Không sợ 'kẻ thù giấu mặt'!
Đừng sợ hãi khi các loại vắc-xin ngừa Covid-19 và thuốc điều trị Covid-19 hiệu quả đang ra mắt liên tục. Con người ngày càng hiểu biết hơn về virus SARS-CoV-2, nghĩa là đang làm chủ cuộc chiến với kẻ thù giấu mặt
Nhà tôi ở quận Gò Vấp - TP HCM, cuối tuần này là đã thực hiện giãn cách xã hội đủ 3 tháng, đều theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 (Chỉ thị 16). Vào ngày 31-5, khi toàn thành phố thực hiện lệnh giãn cách theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27-3-2020, riêng Gò Vấp và một phường của quận 12 phải theo Chỉ thị 16. Rồi tiếp đó liên tục là 16, 16+, nay tiếp tục đến ngày 15-9.
Tình người ngời sáng
Hơn 90 ngày là rất dài để "ai ở đâu, ở yên đó". Nếu không kiếm một việc gì đấy mà làm, không tìm cách để bận rộn thì kinh khủng quá! May có internet để còn giao tiếp với xã hội. Facebook và các mạng xã hội khác thực sự lên ngôi với đủ mọi trạng thái hỉ nộ ái ố, fake news cũng tràn lan.
Rồi may mà có giải bóng đá Euro 2020 (mà thực ra là 2021, cũng vì con virus SARS-CoV-2), may mà có Olympic Tokyo 2020 (2021), rồi Giải Ngoại hạng Anh tưng bừng trên truyền hình… Xem những giải thể thao này, con người có cảm giác ảo rằng mình cũng đang chơi thể thao, dù trên tivi!
Thì cứ tưởng tượng vậy đi, cho khỏe mạnh! Trên hết, là sự cảm phục châu Âu, Nhật Bản trong đại dịch với biến thể Delta chết chóc, vẫn tổ chức được những giải thể thao lớn như vậy và vẫn rất thành công. Kính phục người Nhật vẫn tiến hành một Olympic rất đặc biệt nhưng cũng chỉ có hơn 100 vận động viên mắc Covid-19. Kính phục người Anh vẫn tổ chức giải bóng đá ngoại hạng mà trên khán đài đầy ắp khán giả không khẩu trang, hò reo cuồng nhiệt!
Họ đã gửi cho tất cả chúng ta thông điệp rằng con người đã và sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19, với vắc-xin và chỉ có vắc-xin, để trong tương lai rất gần phải sống chung với SARS-CoV-2 trong tình trạng bình thường mới.
"Giãn cách xã hội" - người TP HCM nghe cụm từ này đều "ớn lạnh" nhưng đó là biện pháp ngăn chặn dịch lây lan mà nhiều quốc gia đã áp dụng để phòng dịch Covid-19. Giãn cách là sự cách ly vật lý giữa người với người, với cộng đồng mà lịch sử dịch tễ học thế giới đã chứng minh sự hiệu quả của nó, có từ đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 (làm hơn 50 triệu người chết)!
Giãn cách chắc chắn làm cho sinh hoạt con người trở nên bức bách. Cứ mỗi lần gia hạn giãn cách, mọi người bấn cả lên. Chuỗi cung ứng hàng hóa có khi đứt gãy… Dễ hiểu, vì chưa có tiền lệ, vì quy mô dịch quá lớn. Nhưng giãn cách cũng là lúc tình người ngời sáng. Biết bao tấm lòng nhân ái nở rộ, chia sẻ với những người yếu thế trong xã hội. Có cả những "tấm lòng Bồ Tát" như anh Cường "béo" ở quận 1, chấp nhận mọi rủi ro về mình để lo cho người nghèo. Soi vào họ, thấy mình bé nhỏ làm sao.
Người TP HCM sống nghĩa tình, ở đâu có thiên tai địch họa, người TP HCM đi trước lo cho bà con cô bác. Nay TP HCM "bệnh nặng", khắp nơi gửi hàng "viện trợ" nghĩa tình. Nhìn nông dân Quảng Trị, Nghệ An, Lâm Đồng, Đà Nẵng… góp từng trái bí, trái cà, con cá gửi cho đồng bào mình, ai mà chẳng rưng rưng.
Không thể sống cô lập
Hôm TP HCM công bố số ca F0 kỷ lục, có thể lấp đầy một bệnh viện dã chiến, số người tử vong tăng chóng mặt, cả thành phố như trĩu xuống bởi "bóng ma Covid".
Không gian như nén lại, chỉ còn nỗi buồn u uất. Tôi chợt nhớ một đoạn trong tiểu thuyết "Trăm năm cô đơn" của nhà văn người Colombia G.Garcia Marquez, đoạn đôi tình nhân già cắm cờ vàng lên tàu (cờ báo hiệu dịch tả - bối cảnh tiểu thuyết là những năm 1860, có trận dịch tả giết chết hàng trăm triệu người), chạy lên chạy xuống trên biển Caribe để đừng ai dám tới, để hai người tự do yêu nhau. Chi tiết lạ lùng này oái oăm thay lại chỉ một cuộc tình vĩ đại.
Với "Trăm năm cô đơn", với một cốt truyện, phong cách huyền ảo, Marquez dựng nên một ngôi làng sống biệt lập, ở đó không một người dân nào sống quá 30 tuổi và câu chuyện hoang đường, những người có đuôi, có người bay lên trời không trở lại…! Cuộc sống quẩn quanh, bế tắc và cuối cùng ngôi làng bị xóa sổ. Marquez muốn nhắn nhủ rằng con người hãy sống đúng bản chất người trong tổng hòa các mối quan hệ xã hội của mình, không thể sống cô lập!
