Không quân Mỹ muốn chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ 4,5 để thay thế F-16

Thay vì thay thế F-16 Fighting Falcon bằng F-35 Joint Strike Fighter như kế hoạch trước đây, Không quân Mỹ đang cân nhắc mua một máy bay chiến đấu hoàn toàn mới có tính năng tương đương thế hệ 4,5, được thiết kế và chế tạo bằng công nghệ kỹ thuật số mới với mức giá cạnh tranh hơn nhiều.

Từng quyết định thay thế F-16 bằng F-35 Joint Strike Fighter, nhưng vì chi phí của F-35 vẫn cao ngất ngưởng, Không quân Mỹ đang cân nhắc về việc mua một máy bay chiến đấu hoàn toàn mới để thay thế một phần số F-16 Fighting Falcon hiện có. Máy bay mới có thể sẽ không có khả năng tàng hình, nhưng có thể sở hữu nhiều tính năng khác của F-35. Lực lượng Không quân đang tiến hành một cuộc nghiên cứu sẽ hoàn thành vào năm 2023, về loại máy bay chiến thuật sẽ được sử dụng cho những năm 2020, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ C.Q. Brown gần đây đã tiết lộ tại một sự kiện truyền thông, theo Breaking Defense.

Không quân Mỹ đang cân nhắc thay thế F-16 bằng máy bay thế hệ 4,5 mới. Nguồn: nationalinterest.org

Không quân Mỹ đang cân nhắc thay thế F-16 bằng máy bay thế hệ 4,5 mới. Nguồn: nationalinterest.org

Ông Brown cho biết, Không quân sẽ xem xét “thiết kế mới” cho một máy bay chiến đấu “thế hệ thứ 4,5 hoặc thế hệ thứ 5” để thay thế trực tiếp những chiếc F-16 đang có trong trang bị. Đây là một tin tức gây tò mò, bởi Không quân Mỹ đã khẳng định trong nhiều thập kỷ rằng thay thế F-16 là máy bay tàng hình F-35A Joint Strike Fighter và cũng khẳng định sẽ không bao giờ mua thêm máy bay chiến đấu không tàng hình nữa. Mặc dù quan chức Không quân Mỹ không đề cập nguyên nhân chính tại sao Không quân sẽ phát triển một máy bay mới thay vì tiếp tục mua F-35, một lý do rõ ràng là chi phí.

F-35 ban đầu được quảng cáo vào năm 2001 với mức giá 50 triệu USD (73,2 triệu USD năm 2021). Giá của nó đã giảm đáng kể trong thập kỷ qua, từ gần 300 triệu USD mỗi chiếc đầu tiên xuống còn 77,9 triệu. Đơn giá của F-35 đã giảm, nhưng chi phí mỗi giờ để thực sự bay chiếc máy bay phản lực này vẫn cao ngất trời - khoảng 44.000 USD. Phi công của Lực lượng Không quân bay trung bình 200 giờ hoặc 350 giờ một năm trong thời gian triển khai, do đó, tốn khoảng từ 9 đến 15,7 triệu USD/phi công, mỗi năm. Một phi công với 1.000 giờ trong buồng lái ngốn 44 triệu USD - hơn một nửa chi phí của một máy bay chiến đấu mới.

Kể từ năm 2019, Không quân Mỹ và Lockheed Martin đã cố gắng giảm chi phí mỗi giờ xuống 25.000 USD, nhưng Lầu Năm Góc từ lâu đã tin rằng con số đó khó có thể đạt được. Không quân Mỹ cũng đã cảnh báo rằng nếu chi phí không giảm, họ có thể sẽ mua số lượng F-35 ít hơn. Lực lượng này có kế hoạch mua 1.763 chiếc F-35A, nhưng nếu cắt giảm đơn đặt hàng F-35, họ sẽ vẫn cần số máy bay tương đương để trang bị cho các phi đội của mình. Máy bay chiến đấu thế hệ “4,5” mà Brown đang nói đến sẽ là số máy bay đó. Tại sao Không quân không cân nhắc mua F-16 mới? Đó là một câu hỏi hay còn bỏ ngỏ.

Không quân đang mua những chiếc F-15 mới (F-15EX), và giống như người anh em lớn hơn của nó, doanh số bán hàng từ nước ngoài đã giữ cho F-16 liên tục được nâng cấp với công nghệ mới nhất. Máy bay đã được sử dụng động cơ, radar và vũ khí mới kể từ khi nó được ra mắt vào đầu những năm 1980, bổ sung thêm khoảng 5.000 pound thiết bị trong quá trình này. Lockheed Martin tự hào về phiên bản mới nhất - F-16V - được tích hợp công nghệ áp dụng cho cả F-22 Raptor và F-35 Joint Strike Fighter.

