Không phân biệt người VN, người nước ngoài trên phương diện chống dịch
Đây là một phần phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ngay tối 15/3, tại Hội nghị Triển khai mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả.
Không phân biệt nguời Việt Nam với người nước ngoài trên phương diện chống dịch
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Việt Nam sẽ mở lại giao thương quốc tế trong đó có du lịch như trước khi có dịch Covid-19, chỉ kèm theo một số giải pháp trên tinh thần quản lý, kiểm soát rủi ro, áp dụng những biện pháp tối thiểu nhất để giữ an toàn cho tất cả mọi người.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là không phân biệt nguời Việt Nam với người nước ngoài trên phương diện chống dịch.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành liên quan triển khai khẩn trương, hiệu quả nghị quyết của Chính phủ về việc áp dụng lại các chính sách thị thực, thị thực điện tử; tiếp tục nghiên cứu các biện pháp tạo thuận lợi hơn nữa về thị thực nhập cảnh đối với khách quốc tế; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm ban hành văn bản hướng dẫn về các thủ tục xuất nhập cảnh liên quan đến khách du lịch đường không, đường thủy và đường bộ.
Cùng tối, Bộ Y tế đã có dự thảo về phòng chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh gửi xin ý kiến các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong đó, dự thảo quy định đối với người nhập cảnh theo đường hàng không phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (trừ trẻ em dưới 2 tuổi) trước khi xuất cảnh trong vòng 72 giờ nếu sử dụng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP hoặc trong vòng 24 giờ nếu sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên với virus SARS-CoV-2.
Không có quy định về việc khách phải cách ly sau khi nhập cảnh nữa.
Đối với người nhập cảnh theo các đường khác (đường bộ, đường thủy, đường sắt) thì cũng phải đáp ứng yêu cầu như với khách đi bằng hàng không.
Về lâu dài, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài tích cực đấu nối với nước bạn để mở lại hoàn toàn, phối hợp hỗ trợ để xúc tiến phát triển du lịch, giao thương.
Kiến nghị ban hành hướng dẫn đầy đủ, thống nhất
Trước đó, tại Hội nghị, các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và lãnh đạo các địa phương, đại diện doanh nghiệp, lữ hành, du lịch, khách sạn và hàng không… đã trao đổi, thảo luận nêu ra những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị để cùng phối hợp triển khai chủ trương mở cửa lại giao thương quốc tế bao gồm du lịch của Chính phủ.
Các đại biểu cũng cho rằng, cần phải có thời gian, thị trường du lịch mơi có thể phục hồi trở lại.
Các đại biểu mong muốn Chính phủ sẽ sớm ban hành hướng dẫn đầy đủ, thống nhất, đồng bộ, về phòng, chống dịch bệnh khi đón du khách quốc tế để tạo sự thuận tiện cho hành khách, kích cầu du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài...
Đề cập đến kế hoạch quảng bá du lịch, đón khách quốc tế đến Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, để đẩy mạnh hoạt động phục hồi du lịch một cách hiệu quả, cần đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông trên hai phương diện: thông tin truyền thông, quảng bá kết nối thị trường qua truyền thông số, mạng xã hội, qua các kênh bán hàng, tiếp thị trực tiếp của các hãng lữ hành, hãng hàng không, các cơ sở dịch vụ, đặc biệt là các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, thông tin rộng khắp đến thế giới cũng như các hãng truyền thông quốc tế như CNN, CNBC...
Ông Hà Văn Siêu cho biết thêm, thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Tổng cục Du lịch thực hiện chương trình quảng bá du lịch "Live Fully in Vietnam" (Sống trọn vẹn tại Việt Nam) và nay, ngành Du lịch sẽ tập trung cao độ cho chương trình này.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, trong giai đoạn mới cần tiếp tục những nỗ lực tạo thuận lợi cho du khách đến Việt Nam một cách thuận lợi nhất, cả về thị thực, đến kết nối hàng không, đảm bảo an toàn dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đáp ứng yêu cầu điều kiện bình thường mới.
Liên quan đến chính sách nhập cảnh của Việt Nam đối với du khách quốc tế, theo Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Lương Thanh Quảng, thời gian qua, Việt Nam đã từng bước điều chỉnh nới lỏng chính sách xuất-nhập cảnh.
Theo quy định hiện hành, tập quán quốc tế, hộ chiếu vaccine không phải là giấy tờ đi lại mà chỉ là điều kiện đảm bảo yêu cầu về y tế. Loại giấy tờ này không thay thế các giấy tờ xuất nhập cảnh hiện hành. Người mang các loại giấy tờ này, vẫn cần sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền của các nước.
Hiện nay, Việt Nam đang tạm thời công nhận hộ chiếu vaccine của 19 nước và 16 quốc gia/vùng lãnh thổ đã công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam.
Theo thông tin từ Tổng Cục du lịch, lượng khách quốc tế tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam từ đầu năm 2022 tăng mạnh. Theo dữ liệu phân tích từ công cụ Google Destination Insights, lượng tìm kiếm bắt đầu tăng từ tháng 12/2021, tăng vọt trong thời gian từ cuối tháng 12/2021 đến đầu tháng 1/2022.
Từ đầu tháng 1/2022 đến nay, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam luôn duy trì ở mức rất cao, thậm chí thời điểm ngày 21/1 tăng 425%, thời điểm ngày 3/2 tăng 374% so với cùng kỳ 2021.