'Không siết tín dụng bất hợp lí': Có vướng phải gỡ vướng, linh hoạt tạo hiệu quả
Tại 'Hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững' chiều 14/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định 'không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lí'. Đây là cách tiếp cận phù hợp với điều kiện của nền kinh tế hiện tại.
Quyết định thể hiện sự lắng nghe của Chính phủ
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường bất động sản (BĐS) trong giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng. Đặc biệt, trước những lo ngại về việc siết vốn vào thị trường BĐS, Thủ tướng khẳng định “không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lí”.
Từ đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước theo dõi, kiểm soát, cơ cấu lại tín dụng với bất động sản theo nguyên tắc sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro cho thị trường, với “nghệ thuật điều hành mềm dẻo, linh hoạt, có hiệu quả”.
Thủ tướng nêu rõ, Ngân hàng Nhà nước phải chỉ đạo, hướng dẫn các nhà băng tiếp tục cho vay với lĩnh vực bất động sản đúng quy định, đủ tính pháp lí; ưu tiên cho vay với các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân đã được cấp phép và khởi công xây dựng để tạo nguồn cung cho thị trường.
Là một trong những chuyên gia trực tiếp tham dự hội nghị, TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cho thấy sự lắng nghe ý kiến nhiều chiều trong đó có giới chuyên gia.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định "không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lí". (Ảnh: Hoàng Hà)
Ông đánh giá cao hướng tiếp cận của người đứng đầu Chính phủ với tinh thần “có vướng mắc thì phải gỡ vướng” trong bối cảnh Việt Nam đang cần phục hồi nhanh để tận dụng cơ hội trỗi dậy. Đặc biệt, cách gỡ về tín dụng BĐS, với việc hướng dòng tiền tiền tới những doanh nghiệp tốt, dự án tốt, đầy đủ tính pháp lí được TS Trần Đình Thiên nhận định là hợp lí, căn cứ vào tình hình thực tiễn.
Ở góc độ khác, TS Cấn Văn Lực, ngay tại hội nghị đã bày tỏ: “Tôi rất đồng tình với phát biểu ban đầu của Thủ tướng là đảm bảo kinh tế vĩ mô thì mới ổn định thị trường này và ngược lại”, TS Lực nói.
Ông khẳng định yêu cầu cần xốc lại thị trường BĐS bởi tính lan tỏa lớn của lĩnh vực này. Theo tính toán sơ bộ, có tới 35 ngành nghề, lĩnh vực liên quan trực tiếp và gián tiếp tới BĐS. Đáng chú ý nhất là 4 ngành lớn có liên quan trực tiếp là xây dựng, tài chính ngân hàng, dịch vụ ăn uống, du lịch, đóng góp khoảng 28,8% GDP năm 2019.
“Tinh thần chỉ đạo cần phải được thể hiện thành cơ chế thực tiễn”
Sau hội nghị, TS Trần Đình Thiên cho rằng, tinh thần của Thủ tướng Chính phủ về gỡ vướng cho BĐS cần được quán triệt trong hành động của từng bộ ngành như Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính… “Tinh thần chỉ đạo cần phải được thể hiện thành cơ chế vận động thực tiễn”, vị chuyên gia góp ý.
Đặc biệt, theo ông, đây là việc cần làm nhanh, đi kèm với những cam kết mạnh mẽ của từng cơ quan để thực sự tạo được niềm tin cho doanh nghiệp, thị trường và nền kinh tế.
Tinh thần chung lúc này được ông nhấn mạnh là phục hồi nền kinh tế và “đừng quá lo ngại về lạm phát mà đánh mất thời cơ”. Theo vị chuyên gia, Việt Nam đang có đà tốt khi giữ được lạm phát ở mức thấp, ổn định kinh tế vĩ mô. Bởi thế, Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng thời cơ để “trỗi dậy”.
Riêng về tín dụng BĐS, TS Cấn Văn Lực, nêu số liệu cho thấy, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 20,6% tổng dư nợ của nền kinh tế. Mức này tương đương với Philippines, nhưng thấp hơn so với nhiều nền kinh tế như Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ…
“Tôi biết rằng dư địa của chúng ta để cho vay bất động sản vẫn còn dư địa, đặc biệt cho vay nhà ở, đây là chủ trương chúng ta cần thúc đẩy trong thời gian tới”, ông Lực lên tiếng.
Góp ý về quản lí thị trường BĐS trong thời gian tới, TS Võ Trí Thành cảnh báo, công tác này phải đảm bảo sự cân bằng, không thiên lệch hay “chỉ thấy rủi ro, đầu cơ”. Khẳng định quan điểm “không siết tín dụng BĐS”, theo ông, việc chọn lọc vốn cần dựa theo những đánh giá của từng phân khúc bất động sản, nhu cầu thực của người dân và xã hội, phân biệt các vấn đề phức tạp, khó khăn của một số dự án điển hình, một số dự án lớn.
Về dài hạn, giới chuyên gia đều đồng thuận, cần có giải quyết liệt để điều tiết cung-cầu, trong đó đặc biệt là khẩn trương tháo gỡ rào cản pháp lí để khơi thông thị trường BĐS cũng như giảm thiểu rủi ro “domino” khi động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế gặp khó khăn.