Sầu riêng đông lạnh chuẩn bị xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc
Sầu riêng đông lạnh và nhiều loại hoa quả đang được chuẩn bị sẵn sàng để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Sầu riêng Việt Nam được ưa chuộng ở Trung Quốc
Số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, tính đến hết tháng 5, xuất khẩu sầu riêng các loại của Việt Nam đã thu về gần 920 triệu USD, tăng 74,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Trung Quốc chiếm đến hơn 93% tổng xuất khẩu với kim ngạch đạt 857,8 triệu USD, tăng 78,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Sầu riêng tiếp tục dẫn đầu kim ngạch trong nhóm rau quả xuất khẩu. Hiện kim ngạch sầu riêng gấp 3,5 lần so với thanh long, loại quả từng giữ vị trí hàng đầu trong nhóm rau quả xuất khẩu.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, Trung Quốc vẫn tăng mua sầu riêng Việt Nam đều đặn. Ước tính trong tháng 6, lượng sầu riêng xuất khẩu đạt 600 triệu USD, nâng tổng kim ngạch 6 tháng đầu năm lên 1,5 tỷ USD.
Còn theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nước này đã nhập khẩu 582.624 tấn sầu riêng tươi trong 5 tháng đầu năm với trị giá gần 2,9 tỷ USD, tăng 8,7% về lượng và 7,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, nhập khẩu từ Thái Lan, nguồn cung sầu riêng lớn nhất cho Trung Quốc giảm 2,5% xuống còn 2,2 tỷ USD. Ngược lại, nhập khẩu từ Việt Nam tăng 61% lên mức 661,1 triệu USD. Với kết quả này, Việt Nam tiếp tục đứng thứ hai về xuất khẩu sầu riêng tươi vào Trung Quốc với thị phần chiếm 23% so với mức 15% của cùng kỳ năm ngoái.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), sầu riêng Việt Nam được đánh giá là có lợi thế sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm, đặc biệt khi vào vụ không bị cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan. Ngoài ra, một lợi thế của sầu riêng Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc là thời gian vận chuyển nhanh và giá thành cạnh tranh. Đây là những yếu tố giúp cho sầu riêng Việt Nam tạo được bước tiến lớn tại thị trường Trung Quốc chỉ sau chưa đầy 2 năm được mở cửa tại thị trường này.
Thông tin trên báo Công Thương, Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất của các nước ASEAN. Theo số liệu hải quan Trung Quốc năm 2023, Trung Quốc đã nhập khẩu 928.976 tấn sầu riêng tươi từ Thái Lan, 493.183 tấn từ Việt Nam và 3.763 tấn từ Philippines, tổng cộng 1.425.922 tấn.
Dự báo nhu cầu sầu riêng tại thị trường Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trong tương lai, nhờ vào sự yêu thích ngày càng lớn từ người tiêu dùng. Mặc dù không có con số cụ thể về lượng tiêu thụ sầu riêng hàng năm của người dân Trung Quốc, nhưng có thể thấy sầu riêng rất được ưa chuộng, đặc biệt ở các thành phố lớn như: Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết, dự kiến trong năm nay, Việt Nam và Trung Quốc sẽ ký Nghị định thư mới về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, chanh leo và ớt, tiếp tục mở rộng con đường xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng dự báo kim ngạch xuất khẩu rau quả trong năm nay có thể đạt 7 - 7,5 tỷ USD, nếu như có thêm mặt hàng sầu riêng đông lạnh hoặc dừa tươi tham gia theo các thỏa thuận đàm phán hiện nay của Việt Nam với Trung Quốc.
Kỳ vọng vào xuất khẩu sầu riêng đông lạnh
Tại Hội nghị Sầu riêng châu Á lần thứ 2 tại Johor Bahru, Malaysia cuối tháng 6/2024, chuyên gia nông nghiệp Thái Lan Sakda Sinives – cho hay, do chỉ 30 - 35% quả sầu riêng có thể ăn được và 65 - 70% là chất thải, các nhà xuất khẩu sang Trung Quốc phải chịu chi phí vận chuyển lượng chất thải này.
