng/ngày vào năm 2023.

Về lý thuyết, điều này được cân bằng bởi việc cắt giảm sản lượng được công bố vào tháng 4 bởi các thành viên cốt lõi của OPEC (1,2 triệu thùng/ngày) và Nga (500.000 thùng/ngày), trong khi Saudi Arabia đã bổ sung 1 triệu thùng/ngày vào tháng 6 này.

Tuy nhiên, trên thực tế, sản lượng khai thác ở các nước này đã không giảm nhiều như cam kết, trong khi các nước OPEC khác đang tăng cường xuất khẩu. Venezuela tăng bán hàng nhờ đầu tư của Chevron, một “gã khổng lồ” năng lượng của Mỹ. Iran đang xuất khẩu ở mức cao nhất kể từ năm 2018, thời điểm Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với quốc gia Hồi giáo này.

Theo thống kê, 1/5 lượng dầu của thế giới hiện nay, có xuất xứ từ các quốc gia bị phương Tây cấm vận, được bán với giá chiết khấu và do đó khiến giá bán giảm.

Đối với khí đốt, tình hình cung cấp phức tạp hơn. Đường ống Nord Stream của Nga bơm hàng cho châu Âu vẫn ngừng hoạt động. Tuy nhiên, Freeport lng, một cơ sở xử lý 1/5 lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) xuất khẩu của Mỹ, vốn bị hư hại do một vụ nổ vào năm ngoái, đã hoạt động trở lại.

Các hoạt động xuất khẩu khác của Nga sang lục địa châu Âu vẫn tiếp tục. Dòng chảy khí đốt của Na Uy sẽ hoàn toàn nối lại vào giữa tháng Bảy.

Quan trọng nhất, các kho dự trữ hiện có của châu Âu đang gần đầy hàng, với tỷ lệ lấp đầy 73% so với 53% một năm trước và đang trên đà đạt mục tiêu 90% trước tháng 12 năm nay. Các nước châu Á giàu có, chẳng hạn như Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng có nhiều khí đốt.

Khi lạm phát tăng vọt và lãi suất vẫn ở mức khiêm tốn, các nhà đầu tư đổ xô vào các loại hàng hóa được coi là hàng rào hấp dẫn chống lại giá cả tăng cao, như dầu thô. Giờ đây, khi các nhà đầu cơ kỳ vọng lạm phát giảm, sức hấp dẫn của dầu thô đã giảm đi.

Lãi suất cao hơn cũng làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ các kho dự trữ dầu thô, vì vậy, các nhà kinh doanh vật chất đang bán bớt hàng trong kho của họ. Khối lượng hàng trong các kho nổi trên toàn cầu giảm từ 80 triệu thùng trong tháng 1 xuống 65 triệu thùng vào tháng 4, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2020.

Giá dầu cũng có thể tăng vào cuối năm nay. Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) dự đoán, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt mức kỷ lục 102,3 triệu thùng/ngày vào năm 2023. Nguồn cung dầu cũng sẽ đạt kỷ lục.

Theo một số ngân hàng, thị trường sẽ rơi vào tình trạng thâm hụt vào nửa cuối năm nay. Khi mùa Đông đến gần, sự cạnh tranh về LNG giữa châu Á và châu Âu sẽ ngày càng gay gắt. Giá vận chuyển hàng hóa cho mùa Đông sẽ tăng như dự kiến.

Tuy nhiên, “cơn ác mộng” về khủng hoảng năng lượng vào năm ngoái khó có thể lặp lại. Nhiều nhà phân tích kỳ vọng, dầu thô Brent sẽ ở mức gần 80 USD/thùng và không đạt mức ba con số.

Các thị trường khí đốt tương lai ở châu Á và châu Âu chỉ ra mức tăng 30% so với mức hiện nay vào mùa Thu, thay vì bất kỳ điều gì cực đoan hơn. Trong 12 tháng qua, thị trường năng lượng đã thích nghi. Mặc dù vậy, chỉ cần một tin xấu cũng có thể khiến giá dầu và khí đốt tăng chóng mặt.

(theo The Economist)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khong-phai-xung-dot-nga-ukraine-hay-nhu-cau-yeu-dang-that-vong-day-moi-la-thu-pham-khien-gia-dau-va-khi-dot-re-beo-231779.html