Các quan chức tình báo Mỹ và các chuyên gia quốc phòng đang đau đầu để đưa ra lời giải thích cho việc không quân Nga tham gia rất hạn chế vào chiến dịch quân sự ở Ukraine, khi cuộc chiến tranh đã bước sang ngày thứ tám.
Trước đó, rất nhiều người dự kiến rằng các đơn vị không quân Nga sẽ đóng vai trò hàng đầu trong việc trấn áp hệ thống phòng thủ của Ukraine. Không quân Nga được cho là sẽ hoạt động liên tục, tiến hành không kích và ném bom các mục tiêu, cơ sở của quân đội Ukraine như ở Syria.
Chuyên gia quân sự Nga tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại Rob Lee nhận xét: “Có rất nhiều thứ Nga đang làm khiến tôi bối rối và không thể giải thích”. Tướng không quân Mỹ đã nghỉ hưu David Deptula cũng bày tỏ sự ngạc nhiên tương tự khi cho rằng Nga không nỗ lực để thiết lập sự thống trị trên không.
Có một số lời giải thích cho việc không quân Nga bị hạn chế hoạt động trong chiến dịch ở Ukraine, mặc dù tất cả đều dựa trên suy đoán. Một là Moscow có thể đang cố gắng thực hiện những tuyên bố chính thức của mình rằng, họ không xâm lược mà chỉ tiến hành một chiến dịch hạn chế trên lãnh thổ của nước láng giềng Ukraine.
Một số chuyên gia lại nghĩ rằng, Nga muốn truyền đạt một thông điệp tới các cuộc đàm phán rằng, quân đội Nga chỉ thực hiện một cam kết rất nhỏ như tuyên bố và có thể sẽ sử dụng các biện pháp cứng rắn hơn nếu các điều khoản của họ không được đáp ứng.
Có ý kiến lại cho rằng, Nga đang muốn chứng minh họ có thể tiến hành các hoạt động trên bộ thành công mà không cần tới nhiều sự hỗ trợ từ trên không và khi Nga sử dụng đến không quân tức là đang muốn gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến các quốc gia thành viên NATO láng giềng.
Việc hạn chế triển khai khí tài cũng xảy ra đối với các lực lượng mặt đất, khi quân đội Nga cũng đã hạn chế sử dụng xe tăng T-80U và T-90M. Ngoài ra, những hệ thống vũ khí cao cấp được Nga đưa ra mặt trận chỉ là tên lửa đạn đạo Iskander và tên lửa hành trình Kalibr, là những vũ khí được đưa vào sử dụng gần 20 năm và được sử dụng rất phổ biến.
Một lời giải thích khác cho rằng, Nga đang muốn kìm hãm sử dụng sức mạnh quân sự để tránh một cuộc đối đầu lớn hơn với các lực lượng NATO hoặc với các lực lượng Ukraine gần biên giới NATO, nơi có sự phản đối mạnh hơn đáng kể.
So với nỗ lực chiến tranh của Nga ở Syria, các lực lượng Nga được triển khai tới Ukraine không còn tinh nhuệ và có ít sự hỗ trợ trên không. Vẫn chưa rõ liệu Nga khi nào sẽ đưa những lực lượng mạnh hơn tham chiến, điều này sẽ phụ thuộc nhiều vào tình trạng đàm phán và tình hình trên chiến trường.
Trong khi đó vào ngày 2/3, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã vận chuyển một số lượng không xác định máy bay không người lái Bayraktar TB2 đến Ukraine, trong nỗ lực củng cố sức mạnh không quân Ukraine sau khi nước này chịu tổn thất đáng kể trong những ngày đầu giao tranh với Nga.
Các máy bay không người lái được cho là đã được chuyển giao qua Ba Lan bằng máy bay vận tải Airbus A400M của không quân Thổ Nhĩ Kỳ. Ukraine đã trang bị sáu máy bay không người lái Bayraktar từ Thổ Nhĩ Kỳ, ít nhất một nửa trong số đó đã bị mất tích trong chiến đấu cùng với phần lớn phi đội máy bay chiến đấu có người lái của nước này.
Cho đến nay, Ukraine là khách hàng lớn nhất của Bayraktar, nước này đã đặt hàng hơn 50 chiếc để bù đắp cho việc thiếu máy bay tấn công chính xác có người lái phù hợp cho các hoạt động tầm ngắn hoặc tầm trung.
Bayraktar TB2 là một nền tảng tấn công tương đối rẻ và có chi phí thấp, loại UAV này trước đây đã từng tham gia trận chiến ở tỉnh Idlib phía bắc của Syria, nơi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ duy trì sự hiện diện bất hợp pháp và đã giao chiến với các lực lượng quân đội Syria đang tìm cách giành lại lãnh thổ của họ vào đầu năm 2020.
Máy bay Bayraktar TB2 đã bị chỉ trích rất nhiều vì khả năng sống sót bị đánh giá là rất thấp, thực tế đã chứng minh khi chiếc máy bay này gặp tổn thất nặng nề khi đối đầu với hệ thống phòng không tương đối khiêm tốn của Syria.
Trong hoàn cảnh các căn cứ không quân bị tàn phá nghiêm trọng, cùng với các phi đội máy bay chiến đấu còn ít khả năng chiến đấu, thì việc sử dụng UAV Bayraktar TB2 vẫn là lựa chọn phù hợp với tình hình Ukraine hiện tại. Nguồn ảnh: Pinterest.
Thái Hòa