Do đó, chỉ xuất khẩu phần thịt sầu riêng sang Trung Quốc có thể giảm đáng kể chi phí vận chuyển và lãng phí, tăng lợi nhuận và giá trị xuất khẩu. Cùng với đó, hành vi tiêu dùng của thế hệ trẻ, với các hộ gia đình nhỏ hơn và nhịp sống nhanh hơn, sẽ làm tăng nhu cầu về sự tiện lợi của sản phẩm. Bán thịt sầu riêng cắt sẵn hoặc đông lạnh phù hợp với người tiêu dùng hiện đại, hỗ trợ hoạt động bán hàng trực tuyến và dịch vụ hậu cần hiệu quả. Người tiêu dùng có thể mua theo số lượng và sở thích mong muốn, giảm rủi ro mua phải sầu riêng nguyên quả không rõ chất lượng thịt.
Ở góc độ doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, trao đổi với báo Người Lao Động, ông Trương Việt Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại Toàn Thắng (tỉnh Đồng Nai), cho biết công ty đã chuẩn bị sẵn sàng để xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc. "Để đầu tư một nhà máy xuất khẩu sầu riêng đông lạnh cần vốn gấp 5 lần kho chứa sầu riêng tươi đóng gói nên số lượng DN tham gia sẽ ít hơn, việc cạnh tranh có thể bớt khốc liệt hơn so với sầu riêng tươi. Phía Trung Quốc hiện nay phát triển được rất nhiều sản phẩm chế biến từ sầu riêng nên cần nguồn nguyên liệu lớn. Phân khúc này cũng có tính ổn định hơn so với sầu riêng tươi nhờ việc bảo quản được đến 2 năm", ông Thắng đánh giá.
Cũng theo ông Thắng, sầu riêng đông lạnh chủ yếu chú trọng chất lượng cơm, không đòi hỏi về mẫu mã bên ngoài như hàng tươi nên Việt Nam có thể xuất khẩu được thêm khoảng 30% sản lượng, mang về giá trị kinh tế lớn. Tuy nhiên, do giá sầu riêng hiện đã đạt đỉnh nên dù có mở thêm mặt hàng đông lạnh, sầu riêng cũng khó có khả năng tăng giá thêm mà chủ yếu ổn định đầu ra. "Nếu giá sầu riêng tăng nữa sẽ vượt khả năng chi trả của người tiêu dùng", ông Thắng nói.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thông tin năm 2023, Trung Quốc chi khoảng 1 tỷ USD để nhập khẩu sầu riêng đông lạnh nên khả năng năm đầu tiên tham gia thị trường Trung Quốc, Việt Nam có thể xuất được 300 - 500 triệu USD/năm.
"Tương lai, Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu sầu riêng đông lạnh tách múi để dùng cho chế biến vì giảm chi phí vận chuyển do loại bỏ vỏ từ đầu nguồn. DN Việt xuất khẩu sản phẩm đông lạnh cũng đỡ áp lực trong tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật (các sinh vật có nguy cơ gây hại đi kèm quả tươi) và có thể bán vào sâu trong nội địa Trung Quốc nhờ thời gian bảo quản dài", ông Nguyên đánh giá.
Báo cáo 6 tháng đầu năm 2024 của Bộ NN&PTNT cho thấy sầu riêng tiếp tục là cây ăn quả có sự tăng trưởng nóng về diện tích với 153.900 ha, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng sầu riêng thu hoạch nửa đầu năm 2024 ước đạt 487.700 tấn, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu sầu riêng có thể tăng trong các tháng tới khi vùng trồng lớn nhất cả nước là Tây Nguyên thu hoạch. Không chỉ sản lượng lớn, giá sầu riêng từ tháng 7 cũng ở mức cao do vùng trồng Tây Nguyên chủ yếu trồng sầu riêng Monthong và thời điểm này Thái Lan đã hết mùa khiến nguồn cung bị thu hẹp.
