Không thể chậm trễ

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Tuy nhiên, sau khi giảm 5,5% trong năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong 7 tháng năm 2019 lại tiếp tục giảm 9,2%. Đó là những con số đáng báo động cho thấy xuất khẩu nông, thủy sản sang thị trường tỷ dân này đang sụt giảm mạnh.

Nguyên nhân được xác định đến từ những động thái mới trong chính sách và thực thi chính sách của Trung Quốc. Cụ thể, Trung Quốc đã cơ cấu lại bộ máy quản lý, sáp nhập Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch quốc gia về Tổng cục Hải quan nhằm quản lý chất lượng hàng hóa nhập khẩu theo ngành dọc.

Bên cạnh đó, Trung Quốc tăng cường công tác thực thi pháp luật, các chính sách thương mại biên giới được siết chặt theo hướng đi vào chính quy và đưa ra loạt hàng rào kỹ thuật về kiểm soát chất lượng, kiểm dịch ATTP... với nông sản nhập khẩu. Điều này cho thấy, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính.

 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.

Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là một số địa phương, DN vẫn chưa nhận thức đầy đủ, vẫn giữ cách thức sản xuất, làm ăn manh mún, duy trì và tận dụng phương thức trao đổi cư dân biên giới một cách mạnh ai nấy làm... dẫn đến tình trạng ùn ứ hàng hóa trong nước, ảnh hưởng đến chất lượng và bị ép giá.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, có tới 60 - 70% nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc thông qua đường tiểu ngạch, khiến giá trị nông sản xuất khẩu thấp và tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiếu bền vững. Đáng nói, đến thời điểm này, nước ta mới có 9 mặt hàng nông sản đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Những quy định quản lý hoạt động xuất khẩu theo chính ngạch Trung Quốc đã ban hành từ rất lâu. Song, 3 năm trở lại đây, Trung Quốc mới tổ chức thực hiện một cách đầy đủ, nghiêm túc. Vì vậy, đây không phải là sự thay đổi đột ngột mà nó phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tại hội nghị phát triển xuất khẩu nông, thủy sản sang thị trường Trung Quốc mới đây, lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương đều nhận định, đã đến lúc Việt Nam phải thay đổi tư duy, đừng coi Trung Quốc là một thị trường dễ tính, giữ mãi thói quen xuất khẩu tiểu ngạch bởi chính sách kiểm soát nhập khẩu của họ là nhất thể hóa theo chính ngạch. Không thể chậm trễ hơn được nữa, các DN sản xuất và phân phối cần phải triệt để chuyển xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch là vấn đề mà Bộ trưởng Bộ Công Thương đặt ra.

Việc làm cấp thiết lúc này là bắt tay vào tháo gỡ các nút thắt nhằm đẩy mạnh xuất khẩu theo hướng bền vững. Theo đó, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan cần kịp thời có hướng dẫn, giải đáp về các quy định, tiêu chuẩn của Trung Quốc để các địa phương, nông dân, DN nắm rõ.

Đặc biệt là, các hiệp hội ngành hàng, các DN xuất khẩu cần có kế hoạch phù hợp, đáp ứng đúng yêu cầu của thị trường. Cùng với đó nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm và nắm chắc và tuân thủ quy định, tiêu chuẩn nhập khẩu của Trung Quốc.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, hướng xuất khẩu chính ngạch là xu thế tất yếu. Điều này đòi hỏi nông dân, DN xuất khẩu Việt Nam bắt buộc phải thay đổi, thích nghi nếu muốn phát triển bền vững, không chỉ với thị trường Trung Quốc mà với bất kỳ thị trường nào trên thế giới.

Nói như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường "người dân ở đâu cũng có nhu cầu về chất lượng ngày càng cao của sản phẩm nhập khẩu. Nếu không nắm bắt, chuyển hóa kịp, ta sẽ lúng túng”.

Ngọc Ánh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/khong-the-cham-tre-352659.html