Không thể chậm trễ
Tiến độ dự án không bảo đảm do còn một số rất ít hộ dân không chấp hành quyết định thu hồi đất và bàn giao mặt bằng để thi công.
Dự án đầu tư xây dựng công trình bờ kè chống sạt lở suối Cần Đăng chảy qua trung tâm thị trấn huyện Tân Biên (gọi tắt là Dự án bờ kè chống sạt lở suối Cần Đăng) đến nay đã quá thời hạn hoàn thành 6 tháng so với phê duyệt ban đầu (tháng 10.2023). Tiến độ dự án không bảo đảm do còn một số rất ít hộ dân không chấp hành quyết định thu hồi đất và bàn giao mặt bằng để thi công. Trước tình hình đó, HĐND tỉnh ban hành nghị quyết cho gia hạn thi công đến tháng 10.2024 phải hoàn thành. Tới thời điểm này, việc bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư và đơn vị thi công dự án là không thể chậm trễ.
Sẽ cưỡng chế thu hồi đất để bảo đảm tiến độ thi công dự án
Trong những ngày này, đơn vị thi công dự án bờ kè chống sạt lở suối Cần Đăng gấp rút huy động nhân lực, máy móc, đẩy nhanh tiến độ thi công ở những khu vực đã được bàn giao mặt bằng.
Tính đến nay, phần thượng lưu bờ tả (cảnh quan 3) và thượng lưu bờ hữu (cảnh quan 4) đã hoàn thành 95% khối lượng san lấp bờ kè. Đơn vị thi công đang triển khai các hạng mục theo thiết kế, hoàn thiện hệ thống hạ tầng trên phạm vi công viên, điện, nước, đường nội bộ, đèn chiếu sáng…
Tuy nhiên, phần hạ lưu bờ tả (cảnh quan 1) mới chỉ hoàn thành 25% khối lượng san lấp bờ kè, đơn vị thi công đang đổ bê tông tầng 1, tầng 2, tầng 3, tầng 4, tầng 5 và đỉnh kè đạt khoảng 150m/420m. Phần hạ lưu bờ hữu đã hoàn thành khoảng 95% khối lượng san lấp bờ kè; đổ bê tông tầng 1, tầng 2, tầng 3, tầng 4, tầng 5 và đỉnh kè đạt khoảng 150m và thi công phần hạ tầng ở các diện tích đã giải phóng mặt bằng. Các hạng mục phụ trợ gồm nhà mát, nhà vệ sinh 1 đã hoàn thiện phần thô đạt 70%, tiến hành trồng cây, bó vỉa công viên, cảnh quan, điện, nước khu vực thượng lưu… Nhìn chung, tiến độ thi công khu vực hạ lưu bị chậm do chưa có “mặt bằng sạch”.
Dự án bờ kè chống sạt lở suối Cần Đăng là dự án nhóm B, thời gian thực hiện từ tháng 10.2020 đến 10.2023. Tiến độ thi công dự án gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tình hình thời tiết và tiến độ giải phóng mặt bằng bị chậm do vẫn còn một số hộ dân chưa đồng thuận. Trước tình hình đó, HĐND tỉnh ban hành nghị quyết cho gia hạn thi công đến tháng 10.2024 phải hoàn thành.
Theo UBND huyện Tân Biên, quá trình triển khai thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng (bắt đầu từ năm 2020 đến nay) với các trình tự, thủ tục đã thực hiện đầy đủ, đúng quy định của pháp luật. Cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội của huyện, thị trấn Tân Biên cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, đối thoại với các hộ dân liên quan. Đại đa số người dân thị trấn Tân Biên thống nhất cao về mặt chủ trương, trong tổng số 3 tổ chức và 66 hộ dân trong diện đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) đã có 3/3 tổ chức (đạt 100%), 61/66 hộ dân (đạt 92,42%) đã nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng; chỉ còn 5/66 hộ dân (tỷ lệ 7,58%) không chấp hành quyết định thu hồi đất và bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án.
Ông La Văn Hên- Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tân Biên, cho biết: “Về vấn đề giá bồi thường, hỗ trợ GPMB, huyện Tân Biên đã thực hiện xây dựng giá và phê duyệt giá theo đúng quy định của Nhà nước. Nay chỉ còn một số ít hộ chưa thống nhất về giá, địa phương đang tiếp tục tuyên truyền, vận động và sẽ phải thực hiện các bước theo quy định pháp luật nếu các hộ này vẫn không đồng thuận. Đây là dự án lớn nhằm phát triển kinh tế - xã hội, chỉnh trang đô thị thị trấn Tân Biên, tiến tới xây dựng đô thị loại IV, tạo nơi sinh hoạt cộng đồng nói chung, thị trấn Tân Biên nói riêng. Ở góc độ chính quyền địa phương, chúng tôi rất mong các hộ đồng thuận với chủ trương của Nhà nước, bàn giao mặt bằng để thi công dự án bảo đảm tiến độ”.
Theo quy định của pháp luật, việc cưỡng chế thu hồi đất là giải pháp cuối cùng để thực hiện việc thu hồi đất khi người có đất bị thu hồi không hợp tác. “UBND huyện đã ban hành các quyết định cưỡng chế đối với 5 hộ chưa đồng thuận và sẽ cưỡng chế theo quy định của pháp luật để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công trong tháng 4.2024, bảo đảm tiến độ hoàn thành dự án vào tháng 10.2024”, ông Nguyễn Ngọc Trỗi- Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Biên cho biết.
