Không quân Mỹ sẽ trang bị tên lửa siêu vượt âm tương lai vào năm 2022

Phát biểu trước báo giới, lãnh đạo Cục Hậu cần, Không quân Mỹ, Tướng Arnold Bunch cho biết, với tiến độ phát triển hiện tại, hai dòng tên lửa siêu vượt âm tương lai trang bị trên các máy bay ném bom chiến lược sẽ sẵn sàng vào năm 2022.

Tướng Arnold Bunch đưa ra tuyên bố trên để nhấn mạnh về triển vọng phát triển các dòng vũ khí siêu vượt âm tiên tiến đối trọng với Nga và Trung Quốc cho tới năm 2030. Cả hai chương trình vũ khí siêu vượt âm của Không quân Mỹ đều đã được phát triển từ lâu, nhưng tới gần đây quá trình này mới được đẩy nhanh.

“Chúng tôi đang nỗ lực phát triển các dòng vũ khí siêu vượt âm mới. Hiện tại đang có 2 chương trình là khả thi nhất và tôi có thể công khai chúng là: HCSW và ARRW (Hypersonic Conventional Strike Weapon và Air-Launched Rapid Response Weapon) - tạm dịch: Vũ khí chuyển đổi tấn công và vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không. Chúng tôi đã làm việc với Cơ quan phụ trách Các dự án tương lai (DARPA) để đẩy nhanh tiến độ phát triển”, ông Arnold Bunch cho biết.

 Hình ảnh mô phỏng của tên lửa siêu vượt âm HCSW.

Hình ảnh mô phỏng của tên lửa siêu vượt âm HCSW.

Theo các thông tin được công khai, các chương trình vũ khí HCSW và ARRW đều do Lockheed Martin phát triển. Trong vụ thử của dòng tên lửa ARRW với nguyên mẫu mang tên AGM-183A tiến hành hồi tháng 6-2019 được cho là thành công.

Cùng với các chương trình phát triển vũ khí siêu vượt âm mới của Không quân, Hải quân Mỹ hiện cũng có một số dự án vũ khí loại này phát triển độc lập để đáp ứng với yêu cầu chiến thuật riêng.

Với việc Nga công bố hàng loạt vũ khí siêu vượt âm tương lai vào năm 2018, cũng như việc Trung Quốc đang âm thầm phát triển dòng vũ khí tối tân này, Mỹ liên tiếp khởi động hàng loạt chương trình vũ khí để đối trọng.

 Nguyên mẫu tên lửa ARRW thừ nghiệm trên máy bay ném bom B-52H của Không quân Mỹ.

Nguyên mẫu tên lửa ARRW thừ nghiệm trên máy bay ném bom B-52H của Không quân Mỹ.

Theo phân loại vũ khí, vũ khí siêu vượt âm mới là dòng vũ khí có tốc độ bay gấp nhiều lần tốc độ âm thanh, thường là lớn hơn Mach 5 (gấp 5 lần tốc độ âm thanh) và có tầm hoạt động lớn hơn nhiều so với vũ khí truyền thống, có khả năng dẫn đường chính xác cao. Chính vì những yếu tố trên, vũ khí siêu vượt âm mới đòi hỏi công nghệ chế tạo vật liệu tổng hợp, khí động học, dẫn đường ở cấp độ rất cao. Nga được cho là đang dẫn đầu trong lĩnh vực vũ khí này nhờ kế thừa những kinh nghiệm tích lũy từ thời Liên Xô, cũng như tập trung phát triển trong thời gian dài.

TUẤN SƠN (theo DefenseTalk)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/khong-quan-my-se-trang-bi-ten-lua-sieu-vuot-am-tuong-lai-vao-nam-2022-603451