Không quy hoạch đúng đắn, 'thung lũng Silicon Ấn Độ' trả giá bằng ngập lụt nặng
Bengalulu là trung tâm công nghệ thông tin (IT) hàng đầu của Ấn Độ, nhưng thành phố này đang phải đối mặt với tình trạng ngập lụt nặng nề khi mưa lớn.
Vào những năm 1990, Bengalulu là một thành phố có nhiều ao đầm, vườn cây và khí hậu mát mẻ, nhưng nơi này nhanh chóng trở thành "Thung lũng Silicon" của Ấn Độ, thu hút hàng triệu nhân công và là nơi đặt trụ sở của một số công ty công nghệ thông tin (IT) lớn nhất thế giới.
Nhưng vì không có quy hoạch đúng đắn đã khiến Benhaluru phải trả giá, theo Reuters ngày 15.9.
Không còn không gian xanh ở Bengaluru
Vô số tòa nhà xây bằng bê-tông đã xóa bỏ các không gian xanh, và các công trình xây dựng ven các hồ nước đã chặt đứt sự kết nối với các con kênh, làm hạn chế khả năng thoát nước của thành phố.
Các không gian xanh có thể giúp hút và tạm thời trữ nước mưa do bão gây ra, giúp bảo vệ các vùng đô thị.
Vào đầu những năm 1970, hơn 68% diện tích đất ở Bengaluru là những vườn rau. Nhưng đến cuối những năm 1990, mảng xanh của thành phố đã giảm còn 45% và từ năm 2021 giảm còn 3% trên tổng diện tích 741 km2, theo một phân tích của ông T.V. Ramachandra ở Viện Khoa học Ấn Độ (IISC) tại Bengaluru.
“Nếu xu hướng này vẫn tiếp tục thì từ năm 2025, 98, 5% diện tích Bengaluru sẽ phủ đầy bê-tông”, theo ông Ramachandra, một thành viên của Trung tâm Khoa học Môi trường thuộc IISC.
Theo các chuyên gia, sự mở mang đô thị quá nhanh, thường là các công trình xây dựng trái phép, đã tác động xấu đến gần 200 hồ ao của Bengaluru và mạng lưới kênh rạch kết nối với các hồ ao này.
Vì thế, khi mưa to làm ngập lụt toàn thành phố, hệ thống thoát nước không thể thoát kịp, nhất là ở các vùng thấp như khu công nghệ Yemalur.
Nước lụt ngập tới hông người, kỹ sư triệu phú di chuyển bằng xe máy cày
Khu ngoại ô Yemalur từng là một vùng có nhiều ao đầm, nơi người dân có thể đánh bắt cá nước ngọt. Nhưng các hồ ao này đã bị lấp để xây dựng các công ty công nghệ, và vùng này trở thành khu công nghệ Yemalur.
Tuần trước, sau những trận mưa lớn nhất trong lịch sử từ hàng hàng chục năm qua, người dân Yemarlur ở bị ngập tới hông, và nước lụt gây gián đoạn cho ngành IT ở phía nam Bengaluru.
Vào mùa khô, người dân cũng ngán ngẩm với tình trạng kẹt xe liên tục và thiếu nước sinh hoạt. Nhưng ngập lụt vào mùa mưa đã lại đặt dấu hỏi về tính bền vững của việc phát triển đô thị quá nhanh, nhất là khi thời tiết ngày càng trở nên thất thường và cực đoan vì biến đổi khí hậu.
“Rất buồn. Không còn cây cối, các công viên gần như biến mất. Giao thông thì chật như nêm”, là lời phàn nàn của Harish Pullanoor về tình trạng cơ sở hạ tầng hiện nay của khu công nghệ Yemalur.
Pullanoor từng ở Yemalur nhưng nay sống ở thành phố Mumbai (miền tây Ấn Độ) nơi cũng có những trận lụt lớn như nhiều đô thị lớn khác ở Ấn Độ.
Các doanh nghiệp lớn cũng phàn nàn về tình trạng kẹt xe ngày càng trầm trọng làm gián đoạn của chuỗi cung ứng hàng hóa, khiến họ bị tổn thất hàng chục triệu USD/ngày.
