'Không quốc gia nào có thể đứng ngoài tiến trình chuyển đổi số'
Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng và Triển lãm trực tuyến Thế giới số 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, công cuộc chuyển đổi số để xây dựng một thế giới số không phải của riêng một quốc gia, tổ chức, cá nhân nào; và cũng không một quốc gia, tổ chức, cá nhân nào có thể đứng ngoài tiến trình chuyển đổi số của nhân loại.
Sau 50 năm được tổ chức với tên gọi ITU Telecom, tối nay, 12/10, sự kiện tầm cỡ quốc tế này đã được tổ chức với tên gọi mới theo sáng kiến của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng - Hội nghị Bộ trưởng và Triển lãm trực tuyến Thế giới số 2021 (ITU Digital World 2021).
Trong buổi lễ khai mạc trang trọng tại Hà Nội, Việt Nam, được livestream trên toàn thế giới, sự kiện ITU Digital World 2021 chào đón các đại biểu cấp cao từ khu vực công và tư, cũng như của ngành thông tin truyển thông với sự tham gia của 158 quốc gia, 32 bộ trưởng, 8 thứ trưởng và 90 diễn giả quốc tế.
Phát biểu tại lễ khai mạc Triển lãm Thế giới số 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số đánh giá cao và trân trọng cảm ơn Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) và các nước thành viên đã tích cực hợp tác với Việt Nam để tổ chức sự kiện quan trọng này theo hình thức trực tuyến.
Thủ tướng đánh giá cao việc Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ động, tích cực cùng Liên minh Viễn thông Quốc tế tổ chức sự kiện này lần thứ hai theo hình thức trực tuyến, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp. "Tôi đề nghị các tổ chức doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, đồng hành cùng Chính phủ các nước vượt qua khó khăn, chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt để phục hồi phát triển kinh tế", Thủ tướng nhấn mạnh.
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị Bộ trưởng ITU với Chủ đề “Cùng nhau xây dựng thế giới số”, Thủ tướng chia sẻ một số quan điểm và ưu tiên hợp tác như sau:
Thứ nhất, công cuộc chuyển đổi số để xây dựng một thế giới số không phải của riêng một quốc gia, tổ chức, cá nhân nào; và cũng không một quốc gia, tổ chức, cá nhân nào có thể đứng ngoài tiến trình chuyển đổi số của nhân loại. Đây là vấn đề toàn cầu nên cần phải có cách tiếp cận toàn cầu, góp sức toàn cầu. Hợp tác quốc tế về chuyển đổi số, nhất là trong ITU phải hướng đến mục tiêu xây dựng một thế giới số xanh hơn, toàn diện hơn, công bằng hơn cho tất cả mọi người và tất cả các quốc gia.
Thứ hai, chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là một quá trình thay đổi sâu rộng toàn bộ các hoạt động kinh tế - xã hội. Chính phủ các nước cần phải định hướng, dẫn dắt quá trình này để chuyển đổi số có hiệu quả, phát huy cao nhất những giá trị mới của không gian số trong mọi mặt đời sống xã hội.
Thứ ba, sự dẫn dắt định hướng của nhà nước cần đi đôi với sự năng động, hiệu quả của thị trường. Vì vậy, hợp tác giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân rất cần được khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi.
Thứ tư, chuyển đổi số phải lấy người dân là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu của sự phát triển. Quá trình này chỉ thực sự thành công khi mỗi người dân tích cực tham gia và được thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Bởi vậy, vai trò dẫn dắt của Chính phủ cũng như các sáng kiến, kế hoạch hợp tác trọng tâm của ITU phải hướng tới mục tiêu này để không ai bị bỏ lại phía sau.
Thứ năm, thế giới số phải được xây dựng trên cơ sở bảo đảm chủ quyền số và an toàn, an ninh mạng. ITU cần phát huy mạnh mẽ hơn vai trò là một tổ chức chuyên ngành của Liên hợp quốc trong việc định hình khuôn khổ quốc tế về chủ quyền số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
Từng bước vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, Việt Nam đang nỗ lực không ngừng tự đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi số trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục là thành viên tích cực, chủ động và là thành viên có trách nhiệm của Liên minh Viễn thông Quốc tế; luôn đồng hành, hợp tác cùng các quốc gia, các tổ chức, doanh nghiệp để xây dựng thế giới số. Việt Nam mong muốn hợp tác cùng các nước thúc đẩy kinh tế số, xã hội số, nhất là hợp tác chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực quản lý hiện đại và thu hút đầu tư chất lượng cao.
“Tất cả chúng ta đang hiện diện ở đây hãy cùng hành động, kết nối, sẻ chia, tăng cường đoàn kết, cùng nhau xây dựng tương lai số tiến bộ, an toàn và thịnh vượng; góp phần cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên thế giới”, Thủ tướng kêu gọi.
Phát biểu trực tiếp tại buổi lễ, Tổng thư ký ITU Houlin Zhou khẳng định tầm quan trọng của hợp tác đa phương góp phần đưa công nghệ thông tin – truyền thông vươn tới và mang lại lợi ích cho nhiều người nhất. Ông kêu gọi chính phủ và ngành ở mọi nơi giúp kết nối khoảng 3,7 tỷ người trên thế giới vẫn chưa được kết nối.
