Không quân Trung Quốc có thể hưởng lợi thế nào từ xung đột Nga - Ukraine?

Xung đột ở Ukraine đang gây ra những thách thức đối với ngành công nghiệp máy bay của Nga, nhưng điều này có thể tạo cơ hội cho Trung Quốc tiếp cận các công nghệ hàng không tiên tiến mà Moskva từ chối cung cấp trước đây.

Máy bay ném bom chiến lược H-6K của Trung Quốc. Ảnh: asianmilitaryreview.com

Máy bay ném bom chiến lược H-6K của Trung Quốc. Ảnh: asianmilitaryreview.com

Đó là nhận định của hai chuyên gia: Jhao-kai Jheng, Thạc sĩ về quan hệ quốc tế tại Đại học Đài Loan (Đài Loan/Trung Quốc), và Lin (Kirin) Pu, nghiên cứu sinh Tiến sĩ khoa học chính trị tại Đại học Tulane, trên trang Diplomat.com mới đây.

Theo hai nhà phân tích trên, sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, các nước phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt quy mô lớn nhằm kiểm soát xuất khẩu, khiến Nga không thể sản xuất khí tài quân sự tiên tiến phục vụ xuất khẩu vũ khí.

Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Trung Quốc đã tăng cường sức mạnh không quân chiến lược của họ thông qua việc mua lại vũ khí từ các quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Đặc biệt sau cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1996, ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương là ưu tiên hàng đầu của quân đội Trung Quốc (PLA), trong đó máy bay ném bom chiến lược được coi là chìa khóa để Bắc Kinh áp dụng chiến thuật Chống xâm nhập/tiếp cận (A2/AD) đối với khu vực. Ví dụ, máy bay Tu-22M3M Backfire do Nga sản xuất đã được Trung Quốc nâng cấp với trang bị tên lửa siêu thanh, có thể khiến khả năng phòng thủ của hạm đội hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương kém hiệu quả hơn.

Do đó, các nước phương Tây lo ngại rằng Trung Quốc có thể mua được Tu-22M , Tu-95 Bear và Tu-160 Blackjack, vốn là "xương sống" sức mạnh không quân chiến lược của Nga/Liên Xô. Tuy nhiên, đến nay Trung Quốc vẫn dựa vào các biến thể H-6, phiên bản lỗi thời của Tu-16 Badger, do cả Nga và Ukraine đều hạn chế bán vũ khí chiến lược này cho Trung Quốc.

Xây dựng lực lượng không quân chiến lược cũng là một phần trong cái gọi là “Giấc mộng Trung Hoa" của Trung Quốc. Bắc Kinh cho rằng “Giấc mộng Trung Hoa” cần được hỗ trợ bởi “Sức mạnh quân sự vượt trội”, nghĩa là không quân Trung Quốc (PLAAF) sẽ trở thành một lực lượng chiến lược hiện đại hóa vào năm 2035 và tầm cỡ thế giới vào năm 2050.

Sau nhiều năm hiện đại hóa, Trung Quốc đã đạt được những ưu thế trên không nhất định kể từ khi phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, nhưng lại hạn chế về máy bay ném bom và khả năng tấn công chính xác. Để khắc phục điều này, Trung Quốc đang phát triển đồng thời các máy bay ném bom tầm xa và tầm trung; một loại có thể đóng vai trò của một máy bay ném bom chiến lược tàng hình và một loại khác sẽ tương tự như Tu-22M với vai trò đối phó với các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ.

Tuy nhiên, vấn đề động cơ vẫn là một thách thức khi Bắc Kinh phát triển máy bay thế hệ tiếp theo, vốn làm hạn chế khả năng chế tạo máy bay ném bom chiến lược của Trung Quốc. Một khi Trung Quốc có thể nâng cấp năng lực chế tạo để sản xuất máy bay ném bom thế hệ tiếp theo, nước này có thể thay đổi cán cân quân sự trong khu vực và gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các tài sản quân sự của Mỹ. Do đó, nếu Trung Quốc có thể tiếp cận các công nghệ hàng không vũ trụ nhạy cảm của Nga, PLAAF có thể "đi tắt, đón đầu" trong việc xây dựng sức mạnh không quân chiến lược.

Ngành công nghiệp vũ khí Nga suy giảm và cơ hội của Trung Quốc

Cuộc xung đột ở Ukraine hiện đang gây khó khăn cho Nga trong việc phát triển máy bay thế hệ tiếp theo. Mặc dù máy bay chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga, nhưng việc thiếu kinh phí khiến các ngành công nghiệp máy bay gặp thách thức trong việc hỗ trợ các chương trình đang phát triển. Ví dụ, máy bay ném bom tàng hình thế hệ tiếp theo của Nga, Tupolev PAK DA, đang phải vật lộn với nguồn lực hạn chế và các chương trình đang được triển khai khác như MIG-41, Su-75 và A-100 cũng trong hoàn cảnh tương tự.