Thông điệp đó đến bây giờ thế giới cũng nhận ra. Con người, kể cả quốc gia không thể sống chỉ riêng cho mình. Bộ tộc Yanomami (Brazil) sống biệt lập gần như hoàn toàn với thế giới, giữa rừng rậm Amazon xa xôi cũng không thể "trốn" khỏi SARS-CoV-2, khi vừa ghi nhận ca dương tính đầu tiên là một cậu bé 15 tuổi!
Năm ngoái, khoảng 20 người dân tộc Mày (một nhánh thuộc dân tộc Bru - Vân Kiều ở tỉnh Quảng Bình), dắt díu nhau vào rừng sâu trốn dịch nhưng không ai có thể từ bỏ thế giới cộng sinh cùng tồn tại này. Nhiều cuộc thiên di đầy bất trắc đã diễn ra. Thậm chí có người chấp nhận đi bộ, xe đạp vượt hàng trăm km "di biến động" về quê tránh dịch, trong túi chỉ có vài chục ngàn đồng! Họ vẫn đi…
Đêm 16-8, nhìn bức ảnh đồng bào nằm la liệt bên lề đường vì không qua được chốt kiểm dịch, tôi không ngủ được! Lạy trời đừng mưa để đồng bào khỏi ướt, trong đó có những đứa bé hồn nhiên theo cha mẹ "di biến động".
Những hình ảnh người dân hai bên đường tiếp tế lương thực thực phẩm, công an dẫn cả đoàn người ào ạt ngược về hướng Bắc. Xót qua!́.
Hơn bom nguyên tử
Xin nói chút về chuyện chống dịch để thấy rằng Việt Nam hoàn toàn có thể chống dịch tốt.
Nhớ năm 2003, dịch SARS - Hội chứng hô hấp cấp tính do virus SARS gây ra, bùng nổ ở 26 quốc gia, trong đó có Việt Nam, có thể lây qua đường không khí, gây lo ngại toàn cầu. Bấy giờ, Việt Nam là quốc gia đầu tiên được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận là nước khống chế dịch SARS đầu tiên trên thế giới, dù trả giá khá đắt khi có 6 y, bác sĩ phải chết vì dịch, chưa kể bác sĩ "tử vì đạo" Carlo Ubani - chuyên gia dịch tễ của WHO.
Virus SARS-CoV-2 vốn không não, trọng lượng siêu nhỏ. GS Ron Milo tại Viện Khoa học Weizmann (Israel) và đồng tác giả Ron Sender tính toán mỗi người mắc Covid-19 mang khoảng 10-100 tỉ hạt SARS-CoV-2 ở thời kỳ đỉnh điểm. Ông và cộng sự nhận định: "Xem xét từ bối cảnh lớn hơn trong lịch sử, một quả bom nguyên tử chứa chưa tới 100 kg vật liệu phân hạch đã giết chết bao nhiêu người. Trong khi đó, với khối lượng từ 0,1 đến 10 kg, SARS-CoV-2 đã giết chết bao nhiêu người"!
Nói vậy để biết với khối lượng SARS-CoV-2 hiện tồn tại trong cơ thể loài người, sự tàn phá hơn hẳn một quả bom nguyên tử từng tàn phá Nhật Bản khủng khiếp trong chiến tranh thế giới lần thứ 2. Nhưng đừng sợ hãi! Vì Covid-19 tấn công con người nhưng dù thương vong rất lớn, dù phải vất vả chống đỡ thì con người vẫn có thể chiến thắng, nếu không thì cũng có thể hoàn toàn sống chung với nó.
Nhiều loại virus đang tiến hóa, nhiều loại virus độc lại biến chủng liên tục, như thách thức trí tuệ con người. Con người vốn thông minh, các loại vắc-xin ngừa Covid-19 đang ra mắt liên tục, nhiều loại vắc-xin thế hệ mới đang được nghiên cứu; nhiều loại thuốc điều trị Covid-19 hiệu quả đang và chuẩn bị "xuất xưởng". Không việc gì phải sợ hãi thái quá khi mà nhiều loại bệnh khác như ung thư, tim mạch, tiểu đường, cả cúm mùa… vẫn có tỉ lệ người tử vong còn cao hơn Covid-19! Đừng sợ hãi khi con người ngày càng hiểu biết nhiều hơn về virus SARS-CoV-2, có nghĩa là đang làm chủ "cuộc chiến tranh" với kẻ thù giấu mặt!
Hôm rằm tháng 7 Vu Lan, mùa xá tội vong nhân, trước một ngày TP HCM thực hiện 2 tuần giãn cách nghiêm ngặt, tôi chạy một vòng Gò Vấp để mua một ít hàng hóa cho cả nhà 4 miệng ăn. Tôi thử kiếm một bình hoa huệ trắng để về cúng rằm. Cầm bó hoa, tôi chảy nước mắt. Bình thường chưa chắc tôi cúng rằm này, có khi quên mất, về thắp nén nhang là xong nhưng nay tôi phải cúng nghiêm túc, vì những đồng bào đã không qua khỏi "lưỡi hái tử thần" mang tên SASR-CoV-2…
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/khong-so-ke-thu-giau-mat-20210828205027692.htm