Không sử dụng hình thức kỷ luật học sinh thiếu tính sư phạm

Mặc dù quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc giáo viên không được sử dụng hình thức kỷ luật, phê bình học sinh trước lớp, trước trường đã có hiệu lực từ đầu tháng 11-2020, nhưng mới đây, sự việc nữ sinh lớp 10 ở thị xã Tân Châu (An Giang) có ý định tự tử sau khi bị bêu tên trước trường cho thấy vẫn còn một số trường áp dụng hình thức kỷ luật thiếu tính sư phạm để trừng phạt học sinh khi mắc lỗi.

Mặc dù quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc giáo viên không được sử dụng hình thức kỷ luật, phê bình học sinh trước lớp, trước trường đã có hiệu lực từ đầu tháng 11-2020, nhưng mới đây, sự việc nữ sinh lớp 10 ở thị xã Tân Châu (An Giang) có ý định tự tử sau khi bị bêu tên trước trường cho thấy vẫn còn một số trường áp dụng hình thức kỷ luật thiếu tính sư phạm để trừng phạt học sinh khi mắc lỗi.

Những thay đổi trong giáo dục về cách thức phê bình, kỷ luật khi học sinh mắc lỗi trong học tập, rèn luyện đang được dư luận đánh giá có tác động tích cực, khi tránh được những tổn thương về tâm lý học sinh khi bị phê bình, nêu tên trước tập thể. Tuy nhiên, sau hơn một tháng thực hiện, sự việc đáng tiếc xảy ra tại Trường THPT Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu (An Giang) mới đây khiến một nữ sinh có ý định tự tử, để lại thư tuyệt mệnh với lý do em đã phải chịu hình thức kỷ luật nêu tên trong giờ chào cờ trước toàn trường. Mặc dù sức khỏe nữ sinh này đang hồi phục, nhưng theo các chuyên gia tâm lý, tổn thương tinh thần đối với nữ sinh này sẽ còn lâu dài và nhất là việc lấy lại niềm tin của em vào thầy, cô giáo, nhà trường sẽ không dễ dàng.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, nguyên Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội phân tích, giáo viên trường này vẫn giữ quan điểm khi học sinh mắc lỗi thì chỉ có cách kỷ luật theo kiểu trừng phạt, cụ thể là học sinh phải tự kiểm điểm, bị nêu tên trước toàn trường, mà không biết khi kỷ luật học sinh theo hình thức đó thì nhà trường đã vi phạm quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân học sinh. Sự cố này cũng là lúc để các trường cảnh tỉnh và tăng cường công tác tâm lý, nắm bắt tâm tư học trò để có hình thức ứng xử phù hợp, không đẩy học trò vào những tình huống đau lòng tương tự như với nữ sinh Trường THPT Vĩnh Xương. Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh, việc cần làm nhất thời điểm này là nhà trường, gia đình và xã hội cần tích cực phối hợp giúp nữ sinh trở lại trường, để em sớm hòa nhập lại với việc học tập và cuộc sống hằng ngày.

Cô Chu Thị Xuân Hường, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Định (quận Hoàng Mai) cho biết, trước khi có Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT bỏ quy định về việc phê bình, nêu tên học sinh trước tập thể trường hoặc lớp, Trường THCS Tân Định đã triển khai sớm cách thức kỷ luật tích cực, bởi thực tế cho thấy, cùng với sự thay đổi về mức độ nhận thức, phát triển tâm lý của học sinh hiện nay thì những hình thức phê bình, kỷ luật cũ đã không còn thích hợp, hơn nữa còn rất dễ gây ra những tổn thương tâm lý, dẫn tới hành động phản ứng khó lường từ phía học sinh.

“Tôi cho rằng, phần lớn thầy, cô giáo, nhà trường đều đã ý thức rất rõ về tác hại của việc dùng hình thức kỷ luật cũ như nêu tên trước toàn trường, phê bình trước tập thể lớp để trừng phạt với những học sinh mắc lỗi. Bên cạnh đó, nhà trường đặc biệt chú trọng việc tư vấn tâm lý cho các em ngay khi các em có bất kỳ biểu hiện không bình thường nào. Càng sớm nắm bắt tâm lý, giải quyết khúc mắc cho các em thì càng hạn chế được những vi phạm, những phản ứng tiêu cực ở lứa tuổi học sinh phổ thông. Riêng với trường hợp xảy ra tại Trường THPT Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu (An Giang) lần này cho thấy, vẫn còn có thầy, cô giáo chưa thật sự quan tâm đến học trò, vẫn còn duy trì cách xử phạt không phù hợp và đã gây nên hậu quả khó lường. Ngoài ra cũng phải đề cập tới mối quan hệ nhà trường và gia đình. Nếu có sự phối hợp tích cực, thường xuyên thì sự việc xảy ra sẽ không đến mức nghiêm trọng như vậy” - cô giáo Chu Thị Xuân Hường chia sẻ.

Nhấn mạnh về việc chấn chỉnh công tác tư vấn tâm lý trong trường học, thầy Nguyễn Quốc Bình, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) cho biết, sự việc đáng tiếc đối với ngành giáo dục lần này cho thấy các trường cần rà soát lại công tác quản lý và hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh. Ngoài ra, các em rất cần được cung cấp thông tin về các kênh tiếp nhận thông tin, giải quyết tình huống bất cập khi các em gặp phải ở trường, ở gia đình, mà không biết chia sẻ, xin giúp đỡ từ đâu. Việc công khai đường dây nóng, tiếp nhận, xử lý kịp thời các trường hợp vướng mắc của học sinh là điều rất cần triển khai rộng khắp để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra khi các em chưa đủ hiểu biết, kiến thức để giải quyết tình huống nảy sinh trong các mối quan hệ bạn bè, nhà trường…

THẾ HẢI

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tranghanoi-tin-chung/khong-su-dung-hinh-thuc-ky-luat-hoc-sinh-thieu-tinh-su-pham-628121/