Dừa tươi, bưởi, mãng cầu,... cũng rộng cửa sang Trung Quốc
Ngoài mặt hàng sầu riêng đông lạnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, trong danh sách các loại trái cây đang đàm phán mở cửa sang thị trường Trung Quốc, dừa cũng là loại quả có tiềm năng lớn với doanh số có thể đạt khoảng 300 triệu USD/năm. Với bưởi, bơ, na (mãng cầu), roi (mận miền Nam), mỗi mặt hàng có thể đem về từ 10 - 20 triệu USD/năm do phải cạnh tranh với hàng nội địa và nhu cầu thị trường không quá lớn.
Theo ông Cao Bá Đăng Khoa, Tổng Thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam, dù hai nước chưa ký nghị định thư nhưng gần đây nhiều DN Trung Quốc đã đến hiệp hội để tìm nguồn hàng. "Cách đây 2 ngày, một đoàn gồm các DN chế biến dừa lớn của Trung Quốc đến làm việc với chúng tôi. Họ nói đang rất thiếu nguyên liệu, nửa năm đã qua nhưng chỉ mua được 30%-35% nhu cầu", ông Khoa thông tin.
Cũng theo ông Khoa, do nghị định thư xuất khẩu dừa sang Trung Quốc chưa được ký kết nên hiệp hội chủ yếu khuyến khích DN Trung Quốc thành lập công ty tại Việt Nam để thuận lợi trong việc thu mua về sau.
"Không chỉ DN Trung Quốc, chúng tôi cũng khuyến khích các DN Việt Nam tổ chức các điểm thu mua dừa tại vùng nguyên liệu thay vì phụ thuộc vào thương lái như hiện nay. Hiện chi phí từ vườn đến nhà máy đang chiếm đến 30% giá thành nguyên liệu dừa do phải tổ chức thu mua lòng vòng, chưa khoa học. Đương nhiên, chúng tôi sẽ có những rà soát để sàng lọc các DN có nhu cầu mua thật và có cam kết hoạt động lâu dài tại vùng nguyên liệu", ông Khoa nói.
Đối với quả bơ, ông Nguyễn Văn Mười, Phó trưởng Cơ quan phụ trách phía Nam Hội Làm vườn Việt Nam (VACVINA), cũng đặt nhiều kỳ vọng vì Trung Quốc là thị trường rất lớn. Theo ông Mười, bơ là loại cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, ít phải bón phân nên không cần đầu tư lớn như cây sầu riêng. "Điều này phù hợp với nông dân có vốn nhỏ. Tuy nhiên, khi hướng đến thị trường xuất khẩu, nông dân cần chọn các giống bơ chất lượng cao, vỏ dày, thời gian bảo quản dài", ông Mười lưu ý.
Trao đổi với báo Công Thương, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc Nông Đức Lai cho biết, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có nhiều cơ hội để vào sâu thị trường tỷ dân, bởi, trong bối cảnh phí vận tải tàu biển tăng cao, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang tìm kiếm nguồn cung nhập khẩu tại các khu vực lân cận, thay thế các doanh nghiệp châu Âu.
Đưa ra khuyến nghị cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, ông Nông Đức Lai cho hay, đây là thị trường rất rộng, thị trường rộng, mỗi địa phương là một thị trường riêng, nhu cầu lớn và yêu cầu riêng nên doanh nghiệp, địa phương nên cung cấp thông tin cụ thể để thương vụ nghiên cứu xem thị trường nào là phù hợp.
“Các sản phẩm và thực phẩm chế biến sẵn đang là một ngành hàng rất tiềm năng tại Trung Quốc và sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam khai thác”, ông Nông Đức Lai nhấn mạnh.
Minh Hoa (t/h)