Không sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản

BP - Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực thủy sản có hiệu lực thi hành từ hôm nay (5-7), thay thế Nghị định số 103/2013/NĐ-CP. Điểm đáng chú ý trong nghị định này là việc xử phạt hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản. Và, mức phạt cao nhất với người vi phạm trong khai thác thủy sản là 1 tỷ đồng. Ngoài phạt tiền, người có hành vi dùng điện để đánh bắt thủy sản còn bị tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện và ngư cụ.

Trong những năm qua, tình trạng khai thác, đánh bắt thủy sản bằng cách tận diệt diễn ra ở nhiều nơi, dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nguồn thủy sản của đất nước. Bình Phước là địa phương có hàng chục ngàn héc ta mặt nước tự nhiên từ các ao hồ, lưu vực sông có thể khai thác nguồn lợi thủy sản. Người dân đánh bắt và gắn bó với nghề khai thác thủy sản của tỉnh có khoảng gần mười ngàn, chưa kể lực lượng lao động làm công thời vụ. Tuy vậy, tình trạng đánh bắt thủy sản theo kiểu hủy diệt môi sinh diễn ra khá phổ biến trên các hồ chứa lớn như Thác Mơ, Cần Đơn, Phước Hòa và hồ Srok Phu Miêng... Hiện nay đã vào mùa mưa nên sông, suối, ao hồ được tích đầy nước và nhiều loại cá đang sinh sôi. Tuy vậy, nhiều nơi lượng cá ngày càng ít bởi cách đánh bắt bằng xung điện. Việc đánh bắt bằng kích điện, thuốc nổ sẽ tận diệt nguồn tôm cá và làm mất cân bằng sinh thái thủy sinh. Mặc dù đã bị cấm nhưng một số người vẫn bất chấp, tự chế ra các thiết bị chích cá nhỏ gọn để qua mặt lực lượng chức năng. Không chỉ tác động xấu đến môi trường và nguồn lợi thủy sản, loại hình đánh bắt bằng xung điện còn gây nguy hiểm đến tính mạng con người, bởi chỉ cần một chút bất cẩn là xảy ra hậu quả khôn lường. Trên địa bàn tỉnh những năm trước đã có một số trường hợp chết người thương tâm do đánh cá bằng xung điện trên các lòng hồ thủy điện.

Đánh bắt thủy sản bằng kích điện, xung điện không phải là vấn đề mới mà đã diễn ra từ nhiều năm nay. Tình trạng này là hệ quả của việc coi thường pháp luật, thái độ chủ quan, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng của chính mình và môi trường tự nhiên xung quanh. Từ thực trạng đó đặt ra yêu cầu cấp bách đối với các cơ quan chức năng, ngoài tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân thì phải kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm. Để hạn chế và đi đến chấm dứt tình trạng đánh bắt cá theo kiểu tận diệt, thời gian qua cơ quan chức năng của tỉnh Bình Phước đã kêu gọi người dân không dùng xung điện, kích điện đánh bắt cá. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra xử lý triệt để các trường hợp khai thác thủy sản trái quy định trên các hồ chứa đã được tăng cường.

Theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, đối với việc xử phạt hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản tại địa phương thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp xã. Do đó, khi phát hiện người có hành vi dùng điện để đánh bắt cá thì người dân cần báo ngay với UBND cấp xã nơi xảy ra vi phạm để chính quyền tiến hành lập biên bản vi phạm và ban hành quyết định xử phạt theo pháp luật. Nghị định số 42/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm ngăn chặn và xử lý những hành vi hủy hoại nguồn thủy sản. Tuy nhiên, hơn hết mỗi người dân cần nhận thức rõ hơn những hiểm họa từ xung điện, kích điện và không sử dụng ngư cụ này để khai thác thủy sản để bảo vệ, phát triển nguồn thủy sản tự nhiên và bảo vệ tính mạng của chính mình.

Thanh Hà

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/khong-su-dung-xung-dien-danh-bat-thuy-san-583515