Không quân Mỹ đặt nhiều kỳ vọng lên cánh máy bay tàng hình B-12
Ngày 2/12, không quân Mỹ chính thức ra mắt máy bay ném bom tàng hình B-21 Raider, dù vậy câu hỏi về hiệu quả và khả năng đáp ứng kì vọng của Raider vẫn còn bỏ ngỏ.
Để có buổi ra mắt B-21 Raider hôm 2/12 tại California, không quân Mỹ đã mất gần 10 năm tạo ra thế hệ máy bay ném bom tàng hình tiếp theo. Theo Time, Raider có thiết kế như một con cá đuối gai lớn màu xám.
Tại buổi lễ tại Nhà máy số 42 ở Palmdale, Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin miêu tả chiếc máy bay có khả năng mang “đầu đạn hạt nhân và vũ khí thông thường". Cùng với đó là tuyên bố kẻ thù của nước Mỹ sẽ hứng chịu hậu quả nặng nề “vượt xa mọi lợi ích họ muốn đạt được”.
Nhiều ý kiến nhận định thành công hay thất bại của chương trình B-21 có thể quyết định đến lợi thế máy bay ném bom tầm xa của Mỹ so với các siêu cường quân sự gồm Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên dư luận Mỹ cũng đặt ra câu hỏi về phân bổ chi tiêu ngân sách dành cho quốc phòng của Mỹ, cũng như tính hiệu quả của dự án này.
B-21 - Máy bay ném bom hiện đại bậc nhất
Nguyên mẫu máy bay ném bom B-21 được lắp ráp tại tổ hợp 401 thuộc Nhà máy 42, thân vỏ máy bay được làm từ vật liệu composite có trọng lượng nhẹ. Sau khi lắp ráp phần thân, B-21 tiếp tục được trang bị hệ thống điện tử hàng không, radar, cảm biến, khoang vũ khí, kính buồng lái và cánh máy cùng hàng nghìn bộ phận khác. Khác với quy trình sản xuất trong-ra-ngoài của loại máy bay khác, máy bay tàng hình được lắp ráp ngoài-vào-trong với mục tiêu là giữ cho bề ngoài của chiếc máy bay phản lực nhẵn nhụi để giảm phản xạ radar.
Tàng hình là tính năng “mũi nhọn" của B-21. Ngay từ đầu, các kỹ sư của Northrop Grumman đặt mục tiêu tạo ra một chiếc máy bay có thể vượt qua mọi hệ thống phòng không mà không bị phát hiện.
Để giảm dấu hiệu hồng ngoại lẫn âm thanh, B-21 được thiết kế để bay ở tốc độ cận âm, chạy bằng động cơ phản lực gắn vào cánh giống như mang cá mập. Vật liệu phủ được thiết kế giống như một miếng bọt biển, có khả năng hấp thụ sóng radar. B-21 có khả năng tàng hình trước radar tốt hơn B-2 Spirit. Trên màn hình radar, B-21 chỉ là một chấm nhỏ như một quả bóng tennis mặc dù có sải cánh tương tự như máy bay phản lực 747.
Northrop Grumman hiện vẫn chưa công bố các thông số kỹ thuật của B-21 nhưng có thể thấy bằng mắt thường nó nhỏ hơn đáng kể so với B-2. Không quân Mỹ và tập đoàn Northrop Grumman giữ kín thông tin về chiếc máy bay mới này, nhiều nhà cung cấp vật liệu và thiết bị không hề hay biết họ đang sản xuất linh kiện cho B-21. Kỹ sư và nhân viên của Northrop Grumman cũng không được phép cho người khác biết họ đang tham gia chế tạo loại máy bay mới.
Cho đến nay, nhóm B-21 đã sản xuất hai nguyên mẫu máy bay: T-1, máy bay được ra mắt trong buổi giới thiệu ngày 2/12 và G-1, hiện đang trải qua các cuộc thử nghiệm trên mặt đất. Từ khi trúng thầu vào năm 2015, Northrop Grumman xây dựng ba tổ hợp lắp ráp máy bay mới ở nhà máy số 42 và tuyển dụng khoảng 5.000 nhân viên mới cho chương trình này.