Đa số các hộ dân diện đền bù, giải phóng mặt bằng đã ổn định cuộc sống tại nơi ở mới
Dự án bờ kè chống sạt lở suối Cần Đăng có 3 tổ chức và 66 hộ dân trong diện đền bù, giải phóng mặt bằng. Đến nay, đa số các hộ dân đã nhận tiền đền bù, đất tái định cư đều đã cơ bản ổn định cuộc sống tại nơi ở mới.
Ông Phạm Văn Nhọt, khu phố 1, thị trấn Tân Biên cho biết, mảnh đất và ngôi nhà gia đình ông đang ở được mua ngay sau thời điểm nhận tiền đền bù GPMB Dự án bờ kè chống sạt lở suối Cần Đăng. Ngôi nhà mới được xây dựng khang trang, đầy đủ tiện nghi. So sánh với cuộc sống trước đây, ông Nhọt cho rằng: “Dĩ nhiên là cuộc sống bây giờ khá hơn rồi. Đất khu vực bờ kè hồi đó đâu có giá trị nhiều, như chỗ đất của tôi hằng năm đều bị ngập nước khoảng một tháng. Phần phía trên tôi mở quán cà phê sân vườn đơn giản nhưng thực sự mà nói đất đó làm ăn không hiệu quả, sau khi nghỉ bán tôi cho thuê cũng chỉ được khoảng 2 triệu đồng/tháng”.
Gia đình ông Nhọt có 4 mảnh đất ở khu vực bờ kè với tổng diện tích gần 8.000 m2 bị thu hồi 100% khi huyện triển khai Dự án bờ kè chống sạt lở suối Cần Đăng. “Gia đình chúng tôi chấp hành bàn giao mặt bằng đầu tiên vì chúng tôi nhận thấy đây là chủ trương đúng. Có dự án này giúp bộ mặt của huyện, của thị trấn mình đẹp lên. Công trình hiện tại tuy chưa hoàn thiện nhưng nhìn đã thấy rất đẹp, sau này hoàn thiện chắc chắn đẹp hơn nữa. Có thể nói nhờ dự án bờ kè này, bộ mặt thị trấn Tân Biên nâng lên một cấp và quan trọng là đời con cháu mình sau này được hưởng lợi”- ông Nhọt nói.
Còn tại khu tái định cư Dự án bờ kè chống sạt lở suối Cần Đăng (khu phố 7, thị trấn Tân Biên), hiện tại, các hộ dân diện tái định cư đều đã xây dựng nhà cửa kiên cố, ổn định cuộc sống. Trong căn nhà nhỏ của vợ chồng bà Nguyễn Thị Hương và ông Trần Văn Hoàng có rất nhiều loại cây cối xanh mát với đủ các loại rau vừa phục vụ bữa ăn của gia đình và vừa để dành bán. Các thành viên trong gia đình đều phấn khởi. “Qua đây thấy yên tâm ngủ ngon”- bà Nguyễn Thị Hương bày tỏ. Ông Trần Văn Hoàng tiếp lời vợ: “Tôi bị tai biến không làm gì được, mỗi tháng được Nhà nước hỗ trợ gạo sống qua ngày. Nhà cửa bên khu bờ kè hồi xưa dột nát, mưa xuống là dột ướt hết trơn, phải trùm mền chờ mưa tạnh chứ có được khô ráo đâu. Từ khi di dời qua bên đây, cuộc sống ổn, đất có giấy tờ hợp lệ. Tôi chỉ mong tới đây được hỗ trợ tiền vốn để bán vé số. Tôi muốn tự lo cho cuộc sống của mình chứ Nhà nước đâu có lo hoài cho mình được”.
Còn đối với gia đình ông Nguyễn Văn Em, với số tiền đền bù GPMB khu vực bờ kè, gia đình ông mua hai phần đất tái định cư ở đây và xây dựng nhà mới từ cuối năm 2023. Cả hai phần đất tái định cư đều có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. “Nói chung khi Nhà nước có chủ trương xây dựng dự án bờ kè, về chủ trương chung thì mọi người dân đều mong muốn dự án sẽ làm cho bộ mặt của thị trấn nâng lên. Tuy nhiên trong khâu đền bù thì hộ nào đồng tình, thấy thỏa đáng nhận tiền, bàn giao mặt bằng, chuyển đi trước; hộ nào chưa đồng tình thì chưa bàn giao, vấn đề đó chính quyền các cấp sẽ tiếp tục giải quyết. Gia đình tôi cũng đã nhận tiền đền bù, chấp hành theo Nhà nước, qua đây để cuộc sống sớm ổn định”.
Theo lãnh đạo huyện Tân Biên, khu vực tái định cư trước đây còn khó khăn, chưa có đường sá. Từ khi có chủ trương xây dựng dự án bờ kè, chính quyền đã ưu tiên nguồn vốn đầu tư công xây dựng đường bê tông, lắp đặt hệ thống điện, mới đây là đèn đường chiếu sáng. “Trong thời gian tới, chính quyền Thị trấn sẽ phối hợp ngành chức năng của huyện khảo sát, nắm bắt hoàn cảnh người dân diện đền bù GPMB dự án bờ kè để tạo điều kiện vay vốn làm ăn và có sự hỗ trợ phù hợp cho những hộ thực sự khó khăn, giúp người dân ổn định cuộc sống”, ông La Văn Hên- Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tân Biên cho biết.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/khong-the-cham-tre-a171234.html