Không quân Mỹ thử nghiệm bom thông minh diệt hạm Quicksink
Phòng thí nghiệm nghiên cứu Không quân Mỹ (AFRL) vừa đăng tải hình ảnh cuộc thử nghiệm thứ hai với loại bom thông minh diệt hạm mới, một lựa chọn chống hạm chi phí thấp cho máy bay.
“Quicksink (đánh chìm nhanh) là câu trả lời cho sự khẩn thiết phải vô hiệu hóa các mối đe dọa hàng hải. Lực lượng của chúng tôi đã tìm ra cách giải quyết các thách thức lớn nhất”, ông Tony Meeks, Giám đốc bộ phận trang bị vũ khí của AFRL cho biết ngày 29/4.
Theo thông báo, máy bay F-15E Strike Eagle đã thả một quả bom xuống mục tiêu. Loại bom được sử dụng là bom tấn công trực diện phối hợp (JDAM) GBU-31. Đoạn video về cuộc thử nghiệm cho thấy, trong vòng 30 giây, toàn bộ mục tiêu đã bị chìm xuống dưới.
Đây không phải là công nghệ thực sự mới, quả bom được sử dụng chỉ đơn giản là JDAM, một bộ kit nâng cấp bom thành bom thông minh dẫn đường. Khi áp dụng với một quả bom có khối lượng 2.000 pound (907kg) như quả bom được sử dụng trong cuộc thử nghiệm gần đây, vũ khí Quicksink có khả năng hủy diệt tàu của đối phương mạnh hơn nhiều loại vũ khí khác như tên lửa diệt hạm hay các loại ngư lôi phóng từ tàu ngầm.
Có thể so sánh với các loại vũ khí khác như tên lửa diệt hạm Harpoon, chỉ có thể mạng đầu đạn 488 pound (221kg). Tên lửa Exocet do Pháp sản xuất đánh chìm tàu khu trục HSM Sheffield của Hải quân Hoàng gia Anh ở ngoài khơi quần đào Falkland năm 1982 cũng chỉ mang đầu đạn 364 pound (165kg).
Vấn đề ở chỗ JDAM được thiết kế để tấn công các mục tiêu tĩnh trên mặt đất, chứ không phải một con tàu đang di chuyển trên biển. Trong thế chiến 2, bom trọng lực đã chứng minh khả năng đánh chìm những con tàu lớn như HMS Prince of Wales, nhưng sự ra đời của công nghệ phòng không tiên tiến hơn đã khiến các cuộc tấn công tầm xa bằng tên lửa trở thành giải pháp thích hợp để đánh chìm tàu chiến vào cuối thế kỷ 20./.