Không quân chiến lược Mỹ đang rơi vào khủng hoảng
Sự thiếu hụt về số lượng máy bay ném bom hạng nặng, trang bị kỹ thuật lỗi thời cần hàng tỷ USD để nâng cấp đang khiến lực lượng không quân chiến lực Mỹ rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng. Một cựu lãnh đạo Lầu Năm góc từng thừa nhận, năng lực chiến đấu của không quân chiến lược Mỹ đã giảm với con số kỷ lục là 10% trong năm 2019.
Mặt trái của “thắt lưng, buộc bụng”
Đánh giá về tình hình của lực lượng không quân chiến lược Mỹ, cựu Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, tướng 4 sao John Michael Loh cho biết, Lầu Năm góc thực tế đang rất thiếu máy bay ném bom hạng nặng có khả năng hoạt động hiệu quả. Nhu cầu sử dụng chúng tăng lên hằng năm đi liền với các hoạt động quân sự của Mỹ tại nước ngoài. Tuy nhiên, ưu tiên trong vài năm trở lại đây của Quân đội Mỹ lại không phải là Không quân, mà là Hải quân và tăng cường quy mô hạm đội tàu ngầm. Sau nhiều thập kỷ sử dụng, số lượng máy bay ném bom tầm xa của Mỹ đã giảm từ con số 400 từ đầu những năm 1990, xuống còn 140 ở thời điểm hiện tại.
Để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, trong tương lai gần, không quân chiến lược cần bổ sung ít nhất 65 máy bay ném bom mới. Tuy nhiên, nguồn tài chính ưu tiên của Không quân Mỹ lại không rơi vào máy bay ném bom, mà là dành cho các đơn vị máy bay chiến thuật thế hệ mới như F-35 Lightning II.
Theo tướng John Michael Loh, vấn đề chính của không quân chiến lược Mỹ là sự sụt giảm nghiêm trọng số lượng máy bay ném bom hạng nặng B-1B Lancer trong thời gian qua. Không quân Mỹ hiện có 60 máy bay B-1B, nhưng khoảng 20 chiếc đang trong tình trạng không sẵn sàng chiến đấu hoặc chờ bị loại biên.
Các không đoàn B-1B từng đóng vai trò quan trọng trong chiến tranh Lạnh giai đoạn những năm 1980. Chúng chính là các bệ phóng mang vũ khí hạt nhân vào sâu lãnh thổ của đối phương. Tuy nhiên, với sự tan vỡ của Liên bang Xô Viết, vai trò của máy bay B-1B đã được thay thế bằng các máy bay chiến thuật đa năng. Nhiệm vụ của dòng máy bay ném bom hạng nặng này được thay đổi để thực hiện các hoạt động ném bom thông thường tại Liên bang Nam Tư, Afghanistan, Iraq và Syria.
Sau nhiều thập kỷ khai thác, các máy bay B-1B đã tới cuối vòng đời sử dụng. Chúng đã lạc hậu và rệu rã khi không được nâng cấp và bảo dưỡng đầy đủ. Với xu thế hiện tại, Lầu Năm góc nhiều khả năng sẽ chỉ tận dụng những máy bay B-1B còn đủ khả năng bay cho tới khi loại bỏ hoàn toàn chúng.
Đặt kỳ vọng vào máy bay tàng hình lỗi thời
Một trong những vấn đề khác dẫn tới sự khủng hoảng của không quân chiến lược Mỹ chính là máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit. Thực tế, Lầu Năm góc đã đặt cược sai khi tin cậy vào dòng máy bay đắt tiền và khó bảo dưỡng này.
Giới chức quân sự Mỹ từng kỳ vọng với khả năng tàng hình, các phi đội B-2 có thể xuyên qua hệ thống phòng thủ của Liên Xô để tung các đòn tấn công hạt nhân kết liễu đối thủ. Tuy nhiên, ngay khi ra mắt, sự tiến bộ của công nghệ vũ khí phòng không đã vượt xa khả năng tàng hình của dòng máy bay ném bom này.