Trong quá trình chế tạo, nhóm B-21 sử dụng các chương trình mô phỏng ba chiều và thực tế ảo để xác định và loại bỏ các vấn đề kỹ thuật trước khi họ tiếp xúc với máy bay thật. Công ty cho biết các công nghệ này giúp cắt giảm thời gian và chi phí trong quá trình bay thử nghiệm.
B-21 "nặng cánh" cùng nhiều kì vọng
B-21 là hệ thống vũ khí tiên tiến đầu tiên được Mỹ giới thiệu từ khi căng thẳng với Nga và Trung Quốc bắt đầu gia tăng. Các nhà chiến lược tại Lầu Năm Góc kỳ vọng chiếc B-21 có khả năng lẩn tránh radar và xuyên thủng hệ thống phòng không của đối thủ. Theo kế hoạch, Northrop Grumman sẽ sản xuất ít nhất 100 chiếc B-21 cho không quân Mỹ. Chi phí hiện tại để sản xuất một máy bay ném bom là 692 triệu USD - một mức giá được cho là cao không tưởng.
Để có được thành quả từ chương trình B-21 hôm nay, Lầu Năm Góc đã không ít lần thất bại. Trong gần 40 năm qua, không quân Mỹ đã không thể mua máy bay mới đúng thời hạn, ngân sách và đủ số lượng. Máy bay tiền nhiệm của B-21, được gọi là B-2 và cùng được sản xuất tại Northrop Grumman, được nhận xét là "hệ thống vũ khí tiên tiến có giá đắt đỏ, số lượng ít ỏi và hiếm khi được sử dụng".
Năm 1980, không quân Mỹ từng có kế hoạch mua 132 chiếc B-2 với giá khoảng 500 triệu USD mỗi chiếc. Những gì họ nhận được là 21 máy bay với giá 2 tỷ USD một chiếc. Northrop Grumman cũng là đối tác hàng đầu của không quân Mỹ trong dự án đó và họ đã vấp phải nhiều khó khăn về giới hạn thời gian cũng như kỹ thuật.
Đại tá Tim Spaulding, giám đốc chương trình B-21 ccho biết rất nhiều áp lực và kỳ vọng được đặt lên dự án này. Ông cho biết tính đến nay, chương trình đạt được tất cả các mục tiêu đặt ra về thiết kế, sản xuất và chi phí. Tuy nhiên, rất khó để biết được tổng chi phí thực sự của những chiếc B-21. Lầu Năm Góc có kế hoạch chi 20 tỷ USD để sản xuất B-21 trong vòng 5 năm tới, nhưng không đưa ra cụ thể họ sẽ mua bao nhiêu chiếc. Các mốc thời gian và số lượng xuất xưởng đều được giữ kín.
Điều này làm dấy lên nhiều nghi ngờ về độ hiệu quả về mặt tài chính của B-21, theo một cựu chuyên gia phân tích vũ khí tại Lầu Năm Góc. Chương trình này được dự đoán sẽ còn tiêu tốn một khoảng tiền rất lớn nữa, vì mục tiêu thả vũ khí hạt nhân đòi hỏi nhiều thiết bị và thử nghiệm đặc biệt. Ngoài ra, chương trình B-21 còn có kế hoạch thiết kế một hệ thống máy bay không người lái hỗ trợ cho máy bay chính.
Chương trình máy bay chiến đấu F-35 gần đây nhất của Lầu Năm Góc đã bị trì hoãn sản xuất và vượt chi phí trong 21 năm, với giá mua tăng gần gấp đôi lên 428 tỷ USD cho 2.470 máy bay. Trước đó, không quân Mỹ dự kiến mua 648 máy bay chiến đấu F-22 với giá 149 triệu USD mỗi chiếc. Cuối cùng, họ phải mua 188 chiếc với mức giá hơn 400 triệu USD mỗi máy bay.
