Không so sánh, tạo áp lực cho học sinh tiểu học

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT quy định đánh giá học sinh tiểu học, có hiệu lực từ ngày 20-10-2020.

Quy định đánh giá học sinh tiểu học được áp dụng bắt đầu với lớp 1 từ năm học 2020-2021; đối với lớp 2 từ năm học 2021-2022; đối với lớp 3 từ năm học 2022-2023; đối với lớp 4 từ năm học 2023-2024 và đối với lớp 5 từ năm học 2024-2025.

Theo đó, học sinh tiểu học vẫn được đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, đánh giá định kỳ bằng điểm số kết hợp với nhận xét. Một trong những yêu cầu của việc đánh giá học sinh tiểu học là coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện, giúp học sinh phát huy nhiều nhất khả năng, năng lực; không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh.

Việc đánh giá định kỳ với các môn học, hoạt động giáo dục được thực hiện vào giữa học kỳ I, cuối học kỳ I, giữa học kỳ II và cuối năm học theo các mức: Hoàn thành tốt, hoàn thành, chưa hoàn thành.

Nội dung đáng chú ý là Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT đã cụ thể hóa việc viết trên giấy khen nhằm khắc phục hạn chế, tiêu cực về việc khen thưởng. Theo đó, vào cuối năm học, hiệu trưởng tặng danh hiệu Học sinh xuất sắc hoặc danh hiệu Học sinh tiêu biểu hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện cho những học sinh thực sự xuất sắc và xứng đáng, được tập thể lớp công nhận.

Cụ thể, danh hiệu Học sinh xuất sắc được trao cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức hoàn thành xuất sắc; danh hiệu Học sinh tiêu biểu hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện được trao cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức hoàn thành tốt, đồng thời có thành tích xuất sắc về ít nhất một môn học hoặc có tiến bộ rõ rệt ít nhất một phẩm chất, năng lực; được tập thể lớp công nhận.

Thông tư cũng bổ sung hình thức “thư khen” trong hoạt động khen thưởng học sinh. Cụ thể, cán bộ quản lý và giáo viên có thể gửi thư khen cho những học sinh có thành tích, cố gắng trong quá trình học tập, rèn luyện phẩm chất, năng lực hoặc có những việc làm tốt nhằm động viên kịp thời học sinh có thành tích, cố gắng trong quá trình học tập, rèn luyện hoặc có những việc làm tốt.

Thống Nhất

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-duc/977925/khong-so-sanh-tao-ap-luc-cho-hoc-sinh-tieu-hoc