Không thanh toán bảo hiểm y tế với máy đặt, máy mượn: Bộ Y tế nói gì?
Sáng 15/5, Bộ Y tế có thông tin báo chí về việc thực hiện hình thức đấu thầu, hóa chất, đặt máy, mượn máy đang thực hiện tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Công văn 2348/BYT-KH-TC ngày 9/5/2022 do Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn có nội dung đề nghị các cơ sở y tế không thanh toán bảo hiểm y tế đối với máy đặt, máy mượn tại các cơ sở y tế đã gây ra một làn sóng phản ứng dữ dội.
Sáng 15/5, Bộ Y tế đã có thông tin báo chí về việc thực hiện hình thức đấu thầu, hóa chất, đặt máy, mượn máy đang thực hiện tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Tiếp sau đó, ngày 12/5/2022, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng có công văn 1261 từ chối thanh toán bảo hiểm y tế với các dịch vụ kỹ thuật sử dụng máy mượn, máy đặt của các công ty trúng thầu vật tư, hóa chất.
Với 2 công văn của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, một số bệnh viện lớn như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K… đã ngay lập tức có công văn gửi lãnh đạo Bộ Y tế.
Bởi, nếu thực hiện 2 công văn này sẽ dẫn đến bệnh nhân có bảo hiểm y tế cũng phải bỏ tiền túi ra trả các xét nghiệm và các bệnh viện sẽ phải dừng dịch vụ xét nghiệm cho người bệnh có bảo hiểm y tế.
Tìm hiểu tại một số bệnh viện lớn ở phía Bắc như Bệnh viện Việt Đức, có tới 90% người bệnh bảo hiểm y tế điều trị nội trú tại bệnh viện và 95% số máy xét nghiệm là mượn của công ty trúng thầu hóa chất. Vì thế, việc dừng thanh toán bảo hiểm y tế dịch vụ xét nghiệm sẽ khiến bệnh nhân phải bỏ tiền túi ra để trả, cho dù họ có bảo hiểm y tế.
Các lãnh đạo bệnh viện cho rằng không một bệnh viện nào có thể trả thay cho bệnh nhân khoản tiền này vì rất lớn. Cụ thể, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chi phí xét nghiệm quyết toán bảo hiểm y tế chiếm tới 42% tổng số tiền xét nghiệm;
Ở Bệnh viện Bạch Mai, người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế chiếm 13% lượt khám và 86% số người điều trị; ở Bệnh viện K số người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế chiếm 30% lượt khám và 96% số người điều trị.
Phân tích về thực tế này, một lãnh đạo bệnh viện tuyến trung ương cho hay, khi bỏ đi số máy mượn, máy hiện đang đặt tại các bệnh viện, đồng nghĩa với việc các bệnh viện sẽ phải đầu tư số tiền khổng lồ để mua máy, trong đó có máy giá lên tới vài chục tỷ đồng.
"Bên cạnh đó, nếu bệnh viện phải bỏ số máy mượn, máy đặt, mà bản thân chúng tôi cũng không có tiền mua máy, sẽ phải thuê đơn vị tư nhân xét nghiệm cho người bệnh. Như thế, giá xét nghiệm sẽ cao hơn giá Bộ Y tế quy định, vì vậy, bệnh nhân có bảo hiểm y tế sẽ phải chịu khoản chi phí chênh lệch giữa giá xét nghiệm mà bệnh viện thuê và giá của Bộ Y tế phê duyệt", vị này cho hay.
Mặt khác, theo tìm hiểu của phóng viên hiện số lượng xét nghiệm của mỗi bệnh viện rất lớn, nên số tiền chênh lệch mà người bệnh phải trả sẽ rất lớn. Chẳng hạn, tại Bệnh viện Bạch Mai, mỗi năm đón khoảng 2 triệu lượt người bệnh khám, chữa bệnh ngoại trú và trên 165 nghìn người bệnh điều trị nội trú.
Số lượng các xét nghiệm sinh hóa, huyết học, vi sinh, hóa mô miễn dịch và sinh học học phân tử là trên 17 triệu. Còn Bệnh viện K là bệnh viện tuyến cuối chuyên ngành ung bướu, mỗi năm cũng đón gần 500.000 lượt người bệnh đến khám và 50.000 người bệnh điều trị.
Chưa kể, về mặt chuyên môn, các đơn vị tư nhân không đáp ứng được các xét nghiệm thuộc chuyên khoa sâu về yêu cầu thời gian, chuyên môn. Ví như ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là bệnh viện ngoại khoa tuyến cuối, người bệnh luôn đến trong tình trạng cấp cứu, thì việc xét nghiệm theo hình thức chuyển gửi, sẽ khiến thời gian trả kết quả không kịp thời, ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.
Trước làn sóng phản ứng dữ dội của các cơ sở y tế, đại diện Bộ Y tế cho hay, trong giai đoạn vừa qua, nhu cầu về trang thiết bị của các cơ sở y tế, đặc biệt là các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là rất lớn trong khi nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn vay ODA, vốn viện trợ, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của các đơn vị,… còn rất hạn chế và không đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Nhằm đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người dân, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã triển khai nhiều giải pháp để có trang thiết bị phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ được giao và bảo đảm người dân được thụ hưởng dịch vụ có chất lượng, trong đó có hình thức đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất mang máy đến đặt hoặc cho mượn máy.
Để bảo đảm thanh toán bảo hiểm y tế đối với hình thức này đồng thời phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, Bộ Y tế đã có công văn số 2009/BYT-KHTC ngày 12/4/2018 gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên máy mượn, máy đặt.
Tiếp theo đó, ngày 2/10/2018, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thống nhất việc thanh toán tại Thông báo số 1039/TB-BYT-BHXH, trong đó nêu rõ thống nhất tiếp tục thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế của các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng các máy do đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất cho mượn hoặc đặt theo kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật đấu thầu và hợp đồng đã ký.
Sau khi hết hợp đồng, nếu tiếp tục thực hiện thì phải thực hiện theo quy định của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản công. Các cơ sở khám, chữa bệnh phải tuân thủ quy trình chuyên môn trong chỉ định sử dụng các dịch vụ.
Bộ Y tế đã có công văn 6807/BYT-BH ngày 9/11/2018 sao gửi Thông báo số 1039/TB-BYT-BHXHVN nêu trên đến các đơn vị và địa phương và đến nay vẫn chưa có văn bản nào bãi bỏ Thông báo số 1039/TB-BYT-BHXHVN.
Như vậy, việc thanh toán bảo hiểm y tế đối với máy đặt, máy mượn hiện nay đang được thực hiện theo hướng dẫn tại công văn 6807/BYT-BH ngày 9/11/2018 của Bộ Y tế và không liên quan đến việc bãi bỏ công văn số 2009/BYT-KHTC.
Bộ Y tế cho biết đang làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để thống nhất hướng dẫn các nội dung cụ thể cho các đơn vị thực hiện. Trường hợp vượt thẩm quyền hai bên sẽ báo cáo Chính phủ xem xét, giải quyết theo quy định.