Brown nói với các phóng viên “muốn chế tạo một thứ gì đó mới và khác biệt, đó không phải là F-16 - có một số tính năng như vậy, nhưng đạt được điều đó nhanh hơn và sử dụng một số phương pháp tiếp cận kỹ thuật số của chúng tôi”. Quan chức Không quân Mỹ đang đề cập đến các công nghệ kỹ thuật số mới mà Lực lượng Không quân sử dụng gần đây để bí mật thiết kế, chế tạo và thử nghiệm một máy bay chiến đấu mới chỉ trong một năm, trong khi F-35 mất khoảng 13 năm để bay. F-16 có lẽ không có đủ các tính năng mà Không quân mong muốn.

Sự trỗi dậy của quân đội Trung Quốc và một nước Nga tái sinh đồng nghĩa với việc các nhà hoạch định phải tính đến một cuộc xung đột tiềm tàng ở châu Á-Thái Bình Dương hoặc châu Âu, tức là liên quan đến những khoảng cách xa. Một máy bay chiến đấu đồn trú tại Italy có thể phải bay hơn 1.000 dặm để tấn công các mục tiêu Nga ở châu Âu, hoặc một máy bay chiến đấu từ Guam có thể cần phải có khả năng đánh chặn máy bay ném bom của Trung Quốc ở cự ly tối đa, trước khi họ có thể phóng tên lửa siêu thanh.

Lý do F-35 bị mất điểm được cho là chi phí mua sắm và vận hành quá cao. Nguồn: wikipedia.org

Lý do F-35 bị mất điểm được cho là chi phí mua sắm và vận hành quá cao. Nguồn: wikipedia.org

F-35 có rất nhiều ưu thế, nhưng tầm xa không phải là một trong số đó. Thực hiện các nhiệm vụ như vậy, điều không thể tưởng tượng được khi F-35 được thiết kế lần đầu tiên, sẽ buộc nó phải được tiếp nhiên liệu từ các máy bay tiếp dầu trên không và mang theo các thùng nhiên liệu bên ngoài - điều sẽ giúp nó dễ dàng bị phát hiện hơn nhiều trên màn hình radar.

F-22 và F-35 được gọi là "máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5" chủ yếu là do chúng được tích hợp công nghệ tàng hình. Máy bay chiến đấu thế hệ "4,5" thường có nghĩa là máy bay chiến đấu không tàng hình với công nghệ thế hệ thứ 5 bên trong. Việc duy trì các lớp phủ và vật liệu tàng hình của máy bay phản lực là một lý do chính dẫn đến chi phí vận hành cao của F-35, do đó, việc bảo trì khả năng tàng hình sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều tiền.

Máy bay chiến đấu mới sẽ được tích hợp một số công nghệ chống radar, giống như máy bay chiến đấu tấn công F/A-18E/F Super Hornet, nhưng nó sẽ không có các đường thẳng và hình dạng góc cạnh của máy bay phản lực tàng hình. Máy bay chiến đấu thế hệ 4,5 sẽ lớn hơn F-16 để có thể cung cấp nguồn nhiên liệu bên trong lớn hơn. Phần còn lại của máy bay có khả năng sẽ có các thiết bị tương tự như F-35, bao gồm radar mảng pha quét điện tử tiên tiến, camera hồng ngoại 360 độ và khả năng chia sẻ dữ liệu với các máy bay, tàu chiến và các hệ thống khác của quân đội Mỹ.

Giống như F-16, máy bay mới sẽ có một động cơ duy nhất. Trong bối cảnh Không quân Mỹ có máy bay mới, vai trò của F-35 là gì? Không quân vẫn cần những chiếc F-35 để giúp quét sạch máy bay đối phương trên bầu trời và xuyên thủng hệ thống phòng không của đối phương, nhưng chi phí tổng thể cho máy bay chiến đấu có thể giảm đáng kể. Trong trường hợp Không quân Mỹ chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ 4,5 của mình thì không thể coi F-35 là một chương trình thành công./.

Theo Lê Ngọc/VOV

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/khong-quan-my-muon-che-tao-may-bay-chien-dau-the-he-4-5-de-thay-the-f-16/20210305081730663