Trong những cuộc xung đột trong vài thập niên gần đây, Quân đội Mỹ đối đầu với những quốc gia có hệ thống phòng không tương đối yếu và lạc hậu như Liên bang Nam Tư, Iraq, Libya và Afghanistan khiến khả năng máy bay B-2 bị bắn hạ gần như là không thể. Tuy nhiên, khi đối đầu với các quốc gia có năng lực phòng không mạnh thì mọi việc có thể diễn biến hoàn toàn khác. Những chiếc máy bay trị giá hàng tỷ USD nếu bị bắn hạ sẽ kéo theo không chỉ thiệt hại về kinh tế, nhân mạng, mà còn là niềm tự hào của Không quân Mỹ.
Một vấn đề khác cần tính tới là việc duy trì và bảo dưỡng các phi đội máy bay B-2 rất đắt đỏ và phức tạp. Với tình trạng hiện tại, các máy bay B-2 sẽ tiếp tục là xương sống của không quân chiến lược Mỹ và số tiền bỏ ra để duy trì chúng sẽ là gánh nặng với Lầu Năm góc. Cũng vì gánh nặng này, Không quân Mỹ đã phải hủy chương trình nâng cấp máy bay B-2 dự kiến thực hiện trong năm 2021.
Niềm hy vọng mới của Không quân Mỹ đang được đặt vào dòng máy bay ném bom tàng hình mới B-21 Raider. Chúng được cho là sẽ khắc phục các vấn đề kỹ thuật còn tồn tại trên máy bay B-2 và là vũ khí có thể thay đổi tương lai chiến trường của Không quân Mỹ. Tuy nhiên, dòng máy bay này vẫn đang trong quá trình phát triển và không ai dám chắc nó có đi vào vết xe đổ như dòng máy bay B-2? Liệu khi B-21 xuất hiện trong thập niên tới, công nghệ vũ khí phòng không tiên tiến có biến nó trở thành vũ khí lạc hậu ngay từ khi được trang bị hay không?
Gánh nặng trên vai pháo đài bay
Khi máy bay ném bom B-1B dần được loại biên, nhiệm vụ chiến đấu lại được giao lại cho các máy bay ném bom B-52 Stratofortress nhờ sự chi phí bảo trì thấp và đơn giản trong vận hành. Những chiếc máy bay ném bom đã có tuổi đời tới 60 năm vẫn phải tiếp tục phục vụ trong vài thập niên tới.
Vấn đề đặt ra đối với máy bay B-52 là chúng đã quá lỗi thời để đối đầu với các hệ thống phòng không hiện đại và cần các gói nâng cấp lớn để kéo dài thời gian phục vụ. Dây chuyền lắp ráp máy bay B-52 đã đóng từ năm 1962, khiến việc duy trì hoạt động của dòng máy bay này rất khó khăn do thiếu linh kiện bảo trì. Kết quả của sự thiếu thốn này chính là các tai nạn hàng không. Năm 2017, một chiếc máy bay B-52 đã rơi động cơ khi đang bay trên không trung hay một chiếc B-52 bị thiêu rụi khi chuẩn bị cất cánh tại căn cứ ở đảo Guam. Ngoài ra, các vấn đề của cỗ máy chiến tranh từ thập niên 1970 này được phát hiện trong các hoạt động diễn tập quân sự tại châu Âu. Các vấn đề kỹ thuật trên máy bay B-52 thường xuyên được ghi nhận khi thực hiện các chuyến bay diễn tập tầm xa tại châu Âu.
Trong năm 2019, các đồng minh châu Âu của Mỹ đã được một lần chứng kiến máy bay ném bom B-52 tham gia cuộc tập trận Ample Strike không thể thực hiện nhiệm vụ do trục trặc kỹ thuật. Tháng 8 cùng năm, một máy bay B-52 đang bay tuần tra dọc theo biên giới Nga đã phải bay trở về căn cứ do cháy động cơ và nứt thân vỏ.