Không quân Indonesia đã ký hợp đồng mua 42 tiêm kích Rafale đầu tiên vào tháng 2/2022, mới đây Bộ Quốc phòng nước này quyết định bổ sung 18 máy bay nữa, đưa quy mô phi đội lên 60 chiếc.
Các nguồn tin tại Jakarta cho biết, chính phủ Indonesia đã lên kế hoạch phân bổ ngân sách để mua thêm 18 chiếc Rafale mới, sau khi 6 máy bay đầu tiên đi vào hoạt động trong năm 2022, đây là tin tốt với Tập đoàn Dassault Aviation.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục mua máy bay chiến đấu Rafale từ Pháp”, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia - ông Prabowo Subianto tuyên bố hôm 8/3/2023 trong chuyến thăm căn cứ không quân Halim Perdanakusuma.
Đợt mua sắm cuối cùng bao gồm 18 máy bay có thể được tiến hành trước cuối năm nay, quá trình giao hàng dự kiến kéo dài đến đầu năm 2024. Ngoài ra Jakarta có thể mua thêm 12 tiêm kích Mirage 2000-5 đã qua sử dụng từ Qatar.
Đối với Dassault Aviation, họ hy vọng thương vụ sẽ có hoàn tất trước cuộc bầu cử tổng thống ở Indonesia, dự kiến diễn ra vào tháng 2/2024, đây là một cuộc chạy đua thực sự với thời gian.
Tiêm kích Dassault Rafale đang nhận được sự quan tâm từ nhiều quốc gia trên thế giới, bất chấp sự thống trị của Mỹ về doanh số bán tiêm kích hạng nhẹ Lockheed Martin F-16 Fighting Falcon.
Chiến đấu cơ Rafale do Pháp sản xuất được ưu tiên như một giải pháp ngân sách đối với những quốc gia không đủ khả năng mua máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm.
Tiêm kích thế hệ 4++ của Pháp mặc dù không có khả năng tàng hình nhưng vẫn là một trong những máy bay chiến đấu tốt nhất thế giới, nó được đánh giá có nhiều ưu điểm trước Su-35, F-16 hay JAS 39.
Rafale là máy bay chiến đấu đa nhiệm 2 động cơ thế hệ 4++ do Tập đoàn Dassault Aviation chế tạo. Nguyên mẫu Rafale thực hiện chuyến bay thử đầu tiên vào tháng 7/1986 và đến năm 2000 thì được chính thức chấp nhận đưa vào trang bị trong Không quân và Hải quân Pháp.
Tiêm kích Rafale có kích thước khá nhỏ với chiều dài 15,27 m; sải cánh 10,8 m; chiều cao 5,34 m; trọng lượng rỗng 9.500/9.770/10.196 kg (phiên bản C/B/M), trọng lượng cất cánh tối đa 24.500/22.200 kg (phiên bản C/M).
Máy bay được trang bị 2 động cơ phản lực SNECMA M88 công suất 50,4 kN mỗi chiếc (lên tới 75 kN khi bật tăng lực), cho tốc độ tối đa 2.250 km/h, tầm hoạt động 1.800 km, trần bay 18.000 m, tải trọng vũ khí lên tới 9.500 kg.
Với thiết kế khí động học khá ưu việt lại được sự hỗ trợ của cánh mũi, tiêm kích Rafale có thể thực hiện những pha quay ngoặt đột ngột trong không gian chật hẹp.
Điểm đặc biệt nữa của Rafale đó là máy bay còn có thể thực hiện động tác thao diễn "rắn hổ mang" ở trạng thái động cơ gần như không hoạt động.
Nhờ được trang bị hệ thống chiến tranh điện tử Spectra hiện đại nhất thế giới hiện nay, nhà sản xuất tuyên bố Rafale sẽ hoạt động an toàn dưới hỏa lực phòng không đối phương.
Rafale là một trong những chiến đấu cơ đầu tiên được tích hợp radar mảng pha quét chủ động (AESA) loại RBE2. Hiệu quả tác chiến không đối đất của Rafale cũng được khẳng định khi tham gia các trận oanh kích trên châu Phi.