Bengaluru có khoảng 3.500 công ty IT, và 79 “công viên công nghệ” là nơi đặt trụ sở và có các khu vực giải trí, quán ăn phục vụ cho nhân viên công nghệ.
Nhưng sau những trận mưa tuần trước làm ngập các đường cao tốc, các nhân viên phải lội nước vào những khu nhà trong và quanh khu công nghệ Yemalur, nơi đặt trụ sở của nhiều tập đoàn đa quốc gia, cùng với các công ty khởi nghiệp lớn của Ấn Độ.
Các kỹ sư triệu phú thuộc nhóm người phải ngồi xe máy cày, để trốn khỏi các phòng khách ngập nước và các phòng ngủ ướt át.
Các công ty bảo hiểm ước tính sơ bộ rằng sự thiệt hại nhà cửa phải lên tới hàng triệu rupee ở Bengaluru.
Trận lụt vì mưa như thác tuần trước đã gây ra tình trạng giao thông hỗn loạn khắp thành phố Bengaluru, và gây lo ngại cho ngành IT Ấn Độ trị giá 194 tỉ USD, tập trung quanh thành phố này.
“Ấn Độ là trung tâm công nghệ cấp toàn cầu, và bất kỳ sự gián đoạn nào ở đây sẽ tác động đến khắp thế giới. Bengaluru là trung tâm của ngành IT, sẽ không là ngoại lệ của sự tác động này”, đó là nhận định của K.S.Viswanathan, Phó chủ tịch nhánh vận động hàng lanh công nghiệp của Hiệp hội Quốc gia các Công ty Phần mềm và Dịch vụ (NASSCOM).
NASSCOM hiện đang xác định 15 thành phố mới có thể trở thành trung tâm xuất khẩu phần mềm.
Ông Viswanathan là chủ nhiệm dự án này nói rằng: “Đây không phải là chuyện thành phố đấu với thành phố. Đất nước chúng tôi không muốn bỏ lỡ nguồn doanh thu cùng các cơ hội làm ăn chỉ vì không có cơ sở hạ tầng”.
Thậm chí, ngay trước khi xảy ra các trận lụt, một số nhóm doanh nghiệp đã cảnh báo cơ sở hạ tầng không hợp lý ở Bengaluru có thể khiến các công ty rời đi.
Trong nhóm này có Hiệp hội các công ty đường vành đai ngoài (ORRCA) vốn có sự lãnh đạo của các ông lớn Intel, Goldman Sachs, Microsoft và Wipro.
Tổng giám đốc ORRCA Krishna Kumar nói về những vấn nạn cơ ở hạ tầng của khu Bengaluru: “Chúng tôi đã bàn về các vấn đề này từ nhiều năm qua. Và bây giờ, chúng tôi đều chung một cảnh ngộ”.
“Nước tới chân” mới bàn cách xử lý chống ngập
Chính quyền bang Karnataka quản lý Bengaluru, hồi tuần trước thông báo đã chi 3 tỉ rupee Ấn Độ (37,8 triệu USD) để giúp chống ngập, gồm di dời các cơ ngơi xây trái phép, cải thiện hệ thống thoát nước và kiểm soát mực nước ở các hồ.
Thủ hiến bang, ông Basavaraj Bommai nói: “Tất cả các hành vi lấn chiếm sẽ bị xóa sổ mà không có sự khoan dung nào. Chính tôi sẽ đi kiểm tra”.
Chính quyền bang đã xác định khoảng 50 khu vực thuộc Bengaluru đã xây dựng trái phép, gồm những biệt thự cao cấp và các chung cư.
Chính quyền bang cũng tuyên bố sẽ lập một cơ quan điều hành giao thông ở Bengaluru, và đã bắt đầu bàn về một dự án thoát nước dọc theo một đường cao tốc lớn.
Nhà khoa học Ramachandra ở IISC nói: “Chỉ đến khi ngập lụt, người ta mới đem ra bàn luận cách xử lý. Bengaluru đang suy tàn, đang giãy chết”.