Xung đột ở Ukraine và căng thằng với phương Tây có thể là động lực để Nga và Trung Quốc tăng cường hợp tác quốc phòng. Ảnh: Reuters

Xung đột ở Ukraine và căng thằng với phương Tây có thể là động lực để Nga và Trung Quốc tăng cường hợp tác quốc phòng. Ảnh: Reuters

Mặt khác, cuộc xung đột trên cũng đánh dấu sự kết thúc của việc mua bán vũ khí Trung Quốc - Ukraine, khiến Bắc Kinh không có lựa chọn nào khác, ngoại trừ Nga. Trung Quốc đã thất bại trong việc mua lại công ty động cơ phản lực Motor Sich của Ukraine do áp lực của Mỹ vào năm ngoái và các cuộc không kích đã phá hủy nhà máy của họ ở Zaporizhzhia vào tháng 8 năm nay, khiến việc tiếp quản tiềm năng của Trung Quốc là khó khả thi. Hơn nữa, mối quan hệ chặt chẽ hiện tại giữa Kiev và NATO sẽ ngăn cản Trung Quốc tiếp cận công nghệ quân sự của Ukraine và khiến Nga trở thành lựa chọn duy nhất với Trung Quốc.

Đối với Nga, các hợp đồng mua bán vũ khí với Trung Quốc từng giúp duy trì ngành công nghiệp quốc phòng gần như sụp đổ của Moskva sau khi Liên Xô tan rã. Mặc dù doanh số bán vũ khí Trung Quốc - Nga đã thu hẹp kể từ năm 2006, cuộc khủng hoảng Crimea năm 2014 đã làm sống lại quan hệ hợp tác quân sự song phương giữa hai nước. Sau khi bị các lệnh trừng phạt và cô lập từ phương Tây, Nga đã chấp thuận bán máy bay chiến đấu Su-35 và hệ thống phòng không S-400 tiên tiến nhất của mình cho Trung Quốc để có nguồn thu và thậm chí là hỗ trợ về ngoại giao. Việc bán vũ khí và chuyển giao công nghệ sau đó về tàu ngầm, trực thăng và hệ thống radar cảnh báo sớm đã tác động đến cán cân quân sự khu vực ở châu Á.

Lần này, do cuộc xung đột ở Ukraine, xuất khẩu vũ khí của Nga đã giảm mạnh do các khách hàng tiềm năng, ví dụ như Ấn Độ, tạm dừng các hợp đồng mua bán vũ khí với Moskva. Vì vậy, có thể Nga sẽ cần cung cấp các thiết bị tiên tiến hơn để thu hút Trung Quốc lấp đầy khoảng trống trên thị trường đang ngày càng bị thu hẹp.

Ngoài ra, ngành công nghiệp hàng không vũ trụ đang suy giảm của Nga khó có thể đối phó với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của phương Tây. Chẳng hạn, NATO quyết định tăng số lượng F-35 ở châu Âu từ 450 chiếc lên 550 chiếc vào năm 2030, trong khi Nga chỉ sản xuất 16 chiếc Su-57 trong 10 năm qua. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng lo ngại rằng nước này có thể bị bao vây bởi hơn 300 chiếc F-35 ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong thập kỷ tới. Thách thức chung này đang tạo cơ hội quan trọng để hai nước hợp tác quân sự sâu sắc hơn.

Tóm lại, theo các chuyên gia Đài Loan trên, trong cuộc xung đột Nga - Ukraine đang diễn ra, Trung Quốc đã phần nào giúp củng cố nền kinh tế Nga trước các lệnh trừng phạt của phương Tây. Thương mại song phương tăng 29% trong nửa đầu năm nay. Trong các ngành công nghệ cao, Nga cũng đang phải chuyển sang Trung Quốc để sản xuất vi mạch và giúp xây dựng lại lĩnh vực công nghệ của chính mình. Đổi lại, Moskva có thể sẵn sàng cung cấp cho Bắc Kinh các thiết bị hoặc công nghệ hàng không vũ trụ mà Trung Quốc muốn có từ lâu, bao gồm cả máy bay ném bom chiến lược và động cơ phản lực, vốn đã bị Nga từ chối trước đây.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Thediplomat.com)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ho-so-quan-su/khong-quan-trung-quoc-co-the-huong-loi-the-nao-tu-xung-dot-nga-ukraine-20221018165802948.htm