Ngành công nghiệp hàng không đã bất ngờ khi Northrop Grumman giành được hợp đồng B-21 vào năm 2015, “vượt mặt" hai nhà thầu quốc phòng lớn là Boeing và Lockheed Martin. Tập đoàn Northrop Grumman đã “đổi đời” nhờ dự án tiền thân B-2, từ một công ty nhỏ chuyên chế tạo máy bay chiến đấu hạng nhẹ thành một gã khổng lồ công nghiệp hàng không quân sự. Tuy khả năng tránh radar của B-2 được ví như “một cuộc cách mạng" trong công nghệ quân sự nhưng nó lại cực kì nhạy cảm với thời tiết và yêu cầu rất nhiều tiền và thời gian bảo dưỡng. Theo báo cáo của Chính phủ Mỹ, mỗi giờ B-2 bay trên không, nó tiêu tốn 150.741 USD.
Northrop Grumman cũng cam kết sẽ khắc phục phần lớn nhược điểm này của B-2. Trong khi B-2 cần nhà chứa máy bay chuyên dụng có kiểm soát nhiệt độ, các kỹ sư của Northrop cho biết B-21 được đỗ bên ngoài, dưới hầm trú ẩn dọc đường bay như các máy bay khác. Các kỹ sư có thể mở nắp B-21 và thực hiện bảo trì hàng ngày, thay vì mất nhiều tháng như B-2.
B-21 là một “mỏ vàng” tiềm năng của Northrop Grumman. Doanh thu hàng năm của công ty tăng 52% lên 35,7 tỷ USD trong 7 năm kể từ khi được trao hợp đồng ban đầu. Các quan chức không quân Mỹ nói rằng trong vòng 30 năm tới, sẽ tốn ít nhất 203 tỷ USD để phát triển, mua và vận hành 100 chiếc B-21.
Northrop Grumman hy vọng không quân Mỹ sẽ tiếp tục đặt hàng sản xuất dòng máy bay này sau hợp đồng đầu tiên. Kathy Warden, Giám đốc điều hành của hãng, cam kết phi công của không quân Mỹ Mỹ sẽ được ngồi lái những chiếc B-21 trong khoảng thời gian tới.
Bản thân Northrop Grumman cho biết mẫu B-21 được giới thiệu vào 2/12 ít nhiều đã sẵn sàng đưa vào sản xuất, họ hy vọng quá trình thử nghiệm diễn ra suôn sẻ.
Vào tháng 10, chính phủ Mỹ đã công bố một chiến lược quốc phòng mới. Kế hoạch dự đoán lần đầu tiên trong lịch sử, Mỹ phải đối đầu với hai đối thủ hạt nhân ngang hàng là Trung Quốc và Nga. Kế hoạch bao gồm việc xây dựng vũ khí hiện đại hóa trong nhiều năm, tăng cường liên minh nước ngoài và “đại tu” kho vũ khí hạt nhân trị giá 1,2 nghìn tỷ USD.
B-21 là một hạng mục quan trọng trong kế hoạch an ninh quốc gia và là một phần quan trọng trong khả năng triển khai lực lượng của Mỹ trên khắp thế giới. Máy tính trên máy báy cho phép một phi công đồng thời “điều khiển" nhiều máy bay không người lái cùng một lúc, đồng thời chia sẻ dữ liệu với các máy bay chiến đấu trên không khác. B-21 sử dụng một thiết kế mở, cho phép bảo trì và cập nhật thông qua cập nhật phần mềm thay vì bảo trì vật lý như trước đây.
Các chiến lược gia rất trông đợi loại máy bay mới này, khoảng một nửa trong số 141 máy bay ném bom của không quân Mỹ là B-52, được sản xuất dưới thời Tổng thống John F. Kennedy. Ở khoảng cách xa, tên lửa hành trình có thể bị đánh chặn trong hành trình bay, nhưng chỉ cần một máy bay ném bom để di chuyển trong không phận đối phương, tìm, xác định và tấn công các mục tiêu đe dọa đến nước Mỹ.
Máy bay ném bom tàng hình B-21 mới được thiết kế để bay xa hàng nghìn km, vượt qua hệ thống phòng không của đối phương mà không bị phát hiện, có khả năng “dọn đường” cho quân đội Mỹ và đồng minh. Hiện chỉ có B-2 có thể làm được điều đó với số lượng không nhiều. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định vẫn còn quá sớm để biết được chính xác khả năng và độ hiệu quả của loại máy bay B-21 mới.