Không phân định rõ ràng tài sản rất dễ phải chia phần cho người khác
Bạn đọc hỏi: Tôi và chồng đứng tên sở hữu nhà đất nhưng nhà đất đó hoàn toàn mua bằng tiền riêng của tôi. Khi mua nhà, vợ chồng tôi lập giấy viết tay, thể hiện đó là tài sản riêng của tôi... Mới đây, chồng tôi không may qua đời đột ngột. Tôi rất lo lắng việc con riêng của chồng tôi sẽ đòi chia nhà đất... Xin luật sư tư vấn giúp? Hoàng Thúy Kiều (Hải Dương)
Luật sư trả lời: Trường hợp bạn hỏi, nội dung chưa thật rõ ràng khi bạn chỉ cho biết bạn cùng chồng đứng tên sở hữu nhà đất, rồi mới lập giấy viết tay thể hiện đó là tài sản riêng của bạn… Dù vậy, theo chúng tôi sự việc của bạn sẽ xảy ra các trường hợp sau.
Một là nếu tài sản này trước đây bạn và chồng bạn mua bán viết giấy tay với người chủ sở hữu cũ, trong đó có thể hiện là tài sản riêng của bạn và tài sản đã được cấp giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật mà đứng tên một mình bạn thì đó là tài sản riêng của bạn. Khi chồng bạn qua đời thì con riêng của chồng bạn sẽ không có quyền đòi hỏi việc phân chia tài sản.
Trường hợp thứ hai là nếu tài sản này trước đây vợ chồng bạn mua và lập giấy tờ viết tay thể hiện là tài sản riêng của bạn nhưng sau đó khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại ghi tên cả hai vợ chồng và khi chồng bạn mất không lập di chúc thì phần tài sản của chồng có trong khối tài sản chung đó là di sản sẽ được phân chia theo pháp luật cho hàng thừa kế thứ nhất.
Hàng thừa kế thứ nhất của chồng bạn gồm: bố, mẹ đẻ; vợ hợp pháp và các con. Bởi lẽ vợ chồng bạn đã phân định tài sản chung, tài sản riêng nhưng khi kê khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn thực hiện kê khai cả tên hai vợ chồng. Do đó nếu không có thỏa thuận nội dung cụ thể bằng văn bản (có công chứng hoặc chứng thực) thì tài sản đó được coi là bạn đã nhất trí sáp nhập từ tài sản riêng thành tài sản chung của vợ chồng.
Bạn có thể tham khảo thêm quy định về tài sản chung và tài sản riêng của vợ chồng được quy định tại Luật Hôn nhân gia đình năm 2014.
Cụ thể, Điều 33 quy định: “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng”.
Cũng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Tương tự, Điều 43 - Luật Hôn nhân và gia đình quy định: “Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng”.