Không quân Iran sẽ bị Israel hủy diệt trong chớp mắt nếu xảy ra chiến tranh?
Mâu thuẫn ngày càng tăng giữa Israel và Iran đang có nguy cơ trở thành một cuộc xung đột quân sự, tuy nhiên dự báo khó có khả năng hai quốc gia sẽ sử dụng bộ binh mà chỉ điều động không quân làm lực lượng chủ chốt.
Viễn cảnh một cuộc đối đầu quân sự giữa Iran và Israel là điều được các chuyên gia quân sự quan tâm theo dõi và phân tích khá nhiều trong thời gian gần đây.
Dự báo nếu nổ ra chiến tranh thì đây sẽ là cuộc chiến trên bầu trời, Không quân Iran và Israel sẽ có trận đánh một mất một còn, vậy bên nào sẽ chiếm nhiều ưu thế hơn?
Không quân Iran về cơ bản chỉ sở hữu các loại chiến đấu cơ cũ kỹ và đã rất cao tuổi do Mỹ và Liên Xô sản xuất. Chủ lực của họ là phi đội 24 chiếc F-14A Tomcat đã hoạt động từ năm 1979, từ đó đến nay dưới sự bao vây cấm vận của Mỹ thì chất lượng của chúng đã xuống cấp nhiều.
Xương sống tiếp theo của Không quân Iran là 26 chiếc F-5E/F tuổi đời cũng trên 30 năm phục vụ, khó mà đáp ứng đầy đủ yêu cầu của chiến tranh hiện đại. Dựa trên thiết kế của F-5, Iran đã chế tạo mẫu tiêm kích nội địa có tên Saeqeh 2, tuy nhiên độ tin cậy của mẫu chiến đấu cơ này bị đặt câu hỏi lớn.
Ngoài ra Không quân Iran hiện vẫn còn duy trì khoảng 20 tiêm kích đánh chặn MiG-29A/B sản xuất dưới thời Liên Xô, tuổi khung và động cơ của MiG-29 rất thấp nên chúng bị nhận xét khó mà đủ sức chiến đấu.
Bên cạnh đó trong biên chế Không quân Iran vẫn còn khoảng gần 50 tiêm kích hạng nặng F-4E/F Phantom 2, chúng thậm chí còn được cho là hữu dụng hơn cả phi đội MiG-29 trong tác chiến phòng không.
Iran từng gây sốc với thế giới khi công bố mẫu máy bay tàng hình nội địa Qaher-313, nhưng đây có vẻ như là một đòn gió của họ vì mẫu chiến đấu cơ này bị nhận xét giống như một món đồ chơi.
Về phía Không quân Israel, tuy không có ưu thế rõ ràng về số lượng nhưng chất lượng của họ lại được đánh giá vượt xa đối thủ.
IAF đang vận hành phi đội khoảng 60 chiếc F-15 Baz-2000, đây là phiên bản F-15C/D Eagle do Mỹ sản xuất theo yêu cầu của Israel. Hiện đại hơn là 25 tiêm kích F-15I Ra'am - biến thể của F-15E Strike Eagle với khả năng tấn công mặt đất lẫn đối không vượt trội Baz-2000.
Phi đội F-16 Fighting Falcon hiện là xương sống của Không quân Israel với tổng cộng hơn 200 chiếc ở các biến thể F-16C/D/I cực kỳ hiện đại. F-16 của Israel còn được nước này tự nâng cấp lên chuẩn Barak 2020 với các công nghệ áp dụng trên tiêm kích thế hệ 5, chúng có sức mạnh không hề thua kém F-15I và chỉ kém ở tầm bay mà thôi.
Đáng chú ý nhất của Không quân Israel dĩ nhiên không còn ai khác mà chính là F-35I Adir - phiên bản F-35A Lightning II được Mỹ chế tạo riêng theo yêu cầu của họ. Chiếc chiến đấu cơ này theo tuyên bố đã thực hiện nhiều phi vụ xâm nhập không phận Iran và Syria và Iraq nhưng mạng lưới radar cảnh giới chẳng thể phát hiện ra nó.
Ngoài những chiếc tiêm kích trên, không thể bỏ qua lực lượng dự bị là hàng chục chiếc "Sư tử non" Kfir đang được bảo quản trong sa mạc Negev, nếu nâng cấp lên chuẩn TC.10 hoặc Block 60 thì thậm chí chúng còn vượt mặt cả F-16.
Với cán cân chênh lệch như trên, Không quân Iran rất khó mà đối đầu sòng phẳng được với Israel, họ chắc chắn sẽ phải phòng thủ với sự phối hợp giúp sức của các tổ hợp tên lửa đất đối không mới mong tạo ra sự cân bằng.
Ngoài còn phải xét tới kinh nghiệm và trình độ tác chiến vượt trội của Không quân Israel trước Iran, nếu xảy ra chiến tranh toàn diện thì rất có thể Tel Aviv lại chiến thắng một cách nhanh chóng như tại cuộc chiến 6 ngày hồi năm 1967.