Không thể chậm hơn!

Doanh nghiệp làm hồ sơ hơn 2 tháng song người lao động vẫn chưa được nhận hỗ trợ tiền thuê nhà. Sự chậm trễ này khiến cả doanh nghiệp, người lao động sốt ruột.

Mòn mỏi chờ hỗ trợ

“Từ đầu năm đến giờ, công ty ít việc, em không có tiền gửi về cho bố mẹ, cũng chẳng dám mua sắm bộ quần áo mới nào”, Tạ Thị Ánh Nguyệt, công nhân khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng, Yên Dũng, Bắc Giang cho biết.

Tính đến 4.7, mới giải ngân được hơn 1% gói hỗ trợ nhà ở cho người lao động. Nguồn: ITN

Tính đến 4.7, mới giải ngân được hơn 1% gói hỗ trợ nhà ở cho người lao động. Nguồn: ITN

Nguyệt rời quê nhà ở huyện Lục Nam sang Yên Dũng làm công nhân từ hơn 2 năm nay. Trước đây, công ty nhiều việc nên Nguyệt thường xuyên tăng ca, thu nhập vì thế cũng khá, “tháng nào em cũng dành dụm được tiền gửi về cho bố mẹ để trang trải cuộc sống”. Nhưng từ đầu năm nay, “em thường về nhà lúc 5 giờ chiều vì chẳng có việc”, đồng nghĩa tiền lương cũng eo hẹp.

“Mỗi tháng bây giờ nhiều thì được tầm hơn 4 triệu đồng. Em trả tiền nhà trọ 1 triệu đồng, điện nước khoảng 500.000 đồng, còn lại tầm 2,5 triệu đồng để chi tiêu sinh hoạt. Bây giờ, cái gì cũng tăng giá nên rất chật vật, chưa kể nếu trong tháng có đám cưới, thăm hỏi ốm đau thì tiền lương không đủ”, Nguyệt chia sẻ.

Tháng 5.2022, Nguyệt được công ty thông báo làm hồ sơ để được hưởng hỗ trợ tiền thuê trọ trong 3 tháng, mỗi tháng được 500.000 đồng. Số tiền đó không nhiều, nhưng “thực sự quý giá với những công nhân như em trong lúc này”. Tuy vậy, đến giờ đã hơn 2 tháng, Nguyệt vẫn chưa nhận được hỗ trợ. “Em có hỏi phía công ty thì họ bảo cứ chờ mà cũng chưa biết chờ đến khi nào”.

Đại diện Công ty TNHH Fine Eleccom Vina cho biết, công ty đã nỗ lực hoàn tất hồ sơ cho 127 lượt công nhân được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở từ hồi tháng 5.2022, sớm nhất trong toàn huyện Yên Dũng, Bắc Giang. Hồ sơ của công nhân cũng đã qua 2 lần thẩm định. Tuy vậy, đến nay công nhân vẫn chưa nhận được tiền. “Công nhân liên tục hỏi vì sao chậm trễ. Chúng tôi có hỏi phía huyện thì được giải thích là chờ giải ngân. Bây giờ, không chỉ công nhân mà phía doanh nghiệp cũng rất mong chờ tiền sớm về tới tay công nhân để họ đỡ sốt ruột”, đại diện công ty chia sẻ.

Còn tại Công ty Samuel Electronics Vina (Bắc Giang), đại diện công ty cho biết đã gửi hồ sơ của khoảng 100 công nhân được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở nhưng chưa được thẩm định nên công nhân chưa được nhận tiền. Nguyên nhân bởi quy trình phải qua nhiều vòng: doanh nghiệp phải xác nhận với chủ trọ, sau đó gửi danh sách sang cơ quan bảo hiểm xác định xem công nhân có đóng bảo hiểm xã hội không, cuối cùng mới gửi sang huyện và chờ thẩm định mới được giải ngân. Bên cạnh đó, nhiều công nhân dù trong diện được hỗ trợ nhưng chưa nộp hết đơn đề nghị nên doanh nghiệp chậm hoàn tất thủ tục.

