Không thể chấp nhận tình trạng một xe hai biển số
Tình trạng một ô tô có 2 biển số xe (một xanh, một trắng), theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc là 'không thể chấp nhận được, tạo ra dư luận không tốt'. Cần quy định cứng mỗi xe chỉ duy nhất 1 biển đăng ký.
Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến tại phiên họp sáng nay 16-9.
Dù vẫn còn những ý kiến khác nhau về việc có nên tách riêng luật này khỏi Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) hay không, song nhiều ý kiến tại phiên họp thống nhất với sự cần thiết phải củng cố, siết chặt các quy định về trật tự, an toàn giao thông đường bộ để kiềm chế và giảm tai nạn giao thông.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhận định, tình trạng tai nạn GTĐB chiếm tỷ lệ cao, hơn 90% số vụ nên làm quyết liệt việc này là hết sức cần thiết. Các ngành, cấp đã nỗ lực, nhưng cũng không giảm là bao. Theo ông, công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe là một khâu then chốt cần chấn chỉnh. “Nhà nước nên tập trung làm chặt khâu cấp giấy phép lái xe. Khâu đào tạo, sát hạch nên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, để tăng cường độ chính xác, khách quan”.
Đặc biệt, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu và nhiều ý kiến khác đề nghị chỉnh sửa dự thảo Luật theo hướng dứt khoát hơn, tránh tình trạng quy định nửa vời. Chẳng hạn, đã lên xe là phải thắt dây an toàn, không quy định nửa vời kiểu “vị trí nào có dây thì phải thắt”. Tình trạng một ô tô có 2 biển số xe (một xanh, một trắng), theo Tổng Thư ký Quốc hội, là “không thể chấp nhận được, tạo ra dư luận không tốt”. Cần quy định cứng mỗi xe chỉ duy nhất 1 biển đăng ký. Có quan điểm tương đồng, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu nói: “Trong các hành vi cấm, việc cấm dùng điện thoại bằng tay trên ô tô là đúng rồi, nhưng còn xe máy, tại sao không cấm triệt để? Hành vi này là cực kỳ nguy hiểm”.
Nhấn mạnh lại quan điểm cần xem xét kỹ việc tách luật này khỏi Luật GTĐB, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu: “Không ai nói đảm bảo trật tự an toàn giao thông là không quan trọng, mà chúng tôi chỉ đề nghị xem xét việc có nên tách luật hay không. Từ năm 2006 đến nay, tôi có đến 30 bài phát biểu về an toàn giao thông và Ủy ban Tư pháp cũng đã tiến hành giám sát vấn đề này”. Bà Lê Thị Nga khẳng định quan điểm, việc giao quyền từ bộ này sang bộ kia thì nhất định phải có tổng kết và có ý kiến của cơ quan thẩm quyền, xin ý kiến đại biểu Quốc hội; còn một số quy định mới trong dự thảo như trừ điểm trên giấy phép lái xe, đấu giá biển số đẹp… thì cân nhắc kỹ.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/khong-the-chap-nhan-tinh-trang-mot-xe-hai-bien-685554.html