Không quân Mỹ thiếu động cơ dành cho máy bay F-22 Raptor

Trang tin quân sự Defense News đăng tải, Không quân Mỹ đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo khả năng sẵn sàng chiến đấu của máy bay F-22 Raptor do thiếu động cơ phản lực thay thế.

Theo đó, số giờ bay của các đơn vị máy bay F-22 đang giảm mạnh trong vài năm trở lại đây. Điều này xảy ra do các động cơ phản lực trên dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 này hao mòn nhanh hơn dự kiến. Trong khi đó, dây chuyền lắp ráp máy bay F-22 đã đóng cửa khiến nguồn cung phụ tùng và động cơ thay thế rất khó khăn. Để đảm bảo an toàn cho các chuyến bay của máy bay F-22, Không quân Mỹ buộc phải giảm số giờ bay.

 Thiếu phụ tùng thay thế, trong đó có động cơ khiến khả năng sẵn sàng chiến đấu của máy bay F-22 Raptor giảm mạnh.

Thiếu phụ tùng thay thế, trong đó có động cơ khiến khả năng sẵn sàng chiến đấu của máy bay F-22 Raptor giảm mạnh.

Lãnh đạo Không quân Mỹ cho biết, chỉ số an toàn bay của máy bay F-22 đang giảm dần theo thời gian. Nếu không có động cơ thay thế, các đơn vị máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 này có thể phải nằm đất. Để giải quyết vấn đề này, Không quân Mỹ dự kiến sẽ gửi đề nghị lên Quốc hội Mỹ cung cấp thêm nguồn tài chính để mua sắm động cơ phản lực mới cho máy bay F-22.

“Chúng tôi đang gặp khó khi giải quyết vấn đề thiếu động cơ máy bay. Nếu không được giải quyết sớm, vấn đề này sẽ sớm trở nên nghiêm trọng ngoài tầm kiểm soát”, đại diện Không quân Mỹ cho biết.

Máy bay chiến đấu F-22 sử dụng 2 động cơ phản lực Pratt & Whitney F119-PW-100. Dòng động cơ hai tầng nén này cung cấp lực đẩy tới 15,8 tấn. Tính tới thời điểm dây chuyền lắp ráp máy bay F-22 đóng cửa, đã có hơn 500 động cơ F119-PW-100 xuất xưởng bên cạnh số lượng động cơ được lắp đặt trên các máy bay F-22. Kể từ năm 2013 tới nay, thông tin về số lượng và tình trạng các động cơ F119-PW-100 hiện có không được công bố.

Không chỉ gặp vấn đề thiếu động cơ, các đơn vị máy bay F-22 còn gặp vấn đề ở quá trình bảo trì sau mỗi chuyến bay. Tình trạng trên xảy ra do quá trình bảo trì, bảo dưỡng các dòng máy bay thế hệ thứ 5 này quá phức tạp và tốn nhiều thời gian. Hiện tại, các máy bay F-22 đang có vấn đề với việc duy trì lớp phủ tàng hình để hoạt động. Lý do này khiến số lượng các máy bay F-22 ở chế độ sẵn sàng chiến đấu không đảm bảo so với yêu cầu. Theo con số thống kê năm 2019, các đơn vị máy bay chiến đấu F-22 của Không quân Mỹ chỉ đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu khoảng gần 70%.

 Quân đội Mỹ đang cân nhắc mở lại dây chuyền lắp ráp máy bay F-22 để đảm bảo khả năng chiến đấu của dòng máy bay này trong vài thập niên tới.

Quân đội Mỹ đang cân nhắc mở lại dây chuyền lắp ráp máy bay F-22 để đảm bảo khả năng chiến đấu của dòng máy bay này trong vài thập niên tới.

Không quân Mỹ đang gặp vấn đề với việc duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị không quân. Trong khi các máy bay cũ chưa thể được thay thế đặt gánh nặng về chi phí bảo trì, thì các dòng máy bay chiến đấu tương lai lại chưa đủ tin cậy. Vấn đề trên kết hợp với việc cắt giảm chi tiêu quốc phòng của Lầu Năm góc trong vài năm qua đã khiến khả năng sẵn sàng chiến đấu của các Không quân và Hải quân Mỹ không đảm bảo như yêu cầu.

TUẤN SƠN (theo Defense News)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/khong-quan-my-thieu-dong-co-danh-cho-may-bay-f-22-raptor-624440