Cần xử lý nghiêm nếu chậm thực hiện

Sự chậm trễ trong thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân được Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh xác nhận tại họp báo Chính phủ hồi đầu tháng này. Theo đó, tính đến ngày 4.7, tỷ lệ giải ngân mới đạt 01%!

Và bởi thế, người đứng đầu Chính phủ rất “sốt ruột”. Ngày 13.7.2022, Văn phòng Chính phủ ban hành Văn bản số 4379/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính về thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động quy định tại Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28.3.2022.

Cụ thể, việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn rất chậm; Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương kiểm tra, xác định nguyên nhân, có giải pháp đẩy nhanh việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Thực tế, có nhiều lý do để giải thích cho sự chậm trễ này. Như lời Thứ trưởng Lê Văn Thanh, các địa phương chờ hướng dẫn về nguyên tắc hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (Quyết định số 791/QĐ-TTg ban hành ngày 03.7.2022). Điều này dẫn đến mặc dù đã phê duyệt nhưng chưa bố trí kinh phí từ ngân sách Trung ương để trả. Bên cạnh đó, dù yêu cầu chỉ cần có xác nhận của chủ nhà trọ nhưng nhiều nơi vì sợ làm sai nên buộc cả chính quyền địa phương cấp xã, phường phải xác nhận.

Về phía doanh nghiệp, có tình trạng sợ làm sai nên nộp danh sách cho Bảo hiểm xã hội chậm. Hiện, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã yêu cầu các doanh nghiệp, đặc biệt là các tổ chức công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với liên đoàn lao động các địa phương để đẩy mạnh đôn đốc các doanh nghiệp nhanh chóng lập danh sách để Bảo hiểm Xã hội phê duyệt.

Những nguyên nhân trên, rõ ràng có cả phía chính quyền lẫn doanh nghiệp, người lao động. Song, dù với bất cứ lý do nào thì thời hạn để hoàn tất hỗ trợ chỉ còn hơn một tháng nữa (trong tháng 8.2022). Việc giải ngân 99% của gói hỗ trợ 6.600 tỷ đồng là nhiệm vụ không đơn giản! Và cũng không thể chậm trễ hơn! Bởi không chỉ liên quan cuộc sống của 3,4 triệu lao động, mà còn là niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào Nhà nước.

Với việc Chính phủ ban hành Quyết định số 791/QĐ-TTg hướng dẫn cụ thể về nguồn kinh phí từ ngân sách Trung ương, đặc biệt, Thủ tướng đã có chỉ đạo tại Văn bản số 4379/VPCP-KGVX ngày 13.7.2022 sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình thực hiện. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cam kết phấn đấu cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ trong tháng 7.

Giờ, điều mà doanh nghiệp, người lao động trông chờ là các bộ, ngành, địa phương phải hành động quyết liệt. Cùng với đó, phải có cơ chế trách nhiệm rõ ràng: doanh nghiệp, địa phương nào chậm thực hiện sẽ phải xử lý nghiêm những người có liên quan và công khai kết quả xử lý này. Có như thế sẽ tạo động lực và cả áp lực để đẩy nhanh thực hiện gói hỗ trợ!

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, đến ngày 4.7.2022, các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận hồ sơ của 13.880 doanh nghiệp để hỗ trợ cho 558.024 lao động với kinh phí hỗ trợ hơn 357 tỷ đồng tại 45 địa phương. Các địa phương đã phê duyệt cho 280.954 lao động với tổng kinh phí là 209 tỷ đồng tại 38 địa phương. Đã có 15 địa phương giải ngân cho 13.541 lao động với kinh phí là hơn 70 tỷ đồng. Tỷ lệ này mới đạt hơn 01%.

Theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, hai đối tượng được nhận hỗ trợ là người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp và người lao động quay trở lại thị trường lao động, với mức 500.000 đồng/người/tháng và 1.000.000 đồng/người/tháng, tối đa được hưởng trong 3 tháng.

Minh Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/khong-the-cham-hon-i295519/