Không quân Nga bắt đầu đưa vào trang bị tổ hợp tên lửa S-350 Vityaz
Bộ Quốc phòng Nga thông báo, tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung thế hệ mới S-350 Vityaz đã chính thức được trang bị cho Không quân Nga. Vũ khí mới sẽ giúp tăng cường đáng kể khả năng đối phó với các mục tiêu bay thông thường của Quân đội Nga.
“Các tổ hợp S-350 tiên tiến đã được bổ sung vào kho vũ khí của Không quân Nga. Một số thành phần của S-350 hiện được triển khai tại Trung tâm huấn luyện phòng không gần Gatchina, vùng Leningrad”, Bộ Quốc phòng Nga công bố.
Trong quá trình huấn luyện bước đầu, lãnh đạo Không quân Nga nhận định, năng lực chiến đấu của tổ hợp S-350 tăng gấp đôi so với tổ hợp S-300PS cũ trang bị từ thời Liên Xô. Sau khu vực Leningrad, các tổ hợp S-350 mới sẽ được bàn giao cho khu vực quân khu trung tâm bảo vệ các trung tâm chính trị, khu công nghiệp quan trọng của nước Nga.
Quá trình phát triển S-350 được kéo dài từ đầu những năm 2000 tới nay. Căn cứ vào hình dạng bên ngoài có thể dễ dàng nhận ra S-350 được thừa hưởng nhiều công nghệ trong chương trình hợp tác giữa Nga và Hàn Quốc phát triển tổ hợp KM-SAM. Tổ hợp S-350 được giới thiệu chính thức tại Triển lãm quân sự Army-2019 tại Moscow.
Tổ hợp S-350 trong tương lai nằm trong thành phần hệ thống phòng không tích hợp của Quân đội Nga. Tổ hợp vũ khí này sử dụng đạn tên lửa 9M96 tầm bắn 120km và 9M100 tầm bắn 15km. Vai trò của S-350 là vũ khí phòng không phổ quát thay thế các tổ hợp S-300PM và PM cũ.
Với sự tiến bộ của công nghệ hiện đại, kết cấu đạn tên lửa và các thành phần chiến đấu của tổ hợp S-350 được thu gọn lại đáng kể. Điều này giúp tăng số lượng đạn tên lửa mang trên mỗi bệ từ 4 lên 12. Ngoài ra, khả năng tích hợp vào hệ thống chỉ huy hợp nhất giúp S-350 chính là mảnh ghép giúp hệ thống phòng không Nga bao phủ ở mọi độ cao, mọi khoảng cách.
Ngoài ra, việc tăng số lượng đạn tên lửa sẵn sàng chiến đấu trên mỗi bệ (96 đạn cho mỗi tiểu đoàn, thay vì 32 đạn như trên S-300PS) giúp S-350 tạo ra mật độ hỏa lực dày đặc và hiệu quả hơn so với các dòng tên lửa phòng không trước đó của Nga, đặc biệt là khi đối phó với chiến tranh bất đối xứng trong tương lai với việc sử dụng rộng rãi thiết bị bay không người lái và vũ khí thông minh.
Đơn giản hơn, đồng nghĩa với giá thành rẻ hơn cũng tạo ra lợi thế cho S-350. Nga hoàn toàn có khả năng sản xuất S-350 ở quy mô lớn để nhanh chóng thay thế cho các tổ hợp tên lửa phòng không S-300 cũ. Ngoài ra, giá thành rẻ cũng giúp S-350 có sức cạnh tranh lớn trên thị trường quốc tế, như tổ hợp S-400 đã tạo ra hiện nay. Nhiều quốc gia trên thế giới đã ngỏ ý quan tâm tới biến thể xuất khẩu của S-350.