Không thể chấp nhận sự thiếu ý thức!
Hành động thiếu ý thức của một số người tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đang gây bức xúc.
Mới đây, một clip ghi lại hình ảnh cô gái cùng một người khác trèo lên nóc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (Hà Nội) để quay phim, chụp ảnh khiến cộng đồng mạng bức xúc.
Nhiều vấn đề trong 1 câu chuyện
Theo Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, tất cả các lối lên không thuộc khu vực mở cửa trưng bày đã được chăng dây, đặt rào chắn và có biển thông báo "Không phận sự miễn vào".
Sau đó, một clip tương tự với hình ảnh một thanh niên. Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cho biết thanh niên này đã đi xuyên qua khu vực trưng bày chính bảo tàng để đi lên lối có biển báo "Khu nhà làm việc nhân viên. Không vào".
Hai vụ việc trên khiến nhiều người thắc mắc về vấn đề an ninh, kiểm soát du khách tại bảo tàng.
Trước đó, tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, nhiều người lớn, trẻ em bất chấp biển báo đã trèo lên các hiện vật trưng bày như xe tăng, máy bay, các khẩu súng, pháo... ở cả bên ngoài lẫn bên trong bảo tàng để chụp ảnh.
Vụ việc này sau khi được phản ánh cũng nhận được rất nhiều ý kiến bình về ý thức của những người tham quan bảo tàng.
Theo thống kê, sáng 10-11, có hơn 30.000 khách đến bảo tàng. Con số tiếp tục tăng lên khoảng 40.000 khách tính đến cuối ngày, đông nhất từ khi bảo tàng mở cửa. Lượng khách đổ về khiến khuôn viên bên trong và cả phía ngoài bảo tàng đông. Tình trạng quá tải gây ra nhiều cảnh tượng phản cảm liên quan đến ý thức của khách tham quan.
Luật sư Trần Thị Thanh Thảo, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thảo Trần, cho rằng bảo tàng thu hút lượng lớn người tới cho thấy người dân đã quan tâm nhiều đến lịch sử và văn hóa quân sự của đất nước.
Đồng thời bảo tàng đang phát huy tốt vai trò giáo dục và truyền thông về di sản văn hóa.
Tuy vậy, luật sư Trần Thị Thanh Thảo nhìn nhận việc nhiều người bất chấp biển báo trèo lên các hiện vật là điều cần lưu tâm, phản ánh việc thiếu nhân viên bảo vệ hoặc hướng dẫn viên và ý thức của người tham quan chưa cao.
Hành động của một số người khi trèo lên nóc bảo tàng cho thấy đây là hành động thiếu ý thức và vô cùng nguy hiểm.
Các cơ quan quản lý cần nâng cao công tác quản lý, giám sát và giáo dục du khách. Việc này không chỉ giúp bảo tồn tốt hơn các hiện vật mà còn nâng cao trải nghiệm của khách tham quan tại bảo tàng.
Quy định về xử phạt
Luật sư Trần Thị Thanh Thảo cho hay hiện điều 26 Văn bản hợp nhất số 04/VBHN-BQP ngày 5-8-2022 của Bộ Quốc phòng đã quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu.
Cụ thể phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng đối với hành vi quay phim, chụp ảnh, đo, vẽ vành đai an toàn của công trình quốc phòng, khu quân sự khi không được phép của cấp có thẩm quyền.
Phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng đối với hành vi quay phim, chụp ảnh, đo, vẽ khu vực bảo vệ của công trình quốc phòng, khu quân sự khi không được phép của cấp có thẩm quyền.
Phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng đối với hành vi quay phim, chụp ảnh, đo, vẽ khu vực cấm của công trình quốc phòng, khu quân sự khi không được phép của cấp có thẩm quyền.
Phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi thu thập thông tin về vị trí, tác dụng, kết cấu, ghi chép các số liệu có liên quan đến công trình quốc phòng, khu quân sự không đúng chức trách, nhiệm vụ hoặc không được phép của cấp có thẩm quyền.
Ngoài ra, hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 điều này.
Điểm a khoản 6 điều 20 Nghị định 38/2021/NĐ-CP cũng quy định phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng đối với hành vi làm hư hại hiện vật trong bảo tàng, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được đưa vào Danh mục kiểm kê di tích của địa phương.
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được Bộ Quốc phòng xây dựng từ năm 2019 trên diện tích 386.600m2, nổi bật với tòa tháp Chiến thắng cao 45m ở sân trước. Khối nhà chính có 4 tầng nổi, một tầng trệt. Tổng mức đầu tư khoảng 2.500 tỉ đồng. Bảo tàng lưu giữ hơn 150.000 hiện vật, trong đó có 4 bảo vật quốc gia và nhiều khí tài quân sự.
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam mở cửa tất cả các ngày trong tuần, 8 -11 giờ 30 và 13 -16 giờ 30. Bảo tàng không mở cửa ngày thứ 2 và thứ 6.
Nội quy khi tham quan bảo tàng
1. Tuyệt đối chấp hành mọi hướng dẫn của nhân viên bảo tàng.
2. Trang phục lịch sự, không nói tục chửi bậy, không hút thuốc.
3. Mua vé đầy đủ.
4. Gửi hành lý, túi xách đúng nơi quy định.
5. Không mang vũ khí, vật liệu nổ, chất dễ cháy... vào bảo tàng.
6. Không ăn, uống trong khu vực trưng bày.
7. Không chạm tay hay trèo lên hiện vật.
8. Có ý thức gìn giữ vệ sinh chung, bảo vệ hiện vật và các công trình công cộng.
9. Khách tham quan phải chịu trách nhiệm nếu gây tổn thất nào cho bảo tàng.
10. Khách quay phim, chụp ảnh phải hỏi ý kiến nhân viên bảo tàng để biết được phạm vi cho phép. Không dùng đèn flash chụp ảnh hiện vật bảo tàng...
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/khong-the-chap-nhan-su-thieu-y-thuc-196241113085016199.htm