“Cùng nhau, chúng ta sẽ mang lại những bước nhảy vọt trong thực hiện lời hứa kết nối những người chưa được kết nối vào năm 2030”, ông nói
“Tinh thần hợp tác đa phương là trung tâm của mọi sự kiện, hoạt động và quy trình của ITU. Từ nay đến tháng 12, chúng tôi mời các nhà lãnh đạo công - tư đến chia sẻ kinh nghiệm và kỳ vọng tại các phiên trực tuyến trong sự kiện mới nhất tới đây trong chuỗi sự kiện Telecom có lịch sử 50 năm, ITU Digital World 2021”, ông cho biết.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số nói: "Gần 2 năm qua, Covid-19 đã tạo ra cho chúng ta rất nhiều khó khăn và thách thức. Covid-19 rồi cũng sẽ qua đi. Nhưng quan trọng là ai sẽ tận dụng được cơ hội mà Covid-19 mang lại, ai sẽ là người thích ứng nhanh, kịp thời thay đổi để vượt lên với sức sống mạnh mẽ hơn".
Trong tiến trình này, điều cốt yếu là nhanh chóng chuyển hoạt động lên môi trường số. Với chuyển đổi số thì một tháng Covid-19 có thể bằng nhiều năm. Chính vì thế, Hội nghị Bộ trưởng và các hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ sự kiện năm nay đều tập trung thảo luận các chính sách, giải pháp đẩy nhanh chuyển đổi số.
Đại dịch Covid-19 đặt ra yêu cầu phải tập trung hơn cho phát triển nhanh và bền vững. Phát triển nhanh và bền vững thì giải pháp phù hợp nhất trong giai đoạn hiện nay là phát triển xanh và phát triển số, vì nó tiêu tốn ít tài nguyên nhất. Các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng tập trung chủ yếu cho phát triển xanh và số. Đổi mới sáng tạo thì cũng chủ yếu là trong lĩnh vực xanh và số. Phát triển xanh và phát triển số có thể coi là sự phát triển chủ đạo của nửa đầu thế kỷ 21. ITU và 193 nước thành viên cần thúc đẩy hợp tác với trọng tâm là các giải pháp số thân thiện môi trường, thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng miền, cộng đồng dân cư.
"Chúng tôi nhấn mạnh cam kết chuyển đổi số bền vững thông qua việc tổ chức sự kiện kỷ niệm đặc biệt này, có sự góp mặt của các nhà lãnh đạo chính phủ và ngành nghề, trình diễn các loại công nghệ mới nhất. Với các quốc gia trên khắp thế giới, ITU Telecom đại diện cho việc triển khai công nghệ bao trùm để thu hẹp khoảng cách số", Bộ trưởng nói.
Diễn đàn trực tuyến bao gồm loạt các hội nghị, hội thảo chuyên đề (từ tháng 9 đến tháng 11) và Hội nghị Bộ trưởng (12-14/10) hướng tới chủ đề chung “Cùng nhau xây dựng thế giới số”, theo 3 trụ cột: Hạ tầng cần thiết để chuyển đổi số; Đầu tư và tạo điều kiện chuyển đổi số thông qua chính sách; Các tác nhân chính cho chuyển đổi số.
Hội nghị Bộ trưởng trực tuyến sẽ được tổ chức trong 3 ngày từ 12-14/10 với sự tham gia của các Bộ trưởng trên khắp thế giới các chủ đề: Cắt giảm chi phí mạng truy nhập nhằm tăng tốc chuyển đổi số; Đẩy mạnh phát triển hạ tầng: vai trò của chính phủ trong chuyển đổi số; Số hóa cuộc sống thường nhật: các dịch vụ công và nội dung định hướng chuyển đổi số.
* Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Thư ký ITU Houlin Zhou.
Tại buổi tiếp, Thủ tướng bày tỏ, Việt Nam mong muốn ITU tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò điều phối, dẫn dắt các nước, các khu vực tăng cường hợp tác về xây dựng thế giới số, bảo đảm an toàn an ninh mạng. Các nước cũng mong chờ ITU sẽ có những khuyến nghị về khuôn khổ và quy tắc ứng xử trên các nền tảng số để bảo vệ lợi ích của các nước thành viên ITU và quyền lợi của người dân, doanh nghiệp.
Việt Nam đặt ưu tiên cao cho việc khai thác mọi tiện ích của công nghệ số nhằm nâng cao chất lượng sống cho người dân; sẵn sàng cùng ITU khởi xướng và tổ chức triển khai hiệu quả các sáng kiến nâng cao kỹ năng số cho người dân. Thủ tướng cảm ơn Tổng Thư ký ITU đã ủng hộ và tạo điều kiện cho Việt Nam tham gia, triển khai nhiều sáng kiến hợp tác với ITU...
Tổng Thư ký ITU đánh giá cao sự phát triển vượt bậc của ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam thời gian qua; cảm ơn sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam với sự phát triển của ngành công nghệ thông tin và ITU Digital World 2021; cho biết sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ và thúc đẩy các hoạt động hợp tác với Việt Nam...