Không tăng học phí đại học công lập năm học 2023 - 2024

Chính phủ yêu cầu chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí (HP) theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP (gọi tắt NĐ81) và không tăng HP các trường đại học (ĐH) trong hệ thống công lập (CL) năm học 2023 - 2024. Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) sẽ phối hợp với các bộ, ngành đề xuất giải pháp hỗ trợ để các trường bù phần thâm hụt, khắc phục khó khăn, duy trì điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo.

Sửa đổi NĐ81 liên quan đến học phí

Ngày 31/7, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 300/TB-VPCP về kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo nghị định (NĐ) sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ81 ngày 27/8/2021 của Chính phủ. Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GD-ĐT tiếp thu ý kiến đại biểu dự họp, thống nhất với các bộ có liên quan để hoàn thiện dự thảo NĐ sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ81 về cơ chế thu, quản lý HP đối với cơ sở GD thuộc hệ thống GD quốc dân và chính sách miễn, giảm HP, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực GD-ĐT, theo hướng quy định rõ một số điều khoản về việc chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý HP theo NĐ81 và không tăng HP năm học 2023 - 2024.

Theo NĐ81, học phí ĐH năm nay dự kiến tăng 10% - 20% so với trước. Trước đó, căn cứ NĐ81, các trường đại học công lập (ĐHCL) lần lượt công bố mức HP dự kiến áp dụng cho năm học 2023 - 2024. Theo đó, từ năm học 2023 - 2024 học phí ĐHCL sẽ tăng với tất cả các loại hình đào tạo. Trường CL chưa tự chủ tăng dao động từ 12 - 24,5 triệu đồng/năm học 10 tháng; các trường CL tự bảo đảm chi thường xuyên được thu 24 - 49 triệu đồng/năm, trường tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư thu 30 triệu đến hơn 61 triệu đồng/năm. Thực tế cho thấy HP càng tăng thì cơ hội để con em người dân bình thường khó chen chân vào các trường công.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 05/8, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, mục tiêu của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội nên không tăng HP để giảm gánh nặng cho người dân có con em đi học. Thực hiện tinh thần chỉ đạo này, Bộ GD-ĐT sẽ hoàn thiện lại dự thảo NĐ81, xin ý kiến các bộ ngành để trình Chính phủ.

Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, nhìn tổng thể về tài chính (TC) GD nói chung, tài chính ĐH nói riêng, HP chỉ là một nguồn (với giáo dục ĐH là nguồn thu chính hiện nay) và chính sách HP cũng chỉ là một trong nhiều chính sách liên quan. Theo Thứ trưởng, giáo dục đại học (GDĐH) có sứ mệnh thực hiện 1 trong 3 đột phá chiến lược, nhân lực phát triển bền vững, lĩnh vực chịu tác động rất lớn của dịch bệnh và không tăng HP 3 năm qua.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Hoàng Minh Sơn phát biểu tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 05/8. Ảnh: TTXVN

Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Hoàng Minh Sơn phát biểu tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 05/8. Ảnh: TTXVN

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với các bộ, ngành đề xuất giải pháp hỗ trợ để các trường (nhất là các trường tự bảo đảm chi thường xuyên) bù phần thâm hụt, khắc phục khó khăn để duy trì các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, thực hiện tốt sứ mệnh. Thực tế hiện nay các trường ĐH công cũng trông chờ sự hỗ trợ đó.

Các trường đại học công lập lệ thuộc nhiều vào nguồn thu học phí

Lãnh đạo một số trường ĐHCL cho biết, đến thời điểm này nếu mức HP dự kiến tăng của năm nay không thực hiện, có nghĩa các trường đều quay lại mức HP của giai đoạn trước đại dịch (năm 2020); trong khi đó chi phí khác đều tăng như lương cơ bản, tiền chi cho giảng viên tăng do quy chế chi tiêu mới, chi phí đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị... khiến các trường gặp rất nhiều khó khăn. Các trường CL thực hiện tự chủ gặp nhiều khó khăn nhất (dù mấy năm qua vẫn tăng HP theo lộ trình của NĐ81) vì không có nguồn thu từ ngân sách (hoặc rất ít), đặc biệt trong việc giữ chân giảng viên giỏi, khi HP không thể tăng, trong khi các trường ĐH tư thục đã tăng HP từ các năm qua.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, HP chiếm tỉ trọng 50% - 90% nguồn thu, năm học 2023 - 2024 không tăng HP là thách thức lớn đối với các trường ĐHCL.

