Không quân Nga nhận tiêm kích MiG-35S trước thời hạn
Một lô máy bay chiến đấu đa năng MiG-35S đã được đưa vào biên chế trong Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga (VKS).
Thông tin nói trên được nêu trong báo cáo của Bộ Quốc phòng Nga và đăng tải trên báo Krasnaya Zvezda.
Lưu ý rằng các máy bay chiến đấu được chế tạo cho VKS như một phần của đơn đặt hàng quốc phòng cấp nhà nước, trong khi đó tờ báo không nói rõ có bao nhiêu máy bay đã được bàn giao cho quân đội. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng MiG-35S đã được giao trước thời hạn.
Buổi giới thiệu máy bay chiến đấu MiG-35 - được tạo ra trên cơ sở MiG-29K/KUB và MiG-29M/M2, đã diễn ra vào tháng 1/2017. Vào tháng 8/2018, Bộ Quốc phòng Liên bang Nga đã ký hợp đồng với Tập đoàn chế tạo Máy bay Thống nhất (UAC) về việc cung cấp 6 chiếc MiG-35S và MiG-35UB sản xuất loạt đầu tiên. Tổng cộng, chương trình vũ khí cấp nhà nước sẽ mua tổng cộng 24 tiêm kích MiG-35 với thời hạn giao hàng đầy đủ vào năm 2027.
MiG-35 là tiêm kích đa năng thế hệ 4 ++ mới nhất, áp dụng nhiều công nghệ máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, nó được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu trên không, cũng như trên mặt đất vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày và trong mọi điều kiện thời tiết.
Tiêm kích MiG-35 được trang bị động cơ mới có khả năng kiểm soát luồng phụt 3 chiều với lực đẩy tăng lên, đi kèm hệ thống tiếp nhiên liệu trên không và có khả năng tự thực hiện vai trò của một máy bay tiếp dầu.
Trọng lượng cất cánh tối đa của tiêm kích là 24.500 kg, tải trọng lớn nhất 6,5 tấn. Tốc độ 2.100 km/h, lực đẩy tối đa 18.000 kgf. Trần bay thực tế được công bố là 16.000 mét, tầm bay 3.000 km.
MiG-35 có 9 điểm treo bên ngoài và một khẩu pháo 30 mm tích hợp, vũ khí trang bị bao gồm tên lửa không đối không ở nhiều tầm bắn khác nhau, tên lửa không đối đất, bom dẫn đường, tên lửa không điều khiển và bom hàng không trọng lượng lên đến 500 kg.
Việc Không quân Nga tiếp nhận các tiêm kích MiG-35S thuộc lô sản xuất hàng loạt còn là chất xúc tác để những khách hàng quốc tế tự tin hơn trong việc đặt hàng những chiến đấu cơ này, chấm dứt tình trạng "ế ẩm" của chúng.