Không sa ngã, không bị cám dỗ
Ngày 11/3/1948, trong thư gửi Giám đốc Công an Khu XII, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu sáu nội dung về 'Tư cách người Công an cách mệnh'.
Đó là:
“Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.
Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.
Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.
Đối với Nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.
Đối với công việc, phải tận tụy.
Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”.
Sáu lời dạy của Bác với lực lượng Công an Nhân dân (CAND), đã trở thành kim chỉ Nam, thành điều tâm niệm với mỗi cán bộ chiến sĩ CAND mọi thế hệ.
Ngày 6/3, tại lễ kỷ niệm 75 năm CAND học tập, thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy và 75 năm ngày truyền thống xây dựng lực lượng CAND, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, lễ kỷ niệm này là việc làm cần thiết, thể hiện lòng thành tưởng nhớ đến “công lao trời biển” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng là dịp để cán bộ công an tự soi, tự sửa lại mình. Một lần nữa, lời dạy của Bác với người Công an Cách mạng được Tổng Bí thư nhắc lại: “Mỗi chiến sĩ phải hiểu sâu, phải luôn ghi nhớ, thấm nhuần và thực hiện cho bằng được chứ không chỉ học thuộc lòng, học vẹt để rồi không hiểu hết”.
Tại lễ kỷ niệm, những lời dạy của Bác được Tổng Bí thư nhấn mạnh, lực lượng công an cần cụ thể hóa sáu điều Bác Hồ dạy thành những chuẩn mực, đạo đức cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra. Mỗi công an phải thường xuyên “tự soi, tự sửa”, tự tu dưỡng, rèn luyện; đặc biệt thực hiện lời huấn thị “đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính”. “Đây là đạo đức trong hành động, là ứng xử trong mọi mối quan hệ mà ai cũng gặp hằng ngày”, Tổng Bí thư nói, “Công an phải luôn rèn luyện, tu dưỡng, giữ mình thật trong sạch, vững vàng; không sa ngã trước sự mua chuộc, lôi kéo của các phần tử xấu, lợi ích nhóm và không bị cám dỗ về những danh lợi tầm thường”.
Những năm qua công tác đấu tranh phòng chống tội phạm đã đạt kết quả cao; chất lượng điều tra, phá án ngày càng tăng. Lực lượng công an đã chứng minh là “thanh bảo kiếm” ngày càng sắc bén hơn, là “lá chắn” ngày càng vững chắc hơn. Có những nghi án tưởng chừng sẽ rất khó làm, thậm chí có người nghĩ “không dám làm”, nhưng thực tế tất cả những vi phạm đều đã bị đưa ra trước ánh sáng, bị xử lý theo pháp luật với tinh thần tất cả đều công bằng trước luật pháp. Có được những điều đó, là công sức đóng góp không nhỏ của lực lượng CAND.
Và để công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm ngày càng hiệu quả hơn, những người thực thi pháp luật càng cần phải có “bàn tay sạch”. Đó cũng là điều Tổng Bí thư nhấn mạnh, khi ông nói thời gian tới, ngành công an cần kiên quyết đấu tranh đẩy lùi tư tưởng suy thoái chính trị và đạo đức lối sống; việc phòng chống tham nhũng cần thấm nhuần tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không bị tác động bởi bất kỳ ai trong hoàn cảnh nào. Thực tế thời gian qua, thậm chí cả những nghi án mà một số cán bộ công an có liên quan, cũng bị ngành công an kiên quyết xử lý; làm dư luận càng thêm tin yêu lực lượng bảo vệ sự bình yên của cuộc sống; cũng là động lực để mỗi cán bộ chiến sĩ công an nhân dân ngày càng tâm niệm “giữ mình trong sạch; không sa ngã; không bị cám dỗ về những danh lợi tầm thường”.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/khong-sa-nga-khong-bi-cam-do-post468621.html