Phân tích của nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) về TC của GDĐH tại Việt Nam (VN) cho thấy, năm 2017, 24% tổng nguồn thu của các trường ĐHCL là từ ngân sách nhà nước (NSNN), 4 năm sau con số này chỉ còn 9%. Học phí, từ chỗ chiếm 57% tổng thu nhập, 4 năm sau nhảy lên 77%. Nhóm nghiên cứu cho rằng VN có thể được xem như "một ngoại lệ" (về đầu tư NSNN cho GDĐH) khi đang là một trong những quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào nguồn thu HP. Tỷ trọng ngân sách (NS) chi tiêu công phân bổ cho GDĐH là 0,23% GDP (theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, con số chính thức mà Bộ TC đưa ra năm 2020, NS chi cho GDĐH chưa đến 17.000 tỷ đồng, chiếm 0,27% GDP, nhưng con số thực chi chưa được 12.000 tỷ). Nếu tính theo số thực chi, tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới.

Nhóm nghiên cứu kiến nghị: "Việt Nam cần đặc biệt tránh chuyển gánh nặng TC của GDĐH sang hộ gia đình/học sinh (HS) - sinh viên (SV) khi mức chi tiêu, đầu tư công cho GDĐH vẫn còn rất thấp, cũng như không để hệ thống GDĐH quá phụ thuộc vào nguồn thu HP trong khi nhóm hộ nghèo vẫn đối mặt với nhiều hạn chế, ràng buộc về TC". Cũng theo nhóm nghiên cứu, nguyên nhân cốt lõi của các vấn đề trên xuất phát từ chính sách tự chủ TC, cắt giảm hỗ trợ từ NSNN, giảm dần phụ thuộc vào NSNN và tăng cường chia sẻ chi phí. Chính sách này vốn chỉ có thể khả thi đối với số ít trường ĐH có khả năng thu đủ HP thông qua các ngành học, chương trình đào tạo có sức hút với SV. Từ đó, VN tồn tại quan niệm "xã hội hóa GDĐH" chủ yếu dựa vào HP và các khoản đóng góp từ hộ gia đình.

Đó cũng là lý do học phí ĐH cả CL lẫn ngoài CL ngày càng tăng cao.

Việc không tăng HP với các trường CL sẽ khiến các trường gặp khó khăn thêm, đó là hệ quả tất yếu, khi mọi nguồn thu chủ yếu đến từ HP, dù các trường cũng có cơ chế để năng động, đa dạng hóa nguồn thu như từ các hoạt động khoa học, chuyển giao công nghệ, từ sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, Mạnh thường quân... Tuy nhiên, nguồn thu này cũng hạn chế, nếu không nói là rất ít. Học phí không được phép tăng, các nguồn thu khác quá ít và không đáng kể, trong khi NSNN quá thấp, các trường ĐH khó thể phát triển, đặc biệt trong việc nâng cao chất lượng đào tạo.

Quyết định dừng tăng HP của Chính phủ giúp người học giảm gánh nặng. Vấn đề ở đây là Nhà nước cần uyển chuyển, không từ cực này nhảy sang cực khác, hiểu đúng "xã hội hóa GDĐH" không phải là cắt nguồn NS, đầu tư cho GDĐH ít nhất bằng 0,8% GDP - mức trung bình ở các nước khác như khuyến nghị của WB.

Với GDĐH, nếu đầu tư từ NSNN không thỏa đáng, không đúng tầm thì không thể hy vọng giải quyết câu chuyện nâng cao chất lượng đào tạo. Vì vậy, cũng rất cần xem lại vấn đề tự chủ ĐH tiếp cận tự chủ về TC thì Nhà nước sẽ rút dần đầu tư. Rút nhưng không phải là không đầu tư cho GDĐH, cần thay đổi cách tiếp cận vấn đề chiến lược này để các trường ĐH có nguồn thu thỏa đáng, tăng chất lượng đào tạo.

Chính sách không tăng học phí ĐHCL giúp HS - SV nghèo, vùng sâu, vùng xa có cơ hội vào ĐH, nhưng làm giảm nguồn lực ĐH công lại là mặt khác của vấn đề. Thêm vấn đề khác, là cần phải kiểm soát việc tăng HP ở các trường ngoài CL, bởi nhiều trường hiện đã tăng HP đến mức kịch trần theo NĐ81.

XUÂN NHÂN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/khong-tang-hoc-phi-dai-hoc-cong-lap-nam-hoc-2023-2024_151704.html